Giá khởi điểm cho lô cổ phiếu Vinaconex mà Viettel sẽ thoái lên đến hơn 2.000 tỷ đồng... (Ảnh: Internet)
|
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố kết quả thẩm định năng lực nhà đầu tư tham gia đấu giá cổ phần Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – Mã CK: VCG) do Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) sở hữu.
Được biết, Viettel dự kiến sẽ thoái toàn bộ 94.010.175 cổ phiếu VCG, tương đương 21,28% tổng số cổ phần, đang nắm giữ tại Vinaconex, với mức giá khởi điểm là 21.300 đồng/cổ phần. Do đó, mức giá khởi điểm cho cả lô cổ phiếu trên lên tới 2.002,41 tỷ đồng.
Hội đồng thẩm định đã “chốt” danh sách các nhà đầu tư đáp ứng đủ điều kiện tham gia đấu giá mua cổ phần Viettel tại Vinaconex theo lô là: Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ (Cường Vũ) và CTCP Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam (TLVN).
Đáng chú ý, một trong những tiêu chí xem xét và đánh giá nhà đầu tư là việc phải chứng minh năng lực tài chính đủ khả năng mua toàn bộ số lượng cổ phần của Viettel. Như vậy, các nhà đầu tư lọt qua danh sách thẩm định chắc hẳn phải có một hồ sơ năng lực tài chính đáng nể.
Danh sách 2 nhà đầu tư vượt qua vòng thẩm định năng lực để tham dự phiên đấu giá của Viettel (Nguồn: HNX)
|
Ẩn số Cường Vũ
Về Cường Vũ, doanh nghiệp này vẫn còn khá non trẻ khi được thành lập vào ngày 7/11/2017, đăng ký địa chỉ trụ sở tại số 64, đường 85, Khu phố 1, Phường Tân Quy, Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh. Chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật và giữ chức vụ Giám đốc là ông Vũ Xuân Cường, sinh năm 1970, đăng ký hộ khẩu thường trú ngay tại trụ sở của công ty.
Một chi tiết rất đáng chú ý, đó là vốn điều lệ của Cường Vũ trong giấy đăng ký kinh doanh chỉ vỏn vẹn 20 tỷ đồng, một con số “nhỏ bé” so với tổng quy mô tối thiểu của phiên đấu giá.
Bên cạnh Cường Vũ, ông Vũ Xuân Cường cũng là người đại diện của 2 công ty khác là Công ty TNHH Bất động sản Cường Thanh (Cường Thanh) và Công ty TNHH Bất động sản Lâm Vũ (Lâm Vũ).
Đáng chú ý, cả 3 công ty Cường Vũ, Cường Thanh và Lâm Vũ đều có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, được thành lập chỉ cách nhau 1 ngày và có chung ngành, nghề đăng ký kinh doanh chính là “Xây dựng nhà các loại”.
Không chỉ vậy, cơ cấu cổ đông của 3 công ty này bên cạnh sự góp mặt của ông Vũ Xuân Cường cũng ít nhiều mối liên hệ.
Cụ thể, Cường Thanh (được thành lập ngày 9/11/2017) có cùng địa chỉ với Cường Vũ được tham gia góp 50% vốn bởi ông Vũ Xuân Cường và ông Lê Hoàng Thanh (sinh năm 1985) góp 50% vốn còn lại.
Trong khi đó, Lâm Vũ được thành lập ngày 8/11/2017, có địa chỉ trụ sở tại phường Đa Kao, Quận 1, TP. HCM. Cơ cấu cổ đông của Lâm Vũ được chia đều cho ông Cường, ông Thanh và bà Lâm Thị Thùy Trang (sinh năm 1984).
Với số vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 20 tỷ đồng, nhà đầu tư Cường Vũ (mà người đại diện là ông Vũ Xuân Cường) sẽ là một ẩn số thú vị của cuộc đấu giá. Cũng không loại trừ khả năng, ông Cường chỉ là người đại diện “hộ” cho một đại gia bất động sản muốn thâu tóm Vinaconex nhưng không muốn gây sự chú ý.
Thăng Long Việt Nam có gì đáng chú ý?
Khác với Cường Vũ, TLVN lại là một doanh nghiệp đã hoạt động lâu năm, được thành lập vào ngày 26/1/2010, đăng ký địa chỉ trụ sở tại lô B14, ngõ 61/23 đường Trần Duy Hưng, Phường Cầu Giấy, Hà Nội.
Người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng Giám đốc là ông Trịnh Cần Chính, sinh năm 1949, có địa chỉ thường trú tại Số 24 Nguyễn Gia Thiều, Phường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Địa chỉ này cũng là cơ sở 2 của nhà hàng Chợ Quê, thuộc sở hữu của CTCP nhà hàng Chợ Quê (Chợ Quê).
Đáng chú ý hơn, chỗ ở của ông Trịnh Cần Chính là số nhà 34 Hoàng Diệu, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Theo tìm hiểu của VietTimes, đây là địa chỉ của căn biệt thự rộng gần 3.000 m2, mang nhiều ý nghĩa lịch sử, của nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô. Và ông Trịnh Cần Chính là người con trai thứ 6 của nhà tư sản yêu nước và có nhiều đóng góp cho cách mạng này (ông Trịnh Văn Bô được biết đến là người đã hiến tặng 5.147 lượng vàng giúp Chính phủ giải quyết khó khăn tài chính sau cách mạng tháng 8 năm 1945).
Ông Trịnh Cần Chính bên bức ảnh chụp cha, mẹ và bà nội trong "Tuần Lễ Vàng". Ảnh: Diệu Bình/Vietnamnet
|
Khi mới thành lập, TLVN có vốn điều lệ 120 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông có sự tham gia của 6 cá nhân. Trong đó, ông Nguyễn Văn Đức (sinh năm 1979) tham gia góp vốn nhiều nhất với 44,4 tỷ đồng, tương đương 37% vốn điều lệ.
Theo giấy đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 8/12/2015, các cổ đông còn lại đã tiến hành triệt thoái vốn khỏi TLVN, chỉ có ông Nguyễn Văn Đức nâng tỷ lệ sở hữu lên 44%. Các cổ đông nhận chuyển nhượng 56% số cổ phần còn lại vẫn chưa được thông tin cụ thể. Tới ngày 11/12/2015, vốn điều lệ của TLVN được nâng lên mức 380 tỷ đồng.
Trong giai đoạn đầu năm 2018, TLVN liên tiếp chứng kiến sự thay đổi vị trí người đứng đầu. Cụ thể, ông Phạm Trọng Phùng (sinh năm 1958) đã thay thế ông Chính trở thành người đại diện kiêm Tổng Giám đốc công ty theo giấy đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 16/1/2018. Nhưng chỉ 3 tháng sau, ông Trịnh Cần Chính đã đảm nhận lại chức vụ thay thế cho ông Phùng tại TLVN.
Hiện chưa rõ bên cạnh nguồn vốn sẵn có, TLVN sẽ huy động thêm các nguồn lực tài chính nào để có thể “gom” đủ hơn 2.000 tỷ đồng tham gia đấu giá cổ phần Vinaconex sẽ diễn ra vào ngày 22/11/2018 tại HNX./.