Cơ quan Cảnh sát điều tra vừa có kết luận về vụ việc liên quan đến những vi phạm xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và đề nghị truy tố đối với Hà Văn Thắm và 16 bị can khác.
Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn bàn bạc về huy động vốn
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, cuối năm 2008 Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ký thỏa thuận với OceanBank để trở thành cổ đông và đối tác chiến lược. PVN cử Nguyễn Xuân Sơn làm thành viên HĐQT và Tổng giám đốc OceanBank. Đầu năm 2009, Hà Văn Thắm là chủ tịch HĐQT ngân hàng và Nguyễn Xuân Sơn bàn bạc về việc huy động vốn cho OceanBank, Sơn chủ động đề nghị với Thắm:
- OceanBank phải chi cho Sơn ngoài lãi suất tiền gửi quy định trong hợp đồng với mức trên dưới 1%/năm/tổng số tiền gửi để huy động vốn từ nhóm khách hàng dầu khí. Sơn còn cho rằng mức này thấp hơn mức các ngân hàng khác.
- Thắm giao cho Sơn toàn quyền quyết định chi phí mà không phải trao đổi chi tiết để Sơn chủ động giải quyết.
Thắm thừa nhận, OceanBank là ngân hàng mới được chuyển đổi từ nông thôn lên thành thị, có quy mô nhỏ, khó cạnh tranh huy động vốn nên Thắm chấp nhận đề nghị của Sơn để hút tiền gửi của nhóm khách hàng dầu khí. Nguồn tiền mà Thắm dùng để chi lãi ngoài cho Sơn lấy từ nguồn thu phí dịch vụ của công ty BSC là công ty của Thắm.
Khi Nguyễn Xuân Sơn về làm Phó Tổng PVN từ tháng 10/2014, về mặt hành chính Nguyễn Xuân Sơn không liên quan đến điều hành ở OceanBank trong đó có việc chi lãi ngoài huy động vốn, tuy nhiên Sơn đã đề nghị Hà Văn Thắm đồng ý giao cho Nguyễn Minh Thu phụ trách công tác huy động vốn, trực tiếp chi và phê duyệt chi lãi ngoài huy động vốn cho các khách hàng theo chỉ đạo của Sơn như Sơn đã làm với Thắm trước đó.
Xác minh tại hội sở OceanBank cho thấy, trong thời gian từ 2010 đến tháng 11/2014 tổng số tiền mà OceanBank đã chi lãi ngoài huy động vốn là 1.576 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản hoàn tạm ứng thì kết luận giám định của NHNN cho thấy trong số 1.576 tỷ đồng có 1.080 tỷ đồng là chi lãi ngoài, trong đó 984 tỷ chi vượt trần lãi suất theo quy định của NHNN.
Hàng loạt công ty dầu khí nhận lãi ngoài
Theo khai nhận của Nguyễn Minh Thu, từ tháng 7/2012 đến tháng 6/2014 OceanBank đã chi cho Thu 125,6 tỷ đồng để trả lãi ngoài huy động vốn cho các khách hàng, trong đó 114,4 tỷ là trả tiền gửi không kỳ hạn và 11,1 tỷ cho tiền gửi có kỳ hạn.
Thu đã trực tiếp chi lãi ngoài tiền gửi không kỳ hạn cho Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Liên doanh Dầu khí Vietsopetro (VSP) tổng số tiền 48,3 tỷ đồng. Chi lãi ngoài tiền gửi có kỳ hạn cho BSR từ tháng 10/2012 đến tháng 12/2013 là 9,5 tỷ đồng.
Số tiền 67,7 tỷ còn lại được trả cho các khách hàng do Nguyễn Thị Minh Phương là Phó Tổng giám đốc quản lý và chi cho các giám đốc chi nhánh tại các địa bàn trực tiếp quản lý khách hàng để chi cho khách hàng cụ thể:
Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau và Ban quản lý Khí điện đạm Cà Mau 16,7 tỷ; Công ty ĐH TD KT Dầu khí TN – PVEP POClà hơn 6 tỷ; Công ty tàu và Công ty Cảng Dịch vụ Dầu khí 2,3 tỷ; Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại 8,3 tỷ.
Còn theo khai nhận của Nguyễn Thị Minh Phương, Phương được phân công trả lãi ngoài 263,4 tỷ cho các khách hàng bao gồm Tổng công ty công nghiệp tàu thủy (Vinashin); Tổng công ty thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP); Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power); Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC); Tổng công ty bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI); Ban quản lý dự án điện lực dầu khí Long Phú 1 và Ban quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2, trong đó Phương trực tiếp trả lãi ngoài cho các khách hàng này là 230,7 tỷ đồng, còn 32,6 tỷ do Nguyễn Trà Mi và Lê Tuấn Anh là Phó giám đốc và Giám đốc OceanBank chi nhánh Thăng Long chi trả.
Theo InfoNet