Lĩnh vực thặng dư thương mại của Mỹ “lọt tầm ngắm” của các nước bị ông Trump áp thuế

Các ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Mỹ, mang lại cho các đối tác thương mại của nước này tầm ảnh hưởng nhất định trong các cuộc đàm phán thương mại thời gian tới.
EU nắm trong tay công cụ để đáp trả lệnh áp thuế mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Business Post.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông rất phẫn nộ trước thực tế là Mỹ nhập khẩu nhiều hàng hóa hơn so với lượng hàng hóa mà họ xuất khẩu sang phần còn lại của thế giới. Thế nhưng ông lại chưa từng đề cập đến việc Mỹ có thặng dư thương mại dịch vụ với phần lớn các nước trên thế giới.

Các ngành dịch vụ – bao gồm các ngành tài chính, du lịch, kỹ thuật và y tế... – chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Mỹ. Xuất khẩu các dịch vụ này đã mang lại hơn 1 nghìn tỷ USD cho Mỹ tính riêng trong năm ngoái.

Nhưng sự thống trị đó cũng mang lại cho các quốc gia khác một số tầm ảnh hưởng nhất định trong các cuộc đàm phán – bao gồm khả năng gây ra một số tổn hại cho nền kinh tế Mỹ khi họ tìm cách trả đũa mức thuế mà ông Trump mới áp đặt hôm 2/4.

Đơn cử, Liên minh châu Âu (EU) có thể sử dụng các công cụ được thiết kế nhằm hạn chế các dịch vụ của Mỹ tiếp cận khối này như một công cụ trả đũa Mỹ.

“Đòn bẩy thực sự mà người châu Âu có được cuối cùng là ở ngành dịch vụ”, Mujtaba Rahman, giám đốc điều hành khu vực châu Âu tại Eurasia Group, một công ty nghiên cứu chính trị, cho biết. “Tình hình chắc chắn sẽ leo thang trước khi hạ bớt nhiệt”.

Mỹ là nước xuất khẩu dịch vụ lớn nhất thế giới và một phần lớn các dịch vụ đó, từ dịch vụ tài chính đến điện toán đám mây, được cung cấp dưới dạng kỹ thuật số. Năm ngoái, quốc gia này đã đạt thặng dư thương mại trong lĩnh vực dịch vụ gần 300 tỷ USD.

Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu. EU có một công cụ mới được thiết kế để hạn chế các dịch vụ của Mỹ tiếp cận khối này. Ảnh: AFP.

Ví dụ, mỗi lần một du khách châu Âu lưu trú tại một khách sạn ở Mỹ, số tiền chi tiêu sẽ được tính vào giỏ xuất khẩu dịch vụ. Và mỗi lần ai đó ở Canada, Nhật Bản hoặc Mexico trả tiền để nghe nhạc hoặc xem phim và chương trình truyền hình được sản xuất tại Mỹ, họ đang đóng góp cho thặng dư của Mỹ trong thương mại dịch vụ.

Nhiều quốc gia mà Mỹ áp thuế đang có thâm hụt dịch vụ với Mỹ, bao gồm Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Mexico và nhiều nước châu Âu, theo Cục Thống kê Dân số Mỹ.

"Hiện nay, EU được trang bị các công cụ chính sách để mở rộng phạm vi trả đũa đối với thuế quan của Mỹ nhằm vào mục tiêu nhập khẩu dịch vụ của nước này", Filippo Taddei, giám đốc điều hành nghiên cứu đầu tư toàn cầu tại Goldman Sachs, đã viết trong một lưu ý nghiên cứu về các phản ứng có thể xảy ra của châu Âu.

Có thể nói rằng lựa chọn cực đoan nhất trong số đó được gọi là “Công cụ chống cưỡng ép” (ACI). Lần đầu tiên được đề xuất vào năm 2021, công cụ này phần lớn chưa được thử nghiệm, nhưng nó cho phép EU áp dụng "nhiều biện pháp đối phó sẵn có" đối với một đối tác thương mại.

Các biện pháp như vậy có thể bao gồm thuế quan, hạn chế thương mại dịch vụ và giới hạn các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ. Điều này có thể ảnh hưởng đến các gã khổng lồ công nghệ của Mỹ như Google. Một số nhà ngoại giao châu Âu cho biết việc sử dụng ACI là một khả năng rõ ràng, nếu chiến tranh thương mại leo thang.

Trụ sở chính của Google tại châu Âu nằm ở trung tâm Dublin. Trong hơn một thập kỷ, EU đã truy tố các công ty lớn nhất của Thung lũng Silicon vì các hành vi kinh doanh cạnh tranh không công bằng và các hành vi vi phạm quy định khác. Ảnh: NYTimes.

Trong khi các hạn chế có thể nhắm vào dịch vụ sẽ là phản ứng mới của chiến tranh thương mại, Brussels có tiền sử trừng phạt ngành công nghệ Mỹ vì những lý do khác. Trong hơn một thập kỷ, EU đã truy kích các công ty lớn nhất của Thung lũng Silicon vì các hoạt động kinh doanh cạnh tranh không cân bằng, bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu yếu kém và chính sách kiểm duyệt nội dung lỏng lẻo.

Sự giám sát tích cực của châu Âu đã dẫn đến những thay đổi đáng chú ý về các sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường rộng lớn EU, nơi sinh sống của khoảng 450 triệu người. Google đã bị ép thay đổi cách hiển thị kết quả tìm kiếm, Apple phải điều chỉnh App Store và Meta đã thực hiện các điều chỉnh đối với Instagram và Facebook vì các quy định của EU.

Việc nhắm vào ngành công nghệ sẽ làm gia tăng căng thẳng với chính quyền Trump về các bộ luật công nghệ của châu Âu. Ngay cả trước khi xảy ra tình trạng căng thẳng do thuế quan, các quan chức cấp cao của Mỹ bao gồm Phó Tổng thống J.D. Vance đã chỉ trích EU vì lo ngại rằng khu vực này đang siết quy định quá chặt đối với các công ty công nghệ Mỹ.

Ngay trong tuần này, EU dự kiến ​​sẽ công bố mức tiền phạt mới đối với Apple và Meta vì vi phạm Đạo luật thị trường kỹ thuật số, một đạo luật được thông qua vào năm 2022 nhằm mục đích giúp các công ty nhỏ hơn dễ cạnh tranh hơn với các gã khổng lồ công nghệ.

Meta và X cũng đang bị điều tra theo một đạo luật mới khác, được gọi là Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số, yêu cầu các công ty phải nỗ lực hơn nữa để kiểm soát nền tảng của họ, không để lọt nội dung bất hợp pháp.

Mặt khác, Anh có thể sử dụng các quy định của mình về nhập khẩu dịch vụ như một “củ cà rốt” thay vì “một cây gậy” với nước Mỹ.

Trong nhiều tuần, các quan chức Anh đã cố gắng trấn an công chúng rằng họ đang ở vị thế mạnh mẽ để đàm phán với chính quyền Trump để tránh thuế quan, nhiều lần chỉ ra rằng hoạt động thương mại hàng hóa tương đối cân bằng giữa hai nước.

Một cửa hàng Apple ở Manhattan. EU dự kiến ​​sẽ công bố mức phạt đối với Apple vì vi phạm luật nhằm giúp các công ty nhỏ hơn dễ dàng cạnh tranh với các gã khổng lồ công nghệ. Ảnh: NYTimes.

Tuy nhiên, một điểm nhức nhối đối với các quan chức chính quyền Trump là thuế dịch vụ kỹ thuật số của Anh, mà họ cho rằng gây tổn hại một cách không công bằng cho các công ty công nghệ lớn của Mỹ. Thuế này được đưa ra vào năm 2020 dưới dạng thuế suất 2% đối với doanh thu của các công cụ tìm kiếm, dịch vụ truyền thông xã hội và thị trường trực tuyến. Mức thuế này dự kiến ​​sẽ đóng góp hơn 1 tỷ USD cho kho bạc Anh trong năm tài chính này.

Các quan chức Anh cho biết những thay đổi trong mức thuế này sẽ được đem ra đàm phán với chính quyền Trump. Tháng trước, Rachel Reeves, Bộ trưởng Tài chính Anh, đã nói rằng, "Chúng ta phải cân bằng đúng cách".

Theo các nhà nghiên cứu tại Chatham House, một viện nghiên cứu, Anh đã tìm cách định vị mình trong "vành đai xanh" nằm giữa Mỹ và Liên minh châu Âu, duy trì mối quan hệ tốt với cả hai bên và duy trì một số quy định.

Nếu việc bãi bỏ thuế dịch vụ kỹ thuật số mang lại "một thỏa thuận có lợi cho Vương quốc Anh, tránh được mức thuế tồi tệ nhất của Mỹ, thì đó có thể là một nước cờ cao tay", các nhà nghiên cứu Alex Krasodomski và Olivia O'Sullivan đã viết. “Nhưng điều đó rất không chắc chắn – việc áp dụng thuế quan của ông Trump liên tục thay đổi”.

Họ nói thêm rằng có nhiều khả năng là Anh cuối cùng sẽ phải lựa chọn giữa việc trung thành hơn với Mỹ hoặc EU.

Theo New York Times