
Vòng thuế quan thương mại mới nhất của Mỹ được công bố trong hôm thứ Tư được nhận định là sẽ làm suy yếu thêm sức mạnh của nền kinh tế thế giới vừa mới phục hồi sau đợt tăng lạm phát hậu đại dịch, bị đè nặng bởi khoản nợ kỷ lục và bị xáo trộn bởi xung đột địa chính trị.
Phát biểu tại Vườn Hồng của Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ áp dụng mức thuế cơ bản 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu và giơ biểu đồ cho thấy mức thuế cao hơn đối với một số đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, bao gồm 34% đối với Trung Quốc và 20% đối với Liên minh Châu Âu (EU). Việt Nam nằm trong nhóm chịu mức thuế cao nhất, 46%.
Mức thuế 25% đối với ô tô và phụ tùng ô tô đã được xác nhận trước đó.
"Tôi coi đó là sự dịch chuyển của nền kinh tế Mỹ và toàn cầu theo hướng hoạt động kém hơn, bất ổn hơn và có thể hướng tới điều mà chúng ta có thể gọi là suy thoái toàn cầu", Antonio Fatas, nhà kinh tế vĩ mô tại trường kinh doanh INSEAD ở Pháp nhận định về đòn thuế của ông Trump.
"Chúng ta đang tiến vào một thế giới tồi tệ hơn cho tất cả mọi người vì nó kém hiệu quả hơn", ông Fatas, người từng là cố vấn cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới (WB), nói thêm.
Một quan chức chính phủ Mỹ cho biết thuế này sẽ có hiệu lực từ ngày 9/4.
"Chúng ta sẽ chỉ áp mức thuế bằng nửa mức họ đang áp với chúng ta. Tức là sẽ không áp dụng mức đầy đủ. Tôi có thể làm như vậy, nhưng việc đó sẽ gây khó khăn cho nhiều nước. Chúng tôi không muốn làm điều đó", ông Trump tuyên bố.
Ông Trump cũng cho biết sẽ áp dụng thuế nhập khẩu 10% với toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ, từ ngày 5/4. Điều này có nghĩa rằng tất cả quốc gia và vùng lãnh thổ đều phải chịu mức thuế nhập khẩu chung 10% này. Sau đó, kể từ ngày 9/4, các đối tác thương mại lớn nhất của nước này sẽ chịu thuế đối ứng ở mức cao hơn, theo bảng ông Trump đã công bố.
Ông Trump cho biết mức thuế quan này sẽ giúp nước Mỹ phục hồi năng lực sản xuất, có vai trò quan trọng về mặt chiến lược.
Trong bối cảnh sản lượng toàn cầu đang tăng ở mức dưới trung bình, nhiều quốc gia được dự báo sẽ phải chạy đua để tính toán tầm ảnh hưởng từ động thái mới của ông Trump. Đây không phải một nhiệm vụ dễ dàng bởi Tổng thống Mỹ ám chỉ rằng đây có thể chỉ là bước khởi đầu trong các cuộc đàm phán với từng nước, trong khi kết quả không chắc chắn.
Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva đã nói với Reuters rằng bà không thấy có khả năng xảy ra suy thoái toàn cầu vào thời điểm này. Bà nói thêm rằng Quỹ dự kiến sẽ sớm thực hiện một đợt "điều chỉnh" nhỏ, trong đó mức dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ hạ xuống mức 3,3% vào năm 2025.
Nhưng tác động đối với các nền kinh tế quốc gia sẽ khác nhau rất nhiều, do phạm vi thuế quan dao động từ 10% đối với Anh cho đến 49% đối với Campuchia.
Nếu một cuộc chiến thương mại rộng lớn hơn xảy ra, điều đó sẽ có tác động mạnh mẽ hơn đối với các nhà sản xuất như Trung Quốc, vốn sẽ phải săn lùng các thị trường mới trước nhu cầu tiêu dùng đang suy yếu trên toàn cầu.
Và nếu thuế quan đẩy chính nước Mỹ vào suy thoái, điều đó sẽ gây áp lực nặng nề lên các nước đang phát triển, những nước có vận may gắn chặt với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
"Những gì xảy ra ở Mỹ không chỉ giới hạn ở Mỹ", Barry Eichengreen, giáo sư kinh tế và khoa học chính trị tại Đại học California, Berkeley cho biết. "Nền kinh tế quá lớn và quá gắn kết với phần còn lại của thế giới thông qua thương mại và dòng vốn để phần còn lại của thế giới không bị ảnh hưởng".

Ông Trump loại trừ khả năng Ukraine trao Mỹ đất hiếm để gia nhập NATO

Ông Trump cảnh báo ông Putin về đòn thuế, chỉ trích lãnh đạo Ukraine

Ông Trump tiết lộ vẫn liên lạc với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un
Theo Reuters