|
Gần đây Trung Quốc liên tiếp tiến hành các cuộc tập trận nhằm vào Đài Loan. Trong ảnh: tàu cao tốc đệm khí tập đổ bộ chiếm đảo (Ảnh: Đa Chiều). |
Bài báo viết, “Washington có thể cho thấy qua chuyến thăm này rằng ngay cả khi nỗ lực của Trung Quốc cô lập hòn đảo trên trường quốc tế không ngừng gia tăng, Mỹ vẫn ủng hộ Đài Loan”. Đó là bình luận của New York Times đưa ra khi Bộ trưởng Y tế Hoa Kỳ Alex Azar đến thăm Đài Loan.
Ông Azar là quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến thăm Đài Loan kể từ khi Washington cắt đứt quan hệ chính thức với Đài Loan vào năm 1979. “Chuyến thăm của ông cho thấy rằng trong cuộc chiến ý thức hệ đang gay gắt giữa hai siêu cường Trung Quốc và Mỹ, Đài Loan đóng vai trò ngày càng quan trọng”; New York Times viết trong bản tin liên quan về chuyến thăm của ông Azar.
Quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Mỹ đang trong thời kỳ bất ổn nhất trong nhiều thập kỷ qua và Đài Loan dần trở thành “chiến trường” đọ sức giữa hai nước. Trong mấy tháng gần đây, cả hai bên đều tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xung đột gia tăng. Mọi người nói chung quan tâm đến việc liệu Mỹ có trực tiếp can thiệp nếu xảy ra chiến tranh ở eo biển Đài Loan hay không.
|
Ngày 10/8, bà Thái Anh Văn tiếp Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar - quan chức chính phủ Mỹ cấp cao nhất đến thăm Đài Loan kể từ năm 1979 (Ảnh: CNA).
|
Về vấn đề này, những người khác nhau có cách hiểu khác nhau. Ông Đường Vĩnh Hồng (Tang Yonghong), một học giả Trung Quốc, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đài Loan của Đại học Hạ Môn, cho rằng nếu đại lục sử dụng vũ lực, Mỹ tất bỏ rơi Đài Loan. Ông cho rằng ngay cả khi lúc này Trung Quốc đại lục lựa chọn sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề Đài Loan, Mỹ ngoài việc tuyên bố ủng hộ Đài Loan và trừng phạt Trung Quốc ra, cũng đành phải bỏ rơi Đài Loan và thừa nhận thực tế. Xét cho cùng, Đài Loan không phải là lợi ích cốt lõi của Mỹ, có thể bị Mỹ bỏ rơi bất cứ lúc nào.
Bài báo viết, có thể có nhiều người giữ quan điểm này. Cựu lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu ngày 10/8 đã chỉ ra rằng, chiến lược tấn công Đài Loan của Bắc Kinh là “trận đầu tiên cũng là kết thúc”. Một khi phát động chiến tranh, nó sẽ kết thúc trong thời gian rất ngắn để Đài Loan không có cơ hội chờ đợi sự chi viện của quân đội Mỹ. Người đứng đầu chính quyền (ám chỉ bà Thái Anh Văn) nên ngăn chiến tranh xảy ra. Bài phát biểu của Mã Anh Cửu đã làm dấy lên mối quan tâm rộng rãi ở Đài Loan.
Từ góc độ của Đài Loan nhìn vào phản ứng của Mỹ đối với tranh chấp ở eo biển Đài Loan, hầu hết người dân Đài Loan tin rằng Mỹ sẽ ra tay giúp đỡ. Theo một cuộc thăm dò mới nhất vào tháng 8/2020 của truyền thông Đài Loan Thời báo Trung Quốc, khi được hỏi “Nếu một cuộc chiến nổ ra giữa hai bên eo biển, bạn có cho rằng Mỹ sẽ đưa quân đến giúp Đài Loan không?”, 58,1% cho rằng “có” và 30,9% cho rằng “không”.
|
Bà Thái Anh Văn phát biểu khi tới thị sát một đơn vị quân đội Đài Loan trung tuần tháng 8 vừa qua (Ảnh: CNA).
|
Nếu phân tích theo thuộc tính về đảng, có tới 83,7% cử tri ủng hộ Đảng Dân Tiến của bà Thái Anh Văn cho rằng Mỹ sẽ đưa quân đến giúp Đài Loan, trong khi 13,3% cho rằng “không”; mặt khác, chỉ có 36,7% cử tri phe Quốc Dân Đảng cho rằng sẽ giúp và 59,5% cho rằng “không”.
Theo tư liệu được công bố vào đầu năm 2019 của Taiwan National Security Study, Đại học Duke, Mỹ thực hiện, có 68% người Đài Loan tin rằng miễn là Đài Loan không chủ động khiêu khích Bắc Kinh, nếu Bắc Kinh phát động chiến tranh vì mục đích thống nhất, Hoa Kỳ chắc chắn sẽ đưa quân đến giúp. Ngay cả khi Đài Loan chủ động tuyên bố độc lập khiến Bắc Kinh sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan, vẫn có gần một nửa số người dân Đài Loan tin rằng Mỹ sẽ đến giúp bảo vệ Đài Loan dựa trên việc bảo vệ các giá trị dân chủ.
Tuy nhiên, từ góc độ dư luận Mỹ, tình hình e rằng không mấy lạc quan. Theo một cuộc thăm dò dân ý do Phòng Thương mại Chicago tiến hành về chính sách đối ngoại và dư luận của Mỹ, khi được hỏi liệu họ có ủng hộ Mỹ đưa quân đến để chống lại sự xâm lược Đài Loan của Trung Quốc hay không? Chỉ có 35% người dân Mỹ ủng hộ việc đưa quân đến giúp Đài Loan phòng vệ. Đây là mức ủng hộ thấp nhất trong số các cuộc xung đột ở nước ngoài mà Mỹ có thể tham gia.
|
Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, Mỹ cho tàu USS Mustin vượt qua đường trung tâm eo biển Đài Loan khi đi dọc từ phía Bắc xuống phía Nam (Ảnh: Đa Chiều).
|
Cũng trong cuộc khảo sát này, hơn 60% người dân ủng hộ việc Mỹ giúp bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản. So với việc giúp bảo vệ các đồng minh khác của Mỹ ở châu Á, dư luận Mỹ nhìn chung không cho rằng việc đưa quân đến bảo vệ Đài Loan là một quyết định phù hợp lợi ích của Mỹ.
Kết luận này có thể được xác nhận bởi kết quả của một cuộc thăm dò khác. Một cuộc thăm dò do Pew Research Center (Trung tâm Nghiên cứu Pew), Mỹ thực hiện năm 2016 cho thấy nếu "Đài Loan độc lập" khiến Trung Quốc đại lục sử dụng vũ lực đối với Đài Loan, thì 64% số người được hỏi cho rằng Mỹ không nên đưa quân đến hỗ trợ Đài Loan, chỉ 27% cho rằng nên xuất quân. Đồng thời, một cuộc thăm dò do Chicago Council on Global Affairs (Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu) thực hiện cũng cho thấy 69% người dân phản đối việc Mỹ tham gia vào cuộc chiến giữa hai bờ eo biển Đài Loan.
Theo quan điểm của Mỹ, một khi nổ ra chiến tranh ở eo biển Đài Loan, chắc chắn Mỹ sẽ can thiệp. Câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có can thiệp quân sự trực tiếp hay không? Mỹ có thực sự sẵn sàng tiến hành chiến tranh với Trung Quốc vì Đài Loan? Có lẽ rất khó để đưa ra một kết luận dứt khoát.
|
Khu trục hạm USS Mustin của Mỹ đi xuyên eo biển Đài Loan hôm 18/8 (Ảnh: US Navy).
|
Trên thực tế, việc duy trì nguyên trạng eo biển Đài Loan; hai bên bờ chia nhau cai trị là phù hợp nhất với lợi ích của Mỹ. Mặc dù Mỹ có “Đạo luật Quan hệ Đài Loan” nhưng cũng chỉ nói rằng nước này có thể cung cấp vũ khí phòng thủ cho Đài Loan, không nói Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ an ninh cho Đài Loan. Nói cách khác, một khi nổ ra chiến tranh ở eo biển Đài Loan, ngay cả khi Mỹ can thiệp, khả năng Mỹ xảy ra chiến tranh trực tiếp với Bắc Kinh chỉ là 50:50, thậm chí thấp hơn.
Về góc nhìn của Bắc Kinh, Đa Chiều trong một bài viết khác hôm 16/8 đã chỉ ra rằng bất kỳ động thái nào nhằm đưa Đài Loan tiến tới độc lập đều là lằn ranh đỏ mà Bắc Kinh không thể dung thứ.
Tháng 3 năm 2005, Bắc Kinh ban hành "Luật chống ly khai", quy định Trung Quốc đại lục sẽ sử dụng vũ lực đối với Đài Loan trong ba trường hợp: Thứ nhất, các thế lực ly khai "Đài Loan độc lập" khiến Đài Loan tách khỏi Trung Quốc dưới bất kỳ tên gọi gì và dưới bất kỳ hình thức nào; Thứ hai, xảy ra một biến cố lớn khiến Đài Loan tách khỏi Trung Quốc; Thứ ba, khả năng thống nhất hòa bình bị mất hoàn toàn.
Đa Chiều cho rằng, về việc Trung Quốc đại lục dùng vũ lực thống nhất Đài Loan, nhiều người Đài Loan vẫn cho rằng đây là chuyện “chỉ nói không làm, dọa bóng dọa gió”. Đây rõ ràng là đánh giá thấp quyết tâm thống nhất Đài Loan của Bắc Kinh. Cho dù đó là các nhà lãnh đạo các khóa của Trung Quốc hay người dân Đại Lục bình thường, việc thống nhất Đài Loan đều là nút thắt trong tâm trí của họ, đã trở thành ý chí chung của chính phủ và dân chúng Trung Quốc. Hơn nữa, không một nhà lãnh đạo Bắc Kinh nào muốn gánh chịu tiếng xấu muôn đời là đánh mất chủ quyền của Đài Loan.
Do đó, nếu Mỹ và Đài Loan vượt qua ranh giới đỏ nói trên của Bắc Kinh trong việc sử dụng vũ lực, ngay cả khi khả năng Mỹ can thiệp là 100%, thì cũng không thể thay đổi quyết tâm và hành động của Bắc Kinh nhằm thống nhất Đài Loan. Tuy nhiên, mọi thứ chỉ là giả thuyết. Dù xét theo góc độ nào, Bắc Kinh thực sự không muốn đối đầu với Washington bằng binh đao, nhưng nếu tình hình ở eo biển Đài Loan vượt qua ranh giới của Bắc Kinh và trở nên không thể kiểm soát, thì Bắc Kinh có thể không quá ngần ngại.
Đối với Đài Loan mà nói, dù quân đội Mỹ có can thiệp hay không, một cuộc chiến tranh ở eo biển Đài Loan cuối cùng vẫn là một thảm họa không thể chịu đựng đối với 23 triệu người dân Đài Loan. Điểm này chính quyền Đài Loan cần cân nhắc rõ.
|
Tàu khu trục tên lửa Type 052C Nam Kinh (155) bám đuôi giám sát tàu USS Mustin hôm 18/8 (Ảnh: Đa Chiều).
|
Với việc tình hình ở eo biển Đài Loan ngày càng trở nên phức tạp và nguy cơ xảy ra rủi ro không ngừng gia tăng, ba bên Trung Quốc, Mỹ và Đài Loan dường như đều có ý thức tránh các vụ nổ súng rủi ro để tránh được chiến tranh không thể kiểm soát trên khắp eo biển. Mặc dù Mỹ và Đài Loan không ngừng thăm dò bên bờ vực nguy hiểm, nhưng họ đã không đột phá ranh giới đỏ về việc sử dụng vũ lực của Bắc Kinh.
Thông tin mới nhất cho thấy Đài Loan đã bị loại khỏi cuộc tập trận quân sự "Vành đai Thái Bình Dương" do Mỹ dẫn đầu. Các nhà phân tích cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Washington đã cẩn thận tránh vượt qua ranh giới đỏ của Bắc Kinh trong vấn đề Đài Loan. Đồng thời, Đài Loan cũng đã thông báo họ nghiêm cấm "tự ý nổ súng đầu tiên”.
Phía Bắc Kinh cũng đang cẩn thận quan tâm đến sự cân bằng này trước bờ vực nguy hiểm, bao gồm các dấu hiệu kiềm chế được thể hiện trong các cuộc tập trận bắn đạn thật được tổ chức ở hai đầu phía bắc và nam của eo biển Đài Loan trong chuyến thăm của Bộ trưởng Y tế Mỹ tới Đài Loan. Có tin, Bắc Kinh cũng đã ra lệnh "không được bắn phát súng đầu tiên”. Đây có thể được coi là những tín hiệu tương đối tích cực trong tình hình nghiêm trọng hiện nay trên eo biển Đài Loan./.