LienVietPostBank muốn chuyển sàn HoSE, chào bán riêng lẻ cho NĐT nước ngoài

VietTimes – Bên cạnh việc chuyển sàn, ban lãnh đạo LPB cũng lên kế hoạch tăng vốn thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài.
Ảnh minh họa (Nguồn: LPB)
Ảnh minh họa (Nguồn: LPB)

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - Mã CK: LPB) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên với nhiều nội dung đáng chú ý liên quan đến kế hoạch chuyển sàn và phương án tăng vốn điều lệ.

Theo đó, LPB sẽ hoàn thành việc chuyển đăng ký giao dịch cổ phiếu từ hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết (UPCom) sang niêm yết tại HOSE trong năm 2020.

Mục đích nhằm nâng cao hình ảnh và nhận diện thương hiệu của ngân hàng trong cộng đồng nhà đầu tư trong nước, quốc tế cũng như các khách hàng đang giao dịch. Đồng thời, nâng cao tính thanh khoản của cổ phiếu, đem lại lợi ích tối đa cho cổ đông khi chỉ số VN-Index mang tính đại diện cao cho thị trường chứng khoán và thường được các quỹ đầu tư sử dụng làm tham chiếu đo lường hiệu quả đầu tư.

Bên cạnh việc chuyển sàn, ban lãnh đạo LPB cũng lên kế hoạch tăng vốn thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, kế hoạch tăng vốn điều lệ được thực hiện thành 2 đợt. Trong đợt 1, ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10%, dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Còn ở đợt 2, LPB sẽ thực hiện tăng vốn thông qua phương án chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ chào bán không quá 4,99%.

Như vậy, LPB là một trong số ít các ngân hàng thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông rất đều đặn kể từ khi thành lập đến nay trong bối cảnh một số ngân hàng gặp khó khăn trong việc chi trả cổ tức hàng năm cho cổ đông.

Theo LPB, việc tăng vốn là cần thiết giúp ngân hàng tuân thủ các quy định chặt chẽ về chỉ số an toàn hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tiếp tục đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn theo thông lệ của Basel II. Mặt khác, việc tăng vốn sẽ giúp LPB nâng cao năng lực tài chính, quy mô hoạt động và khả năng cạnh tranh, tạo nguồn lực phát triển bền vững, an toàn và hiệu quả trong các năm tiếp theo.

Năm 2019, lợi nhuận trước thuế của LPB đạt 2.039 tỷ đồng, tăng tới 68% so với năm 2018, vượt 107% kế hoạch đề ra. Đây là mức lợi nhuận trước thuế cao nhất ngân hàng đạt được kể từ khi thành lập đến nay.

Trong đó, mảng dịch vụ ghi nhận kết quả ấn tượng, đặc biệt ở lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm (bancassurance) với mức tăng trưởng đột biến 217%, góp phần đưa kết quả thu dịch vụ cao gấp hơn 2,5 lần so với năm 2018.

Các chỉ tiêu về kinh doanh khác đều tăng trưởng tốt và xếp thứ hạng cao trong hệ thống ngân hàng. Cụ thể, huy động thị trường 1 đạt 166.162 tỷ đồng, tăng 20%. Dư nợ tín dụng thị trường 1 đạt 140.883 tỷ đồng, tăng 16%. Theo đó, tổng tài sản đạt 202.058 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2018.

Năm 2020, LPB tiếp tục kiên định với chiến lược bán lẻ trên cơ sở khai thác thế mạnh về mạng lưới. Ngân hàng thực hiện đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ để phục vụ và đáp ứng kịp thời cho các đối tượng khách hàng khu vực nông thôn còn rất nhiều tiềm năng mà các ngân hàng khác chưa có khả năng khai thác./.