Liên minh “Ngũ nhãn” chờ tiếp cận mảnh vỡ để giải mã bí mật công nghệ tên lửa PL-15

Theo truyền thông Ấn Độ ngày 17/5, sau khi xung đột Ấn Độ-Pakistan kết thúc, các mảnh vỡ tên lửa PL-15 được cho là do J-10C phóng rơi xuống lãnh thổ Ấn Độ, một số "về cơ bản vẫn còn nguyên vẹn" hiện đã trở thành “mồi ngon” cho giới nghiên cứu.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ thông báo thu được các mảnh vỡ tên lửa PL-15 khá hoàn chỉnh. Ảnh: QQnews.

Mong muốn được tiếp cận xác tên lửa PL-15

Theo báo chí Ấn Độ, quân đội nước này đã ngay lập tức thu thập các mảnh vỡ tên lửa PL-15E sau khi phát hiện nó. Sau "nghiên cứu sơ bộ", Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) tuyên bố rằng PL-15E "không có gì đặc biệt" và "không có gì đáng để học", thậm chí còn kém hơn tên lửa không đối không "Astra" do Ấn Độ sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, trái ngược hoàn toàn với thái độ này của Ấn Độ, trong mắt các quốc gia phương Tây khác, xác tên lửa PL-15E lại là một "miếng mồi béo bở". Truyền thông Ấn Độ đưa tin "Liên minh Ngũ Nhãn" (Five Eyes hay EVEY), liên minh tình báo 5 nước gồm Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand, cũng như Pháp và Nhật Bản đều rất quan tâm đến xác tên lửa PL-15E trong tay Ấn Độ và tin rằng đây là cơ hội cực kỳ hiếm có để nghiên cứu loại vũ khí tiên tiến của Trung Quốc.

Các quốc gia này đã gửi yêu cầu tới Ấn Độ và đang “xếp hàng” để được nghiên cứu những mãnh vỡ nhằm tìm ra "điểm then chốt" trong vũ khí tiên tiến của Trung Quốc.

Các quốc gia trong Liên minh Ngũ nhãn đề nghị với Ấn Độ tiếp cận các mảnh vỡ của tên lửa PL-15. Ảnh: QQnews.

Truyền thông Ấn Độ cho rằng PL-15E đại diện cho trình độ cao nhất của công nghệ không chiến của Trung Quốc và được thiết kế để cạnh tranh với tên lửa không đối không AIM-120 của Mỹ và Meteor của châu Âu. PL-15E sử dụng radar mảng pha chủ động, liên kết dữ liệu hai chiều và công nghệ động cơ xung kép rất tiên tiến trên thế giới. Thế giới bên ngoài cho rằng mặc dù các quan chức Ấn Độ đã cố hạ thấp loại tên lửa này, nhưng họ không thể che giấu được công nghệ tiên tiến của nó.

Có thông tin cho biết Anh, Pháp, Nhật Bản và các nước khác hy vọng sẽ có thể tiến hành phân tích chuyên sâu về tên lửa PL-15E "về cơ bản còn nguyên vẹn" để nghiên cứu chi tiết về công nghệ dẫn đường, động cơ và công nghệ tác chiến điện tử của tên lửa này, nhằm nghiên cứu các biện pháp đối phó, gây nhiễu và đánh lừa radar tên lửa, điều này rất quan trọng đối với Mỹ và các đồng minh trong các cuộc xung đột tiềm tàng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong tương lai.

Mảnh vỡ được cho là còn khá hoàn chỉnh. Ảnh: QQnews.

Đối với Pháp, việc nghiên cứu PL-15 cũng có ý nghĩa đặc biệt. Truyền thông phương Tây đưa tin máy bay J-10C đã phóng tên lửa PL-15E và bắn hạ chiến đấu cơ hiện đại Rafale do Pháp sản xuất. Mặc dù Ấn Độ từ chối xác nhận, nhưng Pháp, với tư cách là nhà cung cấp vũ khí chính cho Ấn Độ, có nghĩa vụ phải đảm bảo máy bay Rafale duy trì ưu thế về công nghệ so với Pakistan. Nếu Pháp có thể tìm ra điểm yếu chí mạng của PL-15E thì chắc chắn đây sẽ là tin tốt cho Không quân Ấn Độ, giúp Không quân Ấn Độ phục thù trong các trận không chiến Ấn Độ - Pakistan trong tương lai.

Điều đáng chú ý là trước đó Ấn Độ đã tuyên bố rằng tên lửa PL-15E đã bị rơi sau khi bị hệ thống phòng không của Ấn Độ đánh chặn. Thực tế, tên lửa đã bị hư hại và bộ phận đầu dẫn radar chính có thể cũng bị hư hại, do đó, nó "có giá trị tham khảo không lớn". Tuy nhiên, giới quan sát bên ngoài cho rằng đây rõ ràng là "quả bom khói" từ phía Ấn Độ, nhằm mục đích khiến Trung Quốc mất cảnh giác.

Truyền thông Ấn Độ cho biết PL-15E hiện đã trở thành "con bài mặc cả mạnh mẽ" của Ấn Độ, để có thể tăng cường hợp tác công nghệ với Mỹ, Pháp và các nước khác. Ấn Độ hoàn toàn có thể sử dụng xác tên lửa PL-15E để đổi lấy sự đồng ý của Mỹ, Pháp và Nhật Bản về việc chuyển giao các công nghệ tiên tiến mà Ấn Độ đang cần gấp. Điều này có ý nghĩa to lớn trong việc tăng cường công nghệ quân sự nội địa của Ấn Độ.

Tên lửa PL-15E được trưng bày tại Triễn lãm hàng không Chu Hải. Ảnh: QQnews.

Trung Quốc không quá lo lắng

Các nhà phân tích quân sự Trung Quốc chỉ ra rằng cũng không cần phải quá lo lắng về thông tin truyền thông Ấn Độ tiết lộ rằng "Liên minh Ngũ Nhãn" và các nước như Pháp và Nhật Bản đang “xếp hàng” để nghiên cứu xác tên lửa PL-15E.

Trung Quốc đã có thể xuất khẩu vũ khí tiên tiến nên không lo lắng về rò rỉ công nghệ. Hơn nữa, PL-15E của Pakistan là phiên bản xuất khẩu, khá khác biệt so với phiên bản PL-15 gốc được Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sử dụng, những rủi ro về rò rỉ tương tự cũng đã được xem xét. Do đó, ngay cả khi Ấn Độ có được tên lửa PL-15E nguyên vẹn thì việc nghiên cứu ngược hoặc mô phỏng nó cũng sẽ rất khó khăn.

Hơn nữa, nguyên tắc nghiên cứu và phát triển vũ khí của Trung Quốc là "trang bị một thế hệ, phát triển một thế hệ và nghiên cứu trước cho một thế hệ". Là tên lửa không đối không trong biên chế của PLA, PL-15 không còn là "vũ khí tiên tiến" thực sự nữa. Rõ ràng, tên lửa PL-17 đáng mong đợi hơn, chưa kể đến thế hệ tên lửa không đối không mới đang được nghiên cứu trước.

Ngay cả khi Mỹ, Pháp, Nhật Bản và các nước khác được Ấn Độ cho phép nghiên cứu xác tên lửa PL-15, điều đó cũng sẽ không có tác động đáng kể đến công tác chuẩn bị cho chiến tranh của PLA. Phía Ấn Độ chẳng qua chỉ giữ lại xác PL-15 như một thứ "hàng hiếm" và muốn hưởng lợi từ Mỹ, Pháp, Nhật Bản và các nước khác.