Lên cơn co giật vì uống thuốc diệt chuột bị cấm 20 năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mâu thuẫn với vợ, người đàn ông 34 tuổi đã uống thuốc diệt chuột rồi lên cơn co giật toàn thân, phải nhập viện cấp cứu ngay trong đêm.
Hình ảnh gói thuốc diệt chuột bệnh nhân đã uống (Ảnh - BVCC)
Hình ảnh gói thuốc diệt chuột bệnh nhân đã uống (Ảnh - BVCC)

TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai – cho biết: Trung tâm vừa tiếp nhận 1 bệnh nhân nam 34 tuổi được chuyển đến từ bệnh viện tuyến tỉnh trong tình trạng co giật nặng.

Uống thuốc diệt chuột vì mâu thuẫn với vợ

Trước đó, vào ngày 2/3, bệnh nhân mâu thuẫn với vợ nên đi uống rượu sau đó về phòng. Khoảng 15h cùng ngày, người nhà phát hiện bệnh nhân nôn, lơ mơ, gọi hỏi không biết, phát hiện có vỏ gói thuốc diệt chuột Trung Quốc bên cạnh. Người nhà đưa bệnh nhân vào Bệnh viện đa khoa tỉnh trong trạng thái co giật toàn thân. Bệnh nhân được cấp cứu ban đầu và chuyển tới Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai ngay trong đêm.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc thuốc diệt chuột. Ngay sau đó, bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, thở máy, dùng thuốc an thần, thuốc chống co giật, hồi sức. Sau 1 tuần, bệnh nhân đã đỡ co giật, tỉnh, được rút ống thở nhưng vẫn phải theo dõi và tiếp tục điều trị.

TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh - Minh Thuý)

TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh - Minh Thuý)

Theo BS. Nguyên, chất độc bên trong gói thuốc diệt chuột cạnh bệnh nhân được gia đình thu lại và mang theo đến bệnh viện có chứa chất Tetramine (Tetramethylenedisulfotetramine). Đây chính là hóa chất diệt chuột có nguồn gốc từ Trung Quốc rất phổ biển ở miền Bắc nước ta cách đây 20 năm trước.

Thuốc diệt chuột mà bệnh nhân uống có dạng gói bột trắng. Chất Tetramine trong thuốc diệt chuột tác động lên hệ thần kinh, gây co giật toàn thân nặng nề như trạng thái động kinh. Tình trạng ngộ độc xuất hiện rất nhanh, thường ngay khi ăn hoặc uống phải chất này. Bệnh nhân bị co giật toàn thân và nhanh chóng tử vong do suy hô hấp.

Do tình trạng co giật nặng nề, liên tục nên các bệnh nhân ngộ độc thường phải thở máy, dùng nhiều loại thuốc chống co giật liều cao cùng lúc và thuốc giãn cơ (làm liệt cơ để ngăn co giật). Khi kiểm tra điện não đồ của bệnh nhân, các bác sĩ đều thấy hình ảnh động kinh toàn thể. Do độc tính trên thần kinh kéo dài nên có trường hợp sau vài tuần ổn định bỏ thuốc điều trị đã co giật trở lại và tử vong.

Cảnh giác với thuốc diệt chuột cực độc đang quay trở lại

Tetramine là hóa chất diệt chuột cực độc, đã bị cấm ở các nước, kể cả ở Trung Quốc. Ở Việt Nam, từ năm 2003 trở về trước, Tetramine là nguyên nhân chính gây ngộ độc và tử vong.

Do việc xét nghiệm độc chất trước đây còn khó khăn, nên các vụ ngộ độc ban đầu thường cho là bí hiểm, thậm chí được thêu dệt và mang tính mê tín dị đoan. Người bị ngộ độc thươngd co giật xuất hiện rất nhanh, nặng nề nên tỷ lệ tử vong chiếm khoảng 50%, phần lớn ngay tại gia đình hoặc trên đường tới bệnh viện.

Đáng chú ý, gói hóa chất diệt chuột loại Tetramin trước đây đóng gói to cỡ vài cm, nhưng do độc tính rất cao nên chỉ dính một chút bột vào thức ăn, nước uống đã có thể gây co giật và tử vong. Kích thước của gói hóa chất diệt chuột của bệnh nhân rất lớn (12 X 18cm), có thể gây ngộ độc cho cả 1 xóm.

Thời gian gần đây, Trung tâm Chống độc phát hiện nhiều loại thuốc diệt chuột đã bị cấm cách đây 20 năm xuất hiện trở lại (Ảnh - BVCC)

Thời gian gần đây, Trung tâm Chống độc phát hiện nhiều loại thuốc diệt chuột đã bị cấm cách đây 20 năm xuất hiện trở lại (Ảnh - BVCC)

Mặc dù có độc tính rất cao nhưng hóa chất diệt chuột thường được bày bán và mua rất dễ dàng, Người dân có thể tại các quầy bán hóa chất bảo vệ thực vật, những người bán rong, quầy kinh doanh phân bón, giống cây trồng, kinh doanh thuốc thú y,…

Ngoài ra, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai còn ghi nhận thêm các loại hóa chất diệt chuột Trung Quốc ở dạng ống nước màu hồng, màu nâu, ống nước không màu và hạt gạo hồng, cũng đã bị cấm cách đây hơn 20 năm, vài năm gần đây bắt đầu xuất hiện trở lại. Loại hóa chất này gây rung thất, loạn nhịp tim, viêm cơ tim, suy tim cấp tính, tổn thương não, co giật,…

Từ trường hợp của bệnh nhân trên, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đề nghị các cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm việc nhập lậu và kinh doanh các hóa chất diệt chuột nêu trên. Người dân tuyệt đối không sử dụng các hóa chất này vì bất cứ mục đích gì.