Lập “siêu ủy ban” CMSC là để giám sát nguồn vốn nhà nước tại DN, chứ không phải để can thiệp vào DN

VietTimes -- Phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018 diễn ra vào chiều ngày 1/10, trong đó, các thông tin liên quan tới “Siêu ủy ban” đại diện sở hữu nhà nước tại 19 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), với tên viết tắt là CMSC đã thu hút được nhiều sự quan tâm.
Quang cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018 (Nguồn: VGP)
Quang cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018 (Nguồn: VGP)

Thông tin thêm về cơ quan này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), ông Lê Quang Mạnh cho biết biết mục tiêu của Chính phủ khi thành lập CMSC là nhằm xóa bỏ tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, tách chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Mạnh nhấn mạnh CMSC sẽ đảm nhiệm vai trò giám sát, không phải là sử dụng vốn nhà nước và có sự khác biệt so với một cơ quan hành chính truyền thống.

“Ủy ban quản lý vốn nhà nước sẽ thay mặt Nhà nước thực hiện giám sát nguồn vốn (là tài sản của Nhà nước) tại các doanh nghiệp chứ không phải là người sử dụng nguồn vốn này, can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp” – ông Mạnh chia sẻ thêm.

Đề cập tới chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ ngày 30/9, Thứ trưởng Bộ KHĐT cho biêt CMSC hướng đến trở thành một cơ quan chuyên nghiệp, hiện đại, thực hiện mục tiêu chính là tập trung giám sát. Bên cạnh đó, CMSC còn có khả năng đáp ứng về chuyên môn, đưa các công cụ và khuôn khổ nội dung để thực hiện nhiệm vụ, các hoạt động giám sát được diễn ra thường xuyên và kỹ càng.

Mặt khác, việc thành lập CMSC còn giúp gắn trách nhiệm, hoạt động giải trình với một cá nhân cụ thể thay vì phân tán ra các bộ ngành như hiện nay.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ KHĐT cũng đề cập tới việc khắc phục tình trạng thiếu thông tin về hoạt động của các DNNN và sẽ đưa công nghệ vào công tác báo cáo, nhằm tránh cản trở đến các hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp.

Ngày 30/9/2018, tại buổi lễ ra mắt cơ quan này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết việc thành lập CMSC là "con đường" nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN từ đó cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế. Việt Nam đã có những học tập, rút kinh nghiệm từ các bài học về sự thành công của mô hình Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại Trung Quốc và Singapore ra đời cách đây nhiều năm.

Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng việc chuyển giao các tổng công ty, tập đoàn về CMSC sẽ không làm giảm vai trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành chủ quản như trước đây giảm xuống mà sẽ khiến khối lượng công việc tăng lên. Lãnh đạo các Bộ, ngành sẽ phải tập trung vào những công việc mang tính vĩ mô hơn, liên quan đến bức tranh chung của DNNN như là việc quy hoạch, đổi mới khoa học công nghệ.

Thủ tướng cũng yêu cầu CMSC có sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan trong thực hiện công việc tiếp nhận, quản lý 19 tập đoàn, tổng công ty và có sự báo cáo kịp thời các khó khăn và vướng mắc./.