Năng suất lao động có tăng nhưng vẫn ở mức thấp
Trong bài tham luận tại Kỷ yếu Kinh tế mùa xuân 2015, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho biết, trong thời gian qua, năng suất lao động của Việt Nam liên tục đã tăng, bình quân đạt 3,7%/năm trong giai đoạn 2005 - 2014, góp phần thu hẹp dần khoảng cách so với năng suất lao động của các nước trong khu vực. Tuy nhiên, hiện nay năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 1/18 năng suất lao động của Singapore; bằng 1/6 của Malaysia; bằng 1/3 của Thái Lan và Trung Quốc.
Đưa ra nguyên nhân về việc năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực, ông Lợi cho rằng, do chất lượng nguồn lao động thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý và hiệu quả sử dụng qua đào tạo chưa cao. Cùng với đó, máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu với tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ thấp và trung bình trong toàn ngành chế biến, chế tạo.
“Trình độ tổ chức quản lý, quản trị doanh nghiệp còn yếu, cùng với hiệu quả sử dụng nguồn lực thấp. Ngoài ra, tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam trong các ngành sản xuất và dịch vụ vẫn còn ở mức thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực. Điều này chỉ ra, thị trường lao động Việt nam thiếu ổn định, việc làm chưa đầy đủ và bền vững, với năng suất lao động thấp”, ông Lợi chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương - Viện Khoa học lao động và xã hội cho biết, dựa vào đánh giá của Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng, chất lượng của lực lượng lao động đang là thách thức lớn của Việt Nam.
Lý giải về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ, hiện chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp và có khoảng cách khá lớn so với các nước trong khu vực. Theo đó, chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm (thang điểm 10), xếp thứ 11 trong số 12 nước châu Á tham gia xếp hạng (trong khi Hàn Quốc đạt 6,91 điểm; Ấn Độ đạt 5,76 điểm; Malaysia đạt 5,59 điểm).
PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương cũng cho biết thêm, chỉ số cạnh tranh nguồn nhân lực Việt Nam đạt 3,39/10 điểm, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam xếp thứ 73/133 nước được xếp hạng. Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao.
“Nguồn lao động trẻ và dồi dào đã mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội, nhưng trình độ kỹ năng và chuyên môn thấp của người lao động, lại cản trở Việt Nam nắm bắt những cơ hội về việc tốt. Trầm trọng hơn là sự chênh lệch giữa kỹ năng của hệ thống giáo dục, đào tạo trang bị cho người lao động và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp”, PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương dẫn chứng.
Cần nâng cao chất lượng lao động
Hiện nay, năng suất lao động đang được xem là một vấn đề khá “nóng” tại Việt Nam. Mặc dù, cơ hội việc làm xuất hiện ở nhiều ngành, nhưng sự thiếu vắng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật là một thách thức. Vì vậy, nhiều công ty có xu hướng tìm kiếm lao động Việt nam từ nước ngoài trở về.
Để giải quyết vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về lao động - việc làm. Bên cạnh đó, thúc đẩy việc chuyển dịch lao động khu vực phi chính thức vào khu vực chính thức, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển việc làm bền vững. Đặc biệt, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, với mục tiêu đến năm 2020 nước ta “cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Một vấn đề nữa cũng được ông Bùi Sỹ Lợi đưa ra, nâng cao năng suất, hiệu quả công việc và cải thiện điều kiện làm việc của khu vực kinh tế phi chính thức, bên cạnh những hình thức khuyến khích chuyển đổi từ việc làm phi chính thức sang chính thức. Tập trung vào việc chính thức hoá các hộ kinh doanh nhỏ, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ đa dạng để cải thiện điều kiện làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức.
“Cần phải đánh giá chính xác về chất lượng việc làm, trên cơ sở đưa ra những chỉ tiêu cụ thể phù hợp với từng đối tượng trong các khu vực kinh tế. Bên cạnh đó, cần phải thực hiện việc cải tiến các dữ liệu, số liệu thống kê bao phủ các nhóm đối tượng, các chỉ tiêu và có tính thống nhất qua các năm”, ông Lợi đưa r giải pháp.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương cũng cho biết, dự kiến, nhu cầu lao động tiếp tục tăng mạnh trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo sản xuất phân phối điện, khí đốt; thông tin và truyền thông; hoạt động y tế và trợ giúp xã hội; lao động trong ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tiếp tục giảm. Tuy nhiên, chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu tái cấu trúc nền kinh tế vẫn là thách thức.
“Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động là một thách thức, việc giảm tỷ lệ các chủ doanh nghiệp, tăng tỷ lệ lao động trong hộ gia đình sẽ có nguy cơ tăng việc làm dễ bị tổng thương. Do vậy cần tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khủng hoảng để tiếp tục tạo việc làm”, PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương nói.
Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương, việc tập trung vào nâng cao chuyên môn kỹ thuật của nguồn nhân lực và lực lượng lao động là rất cần thiết. Cần phải có những chính sách khuyến khích học sinh học nghề, tập trung tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, đổi mới đào tạo để có những kỹ năng mới, tiêu chuẩn mới.
Theo: VnMedia