Lãnh tụ Stalin đã làm tất cả những gì có thể để xây dựng Israel

VietTimes – Lực lượng đặc nhiệm của Israel được xây dựng từ con số không. Người đặt nền móng cho lực lượng này là đội ngũ sĩ quan an ninh của Liên Xô.
Lễ thượng cờ Đại sứ quán Israel tại Moscow 23/10/1991 (Ảnh: AiF)

Cách đây 30 năm (tháng 10/1991) Liên Xô đã nối lại quan hệ ngoại giao với Israel. Trước đó, họ đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel từ năm 1967. Quan hệ giữa Liên Xô và nhà nước Do Thái trở nên phức tạp trong thời gian dài, tuy rằng nhà nước Xô Viết đã làm hết sức để tạo dựng Israel vào năm 1947 và giúp đỡ quốc gia này đứng vững trong vòng vây của kẻ thù.

Moscow đã hỗ trợ gì cho Israel?

Theo tiến sĩ sử học thuộc Viện lịch sử quân sự, Bộ quốc phòng Nga Valery Yaremenko: “Chính phủ của nhà nước Do thái – Palestine được hình thành ở Liên Xô. Thủ tướng của Israel mới được thành lập là ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Liên Xô, nguyên thứ trưởng bộ ngoại giao Solomon Lozovsky, bộ trưởng quốc phòng là sĩ quan xe tăng, hai lần anh hùng Liên Xô David Dragunsky, bộ trưởng hải quân là cựu sĩ quan tình báo Hải quân Liên Xô Grigory Gilman. Thế nhưng, về sau chính phủ Israel được ủy ban người Do Thái quốc tế thành lập, và thủ tướng là người đứng đầu cơ quan này Ben- Gurion đảm nhiệm, Ben-Gurion là người gốc Nga”. Chính phủ do Stalin tạo dựng để đưa sang Israel được giải tán ngay sau đó.

Nghị quyết chia tách nhà nước Palestine được thông qua, đây là tín hiệu đầu tiên của cuộc xung đột vũ trang của người Palestine và người Do Thái. Mỹ áp đặt lệnh cấm vận cung cấp vũ khí vào khu vực này. Người Anh bắt đầu cung cấp vũ khí cho các nước Arab. Người Israel trở thành trắng tay, các đội du kích Do Thái được trang bị vũ khí tự chế và những khẩu súng trường cướp được của quân đội Anh. Cuối năm 1947, Stalin chỉ thị cung cấp súng trường cho họ thông qua Tiệp Khắc mà không đưa trực tiếp từ Liên Xô, nguyên nhân cũng là do vào thời điểm đó nhà nước Xô Viết chưa sở hữu vũ khí hạt nhân, và Stalin không muốn gây hiềm khích với phương Tây, tránh tạo ra những lý do để Mỹ-Anh tiến hành chiến tranh thế giới thứ 3. Thời gian đầu, vũ khí cung cấp cho Israel chủ yếu là chiến lợi phẩm thu được từ Italy và Đức, về sau là các loại vũ khí do Tiệp Khắc sản xuất. Đội ngũ sĩ quan quân đội Liên Xô cũng được bí mật gửi sang Israel.

Một vị tướng an ninh của Liên Xô, Pavel Sudoplatov, cho biết: “Ngay từ năm 1946, nhiều sĩ quan tình báo của Liên Xô đã tham gia tác chiến và những hoạt động phá hoại chống phá quân đội Anh”. Lực lượng đặc nhiệm của Israel do các sĩ quan của Bộ dân ủy nội vụ và Bộ an ninh Liên Xô thành lập, huấn luyện và đào tạo.

Ngày 18/5/1948, Liên Xô công nhận nhà nước Israel. Trong ngày lễ quốc khánh, trên bàn của Đoàn chủ tịch đặt chân dung Stalin với dòng chữ “Tình hữu nghị giữa Liên Xô và Israel muôn năm!". Trong quân đội Israel, ngôn ngữ giao tiếp chủ yếu vẫn là tiếng nga.

Ai là “Cha đỡ đầu” của Israel

Theo chính trị gia, nhà hoạt động xã hội người Nga Nikolai Starikov : "Nhà nước Israel là dự án của Liên Xô, Stalin chính là Cha đỡ đầu của dự án này. Stalin thấu hiểu ước mơ ngàn đời về một nhà nước của riêng mình của dân tộc Do Thái, và cũng chính Stalin cũng đang tìm kiếm một đồng minh trung thành với Liên Xô ở Trung Đông – vị trí có tầm quan trọng chiến lược trên thế giới. Không những vậy, chính Liên Xô là nước đã cứu người Do Thái thoát khỏi thảm họa diệt chủng của Đức quốc xã".

Do bị chiếm đóng lãnh thổ suốt nhiều thập kỷ, người Do Thái đã tiến hành chiến tranh du kích chống lại quân đội Anh, điển hình là vụ đánh bom khách sạn ở Jerusalem – nơi đặt Tổng hành dinh của quân đội Anh làm 28 quân nhân Anh thiệt mạng. Như vậy người Anh đã làm mọi cách để ngăn cản việc thành lập nhà nước Do Thái. Stalin muốn thoát khỏi sức ép từ nhiều phía của phương Tây, muốn bảo vệ chủ quyền của nhà nước Xô Viết nên đã ủng hộ người Do Thái đang tiến hành chiến tranh chống lại các nước phương Tây.

Sẽ không ngoa khi nói rằng : rất nhiều truyền thống trong quân đội Israel là do các sĩ quan Xô Viết tạo nên. Stalin đã không thành công khi muốn biến Israel thành vị trí tiền tiêu của mình ở Trung Đông. Không lâu sau đó, lãnh đạo nhà nước Do Thái trong chính sách đối ngoại của mình đã hướng theo phương Tây, theo Washinton và London. Khi biết được việc này, quan điểm của nhà nước Xô Viết cũng lập tức thay đổi đối với Israel, chuyển hướng sang các nước Arab. Tổng thể các mối quan hệ giống như Liên Xô thay đổi cho vị trí của Mỹ và Anh. Và tháng 2/1953, lần đầu tiên lãnh tụ Stalin đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel.