Lần đầu tiên, ký kết hợp tác nghiên cứu về dự đoán nguy cơ gây bệnh dựa trên hệ gen người Việt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Sáng nay, 2/10, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết vừa ký kết hợp tác dự án “Phát triển chip sàng lọc và mô hình dự đoán nguy cơ gây bệnh dựa trên hệ gen người Việt” với Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn -VinBigdata. Đây là dự án được coi là quan trọng nhất, nhằm đưa y học chính xác tiến gần hơn tới thực tiễn.
Trường Đại học Y Hà Nội đã ký kết hợp tác dự án “Phát triển chip sàng lọc và mô hình dự đoán nguy cơ gây bệnh dựa trên hệ gen người Việt” với Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn, VinBigdata.
Trường Đại học Y Hà Nội đã ký kết hợp tác dự án “Phát triển chip sàng lọc và mô hình dự đoán nguy cơ gây bệnh dựa trên hệ gen người Việt” với Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn, VinBigdata.

Trong bài trình bày “Y học chính xác và những dự án hợp tác của VinBigdata với các đối tác trong nước và quốc tế” tại buổi lễ, TS. Võ Sỹ Nam – chuyên gia của Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn – cho biết: Với y học truyền thống, các bệnh nhân được chẩn đoán cùng mắc một loại bệnh, có biểu hiện bệnh như nhau, sẽ được sử dụng cùng một phác đồ điều trị giống nhau. Tuy nhiên, hiệu quả với điều trị bệnh lại khác nhau giữa các bệnh nhân. Điều này được giải thích là do sự khác biệt về đặc điểm gen, thói quen, môi trường và lối sống.

Lễ ký kết hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Trường Đại học Y Hà Nội với Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn, VinBigdata
Lễ ký kết hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Trường Đại học Y Hà Nội với Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn -VinBigdata

Vì thế, y học chính xác là "một phương pháp tiếp cận mới để điều trị và phòng ngừa bệnh tật, có tính đến các thành tố đặc thù của cá thể như gen, môi trường và lối sống của mỗi người”. Cách tiếp cận này cho phép các bác sĩ và các nhà nghiên cứu khoa học dự đoán chính xác hơn, đâu là phác đồ điều trị và phòng ngừa bệnh có tác dụng nhất đối với từng nhóm đối tượng cụ thể.

Dự lễ ký kết, có lãnh đạo các trường đại học: GS.TS Tạ Thành Văn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội; GS.TS Nguyễn Thanh Bình – Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội; PGS.TS Lê Văn Cảnh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM; Thiếu tướng, GS.TS Hoàng Văn Lương – Phó Giám đốc Học viên Quân y; PGS.TS Chu Kỳ Sơn – Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Đại diện của Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn là GS Vũ Hà Văn – Giám đốc Khoa học của Viện. 

Bốn tiêu chí để quyết định giải mã gen người Việt bao gồm: Tận dụng được những đột phá của công nghệ thế giới trong thời gian gần đây; tận dụng cơ sở dữ liệu của người Việt; giải quyết những bài toán của người Việt bởi chính những người Việt và mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Với dữ liệu giải trình tự gen cùng với các kỹ thuật di truyền hiện đại, các bác sĩ hoàn toàn có thể sàng lọc được những nguy cơ gây bệnh ngay từ giai đoạn sớm, trước khi bệnh khởi phát, đồng thời đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất dựa trên đặc điểm gen của từng bệnh nhân để tối ưu kết quả điều trị bệnh, và làm giảm các tác dụng phụ của thuốc trong quá trình điều trị.

Dựa vào các đặc tính có thể nghiên cứu đối sánh trên các bệnh khác nhau, VinBigdata đang thực hiện các nghiên cứu thu thập gen của người bệnh để so sánh với cơ sở dữ liệu gen của người khỏe, từ đó tìm thông tin để đưa ra cảnh báo đối với những người có nguy cơ mắc bệnh cao. Khi đã có đủ dữ liệu hệ gen, mỗi bệnh cố định có thể mất 6 tháng đến 1 năm để tìm được thông tin giá trị, đưa ra các cảnh báo thuốc đặc trị cho người Việt.

Tọa đàm “Dữ liệu lớn trong y học chính xác”
Tọa đàm “Dữ liệu lớn trong y học chính xác”

Cùng ký kết hợp tác với Trường Đại học Y Hà Nội về dự án “Phát triển chip sàng lọc và mô hình dự đoán nguy cơ gây bệnh dựa trên hệ gen người Việt”, Viện nghiên cứu Dữ liệu lớn cũng ký hợp tác về dự án “Nghiên cứu hệ gen dược học trên quần thể người Việt” với Trường Đại học Dược Hà Nội; hợp tác dự án “Phát triển hệ thống dự đoán vi khuẩn kháng thuốc dựa trên dữ liệu lớn” với Học viên Quân y và dự án “Phát triển kit xét nghiệm và mô hình dự đoán đáp ứng thuốc dựa trên hệ gen người Việt” với Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP HCM.

Việc ký kết hợp tác phát triển KH&CN giữa các đơn vị có nền tảng KH&CN này hy vọng sẽ gặt hái được những thành công đáng kể, để từng bước ứng dụng vào thực tế y khoa tại Việt Nam.

GS.TS. Tạ Thành Văn (người cầm mic): “Y học chính xác, y học cá thể là xu hướng phát triển tất yếu của thế kỷ XXI
GS.TS. Tạ Thành Văn (người cầm mic): “Y học chính xác, y học cá thể là xu hướng phát triển tất yếu của thế kỷ XXI"

Tại buổi tọa đàm “Dữ liệu lớn trong y học chính xác” diễn ra ngay sau lễ ký kết, GS.TS. Tạ Thành Văn - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội - nhấn mạnh: “Y học chính xác, y học cá thể là xu hướng phát triển tất yếu của thế kỷ XXI. Y học cá thể ở đâu đó đã khởi đầu từ nhiều năm trước, tuy nhiên việc định hình và phát triển chỉ 10 năm trở lại đây. Trường Đại học Y Hà Nội khởi đầu và đánh giá, thiết lập một số bệnh lý di truyền, đây là sự khởi đầu quan trọng... Bệnh lý di truyền trong một loại hình cụ thể chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ 5%, còn lại 95% kiểu gen nguy cơ kết hợp với yếu tố môi trường, chế độ ăn, sinh hoạt gây ra (ung thư đại tràng…). Chúng ta cần xác định đột biến gen gây ra bệnh lý di truyền, và xác định kiểu gen gây ra nguy cơ liên quan đến bệnh lý. Trong 10 năm, Trường Đại học Y Hà Nội đã thu thập được cơ sở dữ liệu tương đối và triển khai trực tiếp phục vụ bệnh nhân trong nước…”.

PGS.TS. Trần Huy Thịnh - Trưởng nhóm nghiên cứu của Dự án “Phát triển Chip sàng lọc và mô hình dự báo nguy cơ gây bệnh dựa trên hệ gen người Việt” phát biểu tại buổi tọa đàm
PGS.TS. Trần Huy Thịnh - Trưởng nhóm nghiên cứu dự án “Phát triển chip sàng lọc và mô hình dự báo nguy cơ gây bệnh dựa trên hệ gen người Việt”  - phát biểu tại buổi tọa đàm

PGS.TS. Trần Huy Thịnh - Trưởng nhóm nghiên cứu của dự án “Phát triển chip sàng lọc và mô hình dự báo nguy cơ gây bệnh dựa trên hệ gen người Việt” - cũng chia sẻ: Trong y học, dữ liệu lớn rất quan trọng vì nó phát triển nghiên ứng dụng y học chính xác và y học cá thể. Ý tưởng chúng tôi dựa trên bộ gen của 1.000 người Việt, là người trưởng thành và khỏe mạnh, bình thường để tạo ra bộ gen tham chiếu, đặc trưng của người Việt; sau đó tạo ra các dữ liệu về gen của bệnh nhân tập trung vào các bệnh lý phổ biến và so sánh với gen người bình thường để tìm ra sự khác biệt.

"Sự khác biệt đó chúng tôi sẽ tạo ra các bộ công cụ chuẩn đoán có thể là các chip chuẩn đoán, để xác định xem với đặc điểm gen của người bất kỳ, có nguy cơ mắc cụ thể nào đó không như: ung thư, tim mạch, đái tháo đường.., hay ở mức độ cao hơn là có thể chuẩn đoán chính xác bệnh. Hy vọng trên cơ sở đó với bộ gen tham chiếu, bộ chip sàng lọc và chẩn đoán đã có đưa các dữ liệu về gen có thế ứng dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh...” - PGS.TS. Trần Huy Thịnh thông tin.