|
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Đây tiếp tục là một vụ việc điển hình, có những điểm tương đồng về rủi ro trong hoạt động ngân hàng nổi lên trong những năm gần đây.
“Cái chết bất ngờ”
Sự việc cụ thể, năm 2007, tại chi nhánh trên, Công ty TNHH Gia Bảo được cấp hạn mức tín dụng 120 tỷ đồng. Công ty này thế chấp bất động sản và hàng hóa trong kho.
Tuy nhiên, đến thời điểm phát sinh nợ quá hạn hơn 100 tỷ đồng, ngân hàng mới phát hiện công ty Gia Bảo đã bán hàng hóa thế chấp trong kho, tài sản thế chấp chỉ trị giá 14,5 tỷ đồng nhưng khách hàng khai khống đến 184 tỷ đồng.
Ngân hàng đã xử lý tài sản đảm bảo là bất động sản, thu hồi được 45 tỷ đồng, còn hơn 55 tỷ không thu hồi được. Và ba cán bộ nói trên bị bắt, do trước đó đã không ký hợp đồng chỉ định thủ kho bảo vệ kho hàng để quản lý số hàng trên theo quy định, dẫn đến không quản lý được kho hàng, không kiểm tra định kỳ hàng trong kho, để rồi thất thoát tài sản…
Trong hoạt động ngân hàng, tình huống trên vẫn thường được gọi là “cái chết bất ngờ”. Giám đốc chi nhánh và chuyên viên tín dụng vừa làm vừa “run”, khi khách hàng có tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển, rủi ro khó lường khi khách vay có động cơ lừa đảo, rút ruột và tài sản bất ngờ biến mất.
Đã có nhiều trường hợp cán bộ ngân hàng dựng lều, mắc võng canh kho hàng của doanh nghiệp; có nhiều trường hợp khi mở kho, thay vì cà phê, gạo… thế chấp, thì ngân hàng chỉ nhận được đất, cát, tro trấu thế thân. Hàng chục cán bộ ngân hàng liên quan đã bị bắt những năm gần đây.
Dù có những nguyên do chủ quan từ phía ngân hàng, nhưng rủi ro xuất phát từ tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển vẫn phát sinh trên thực tế, bởi những đặc điểm và khoảng trống pháp lý của loại hình này.
Theo lý giải từ các ngân hàng thương mại, lượng lớn khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay có hạn chế khi vay vốn. Họ không có nhiều tài sản đảm bảo là bất động sản, nên thế chấp bằng hàng hóa là một giải pháp.
Nhưng, thế chấp bằng hàng hóa, không phải ngân hàng nào cũng chủ động được kho bãi; điều kiện nhân lực và kỹ thuật cũng hạn chế để trực tiếp quản lý, bảo quản, canh trực 24/24 giờ và kiểm đếm thường xuyên, nhất là với lượng hàng lớn và những món hàng chi tiết. Theo đó, trong trường hợp bên vay có động cơ lừa đảo, rút ruột, “cái chết bất ngờ” có thể xẩy ra như những trường hợp nói trên.
Vừa làm vừa lo
Theo phân tích của ông Ngô Minh Sang, chuyên viên pháp lý và cũng là người nhiều năm làm giám đốc chi nhánh ngân hàng thương mại, thế chấp hàng hóa luân chuyển cũng mang đầy đủ đặc điểm của thế chấp như không phải chuyển giao tài sản cho bên nhận thế chấp; bên thế chấp vẫn có quyền sở hữu đối với tài sản bao gồm quyền mua bán, trao đổi, chuyển nhượng, cho thuê mà không cần sự đồng ý của bên nhận thế chấp.
Với loại thế chấp này, ông Sang cho rằng các ngân hàng vẫn đang phải vừa làm vừa lo bởi nhiều lý do.
Thứ nhất, như trên, nhiều doanh nghiệp cần vốn nhưng không có nhiều tài sản là bất động sản, phải thế chấp bằng hàng hóa luân chuyển. Ngân hàng không cho vay thì không đạt chỉ tiêu, quy mô, lợi nhuận mong muốn.
Thứ hai, nếu nhận thế chấp hàng hóa luân chuyển thì phải canh giữ kho, mặc dù pháp luật cho phép bên thế chấp được quyền bán, trao đồi, thay thế.
Thứ ba, điều kiện kỹ thuật, kho bãi và nhân lực của ngân hàng giới hạn, trước yêu cầu canh giữ, quản lý, kiểm đếm về chất lượng, số lượng hàng hóa thế chấp trong suốt quá trình thế chấp.
Thứ tư, cán bộ ngân hàng đối diện với rủi ro hình sự hóa khi cho vay và quản lý nhóm khách hàng này, nhất là với những khách hàng có động cơ lừa đảo.
Thứ năm, cơ chế giao dịch và thanh toán không dùng tiền mặt mặc dù được Nhà nước chủ trương nhưng chưa thực sự quyết liệt, ngân hàng khó quản lý dòng tiền thu nợ khi đến hạn.
Thứ sáu, cơ chế xử lý tài sản thế chấp còn nhiêu khê, các quyền truy đòi tài sản thế chấp và ưu tiên thanh toán chưa hiệu quả mặc dù đã được Bộ luật dân sự thừa nhận.
Trước những thực tế này, ông Ngô Minh Sang cho rằng, cần xem xét lại cả quan điểm và các quy định pháp lý để hạn chế rủi ro liên quan, làm sao tạo điều kiện tốt hơn cho cả doanh nghiệp vay vốn lẫn ngân hàng cho vay.
“Thuộc tính và giá trị của hàng hóa thông qua đặc điểm trao đổi trên thị trường. Chủ sở hữu không mong muốn giữ lại nó khi thế chấp. Trong khi đó, hoạt động cho vay hiện vẫn chỉ quan tâm đến bản thể vật lý của kho hàng. Còn trên thế giới họ quan tâm giá trị kinh tế của lô hàng mang lại chứ không phải là bản thể vật lý của nó. Dù doanh nghiệp có bán cho ai, ngân hàng chỉ cần quản lý dòng tiền để kiểm soát rủi ro”, ông Sang đặt vấn đề.
Thế nhưng, thực tế ở Việt Nam hiện nay, mặc dù có các quy định pháp lý, nhưng vẫn chưa thực sự quyết liệt trong thực hiện cơ chế không dùng tiền mặt, để gián tiếp hỗ trợ các ngân hàng quản lý dòng tiền khách hàng vay vốn.
Thứ nữa, cơ chế đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển vẫn chủ yếu theo tự giác, tự nguyện, nên độ lỏng trong quản lý giao dịch càng lớn.
Về cơ chế pháp lý, ông Sang cho rằng các ngân hàng vẫn chưa được đảm bảo quyền truy đòi, quyền phản vệ khi nhận thấy rủi ro. Họ không được kê biên, tịch thu tài sản là hàng hóa thế chấp khi phát hiện rủi ro hoặc khi doanh nghiệp phát sinh nợ quá hạn, mà phải ra tòa, phải khiếu kiện…
“Quá trình khiếu kiện, truy đòi tài sản thế chấp là hàng hóa mất rất nhiều thời gian, trong khi nhiều loại hàng hóa có yêu cầu luân chuyển nhanh, không đợi được cả quá trình này. Hàng còn mới, nhưng qua quá trình thụ động này, giá trị có thể giảm và thất thoát. Ví như chiếc iPhone 6 qua một năm giá trị đã khác khi iPhone 7 ra đời”, chuyên viên pháp lý ngân hàng trên nêu thực tế.
Theo đó, để giảm thiểu rủi ro, ông Sang cho rằng vẫn phải đặt vấn đề xem xét giá trị hàng hóa khi thế chấp hơn là bản thể vật lý phải canh giữ của nó. Người làm tín dụng không thể canh gác kho 24/24 giờ, mà thay vào đó là tăng cường cơ chế giao dịch không dùng tiền mặt, quản lý dòng tiền trong giao dịch của doanh nghiệp. Khi vay vốn và thế chấp loại này, cả doanh nghiệp và ngân hàng cùng phối hợp chặt chẽ trong đăng ký giao dịch đảm bảo.
Về khía cạnh pháp lý, ngân hàng cần được bảo vệ ở quyền truy đòi, quyền tự bảo vệ tài sản khi có phát sinh rủi ro. Và việc có hạn chế hình sự hóa trong loại rủi ro này hay không cũng là một khía cạnh cần xem xét.
Theo VnEconomy