|
Trong bài viết trước, một số chuyên gia trong ngành cho rằng Việt Nam chưa xác định được những mục tiêu thật cụ thể cho ngành công nghiệp bán dẫn. Chẳng hạn như trong 10 năm tới xây dựng một nhà máy sản xuất chip với công nghệ dưới 10nm, thiết kế được những mẫu chip phức tạp, hoặc được nước ngoài chuyển giao công nghệ lõi...
Những hoạt động của bộ, ngành cũng như lãnh đạo các doanh nghiệp gần đây cho thấy Việt Nam đang hướng đến mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được 50.000 kỹ sư bán dẫn. Tuy nhiên chưa rõ 50.000 kỹ sư này sẽ tham gia vào khâu nào trong lĩnh vực bán dẫn: thiết kế, sản xuất hay đóng gói?
Nền công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam có từ năm 1979 với sự tồn tại của nhà máy Z181 chuyên sản xuất linh kiện bán dẫn xuất khẩu sang các nước Đông Âu, nhưng đến nay Việt Nam vẫn chỉ ở giai đoạn "học việc" so với thế giới.
Theo ông Nguyễn Thái Hà, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển Khoa học và Công nghệ (CENSTED) thuộc Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, nếu đã xác định công nghiệp bán dẫn là một mũi nhọn đưa đất nước đi lên trong tương lai, rất cần có một "tổng công trình sư" - cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm ban hành và thực thi các chiến lược về bán dẫn, giống như Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số là đơn vị đầu mối cho các hoạt động về chuyển đổi số của các bộ, ngành, tỉnh thành.
“Để phát triển được ngành công nghiệp bán dẫn, với mục tiêu lớn hơn là trở thành một cứ điểm bán dẫn toàn cầu, Việt Nam phải chọn lựa được một hướng đi hợp lý”, ông Nguyễn Thái Hà chia sẻ với VietTimes.
Đồng tình với nhận định này, GS.TS Nguyễn Ái Việt, nguyên Giám đốc Trung tâm CNTT, Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ điều quan trọng nhất là Việt Nam có một cơ quan chuyên trách để vạch ra đường hướng cũng như điều phối việc phát triển công nghiệp bán dẫn ở các địa phương trên cả nước trong dài hạn. Cơ quan này sẽ quyết định Việt Nam tham gia vào công đoạn nào, phát triển nguồn nhân lực như thế nào để đáp ứng công đoạn đó, tránh tình trạng đầu tư dàn trải không có lợi cho sự phát triển chung của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam.
Hiện nay, việc chế tạo chip thường được phân chia làm 3 công đoạn: thiết kế, sản xuất và kiểm thử/đóng gói. Trong đó, thiết kế và sản xuất chip là hai công đoạn quan trọng nhất, đem lại doanh thu lớn hơn nhiều so với kiểm thử/đóng gói.
Theo ước tính của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn, thiết kế chiếm tới 53% giá trị một con chip; sản xuất chiếm 24% và đóng gói chỉ chiếm 6% giá trị sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Thanh Yên, Tổng giám đốc công ty CoAsia Semi Vietnam, chi phí đầu tư xây dựng một nhà máy sản xuất chip rất tốn kém, khoảng 15- 20 tỉ USD. Khi các nhà sản xuất chip cố gắng tăng số lượng transistor trên một đế bán dẫn, thì chi phí cho máy móc sẽ càng đắt đỏ hơn.
Chính vì vậy mà hiện nay chỉ có 3 quốc gia đầu tư vào nhà máy sản xuất chip là Mỹ (với các công ty như Intel, Texas Instruments, Micron Technology, Applied Materials…), Đài Loan (TSMC) và Hàn Quốc (Samsung). Các quốc gia còn lại chỉ tập trung vào thiết kế và đóng gói chip.
Theo các chuyên gia trong ngành, khi thành lập tổ chức đóng vai trò "tổng công trình sư", Thủ tướng nên giữ vai trò lãnh đạo, điều hành tổ chức đó để có thể đưa ra những quyết sách nhanh chóng và cụ thể, thu hút được các công ty "cá mập" đầu tư và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.
Chuyên gia Nguyễn Thái Hà đã dẫn chứng cách lựa chọn khôn ngoan của Đài Loan để giờ đây hòn đảo này trở thành một "cứ điểm" quan trọng của ngành sản xuất chip bán dẫn toàn cầu.
Theo ông Hà, vào thập kỷ 70 của thế kỷ trước, ngành bán dẫn thế giới đi theo xu hướng các công ty tự làm 100%. Điển hình là Intel và Texas Instruments khi các công ty này tự thiết kế, tự sản xuất và đóng gói chip. Với sự dẫn đầu thị trường về mặt công nghệ của mình, Intel gần như độc quyền trong phân khúc chip hiệu năng cao.
Thời điểm đó, Mỹ lôi kéo Trung Quốc để cô lập Liên Xô dẫn đến việc Đài Loan đứng trước nguy cơ bị bao vây về chính trị. Chính quyền Đài Loan lúc đó quyết định đầu tư lớn vào công ty Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC) và chọn cách đi ngược lại với Intel - xây dựng nhà máy sản xuất chip để gia công thuê cho các hãng. Điều này đồng nghĩa với thị trường bán dẫn từ những năm 80 phân hóa thành 2 phân khúc riêng biệt: thiết kế và sản xuất.
Với sự ra đời của TSMC, các kỹ sư có thể thiết kế chip cho khách hàng và thuê TSMC sản xuất chip. Điều này giúp giảm chi phí tạo ra một con chip, và các công ty có thể thiết kế những loại chip riêng biệt cho các thị trường ngách.
Các công ty nổi lên trong thời gian sau đó như NVIDIA đã hoàn toàn tập trung vào khâu thiết kế và giao toàn bộ phần sản xuất cho TSMC. Đây là một bước tiến đầy sáng tạo và mang tính lịch sử của công ty Đài Loan.
Đến thập niên 2010, trong khi Intel phải tự làm mọi thứ, thì TSMC đã dần vượt qua Intel với sự hỗ trợ từ các đối tác quan trọng, đặc biệt là công ty ASML (Hà Lan). Cuối cùng, ngày nay Intel đã phải từ bỏ triết lý tự làm 100% của mình mà đã thuê TSMC sản xuất dòng chip 3nm.
Theo ông Nguyễn Thái Hà, trong tương lai gần Việt Nam không nên đi theo con đường sản xuất chip vì chi phí xây dựng nhà máy rất đắt đỏ, với hàm lượng công nghệ, tri thức cực kỳ cao cùng rất nhiều điều khoản công nghệ đi kèm, chưa kể nếu có một sai sót nhỏ trong sản xuất, thì một mẻ hàng triệu chip có thể phải vứt đi, cái giá phải trả sẽ rất đắt.
Việt Nam có thể tham gia hai công đoạn còn lại là thiết kế chip và đóng gói chip, Thực tế, Việt Nam đã tham gia vào khâu thiết kế và kiểm thử/đóng gói, tuy nhiên đa phần đều thực hiện qua các công ty nước ngoài đã thiết lập nhà máy tại Việt Nam như Intel, On Semiconductor, Hana Micron… Chỉ có 2 công ty Việt Nam đã thâm nhập vào khâu thiết kế chip, nhưng đều là những mẫu chip nguồn đơn giản (FPT Semiconductor) hoặc chip 5G phức tạp hơn một chút (Viettel High Tech).
Chia sẻ với VietTimes, ông Lê Hải Anh, Giám đốc công ty Dolphin Technology, nhấn mạnh rằng khâu đóng gói chip có thể là một lựa chọn phù hợp. Công nghệ đóng gói chip mới nhất mà thế giới bắt đầu sử dụng là “chồng tầng” mà nếu kỹ sư Việt Nam áp dụng được trong các công ty bán dẫn nội địa thì sẽ đem lại doanh thu rất lớn.
Tham gia xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển Công nghiệp bán dẫn theo chỉ đạo của Chính phủ, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT (Bộ TT&TT) cho rằng Việt Nam nên đi theo hướng làm chip chuyên biệt thay vì chạy đua theo những dòng chip cao cấp, tiên tiến nhất của thế giới.
“Khi định luật Moore tới hạn (số bóng bán dẫn trong một con chip sẽ tăng gấp đôi sau 2 năm - PV), thị trường sẽ cần đến những dòng chip chuyên biệt cho từng ứng dụng. Trong bối cảnh bùng nổ IoT, nhu cầu về chip chuyên biệt phục vụ IoT sẽ ngày càng lớn lớn. Đây là con đường để Việt Nam có thể đi trong sản xuất chip”, ông Nguyễn Thiện Nghĩa nhận định.
Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Thái Hà nói rằng khi thế giới không còn cần những công nghệ sản xuất chip cũ, Việt Nam có thể nhập khẩu dây chuyền công nghệ và xây dựng nhà máy để sản xuất các dòng chip cấp thấp phục vụ cho các thiết bị cơ bản vốn không yêu cầu hiệu năng cao như thiết bị y tế, điện tử gia dụng, giao thông, quan trắc môi trường… Sau thời gian dài làm quen và nắm bắt công nghệ, Việt Nam mới nên nghĩ tới việc sản xuất các con chip tiên tiến hơn.
Còn TS Nguyễn Việt Cường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tích hợp thông minh, cho rằng Việt Nam nên tận dụng lợi thế có nguồn đất hiếm đứng thứ hai thế giới. Chúng ta có thể đàm phán, thỏa thuận với các đối tác có nhu cầu sử dụng nguồn nguyên liệu này với điều khoản như phải đặt nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam. Đây là cơ hội để Việt Nam tiếp nhận chuyển giao công nghệ.
Trả lời câu hỏi của VietTimes về khả năng Việt Nam trở thành cứ điểm quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn thế giới, ông Đỗ Cao Bảo, thành viên đồng sáng lập FPT, nói: "Nếu Hoa Kỳ và các cường quốc chip trên thế giới có chiến lược chuyển sản xuất chip sang Việt Nam thì tôi tin rằng trong 10 năm tới, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một quốc gia mạnh trong lĩnh vực chip bán dẫn, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực thiết kế, thử nghiệm và sản xuất chip. Khó nhất là thị trường, là bán hàng, còn những khâu còn lại Việt Nam sẽ làm được, tất nhiên cần sự chuyển giao công nghệ và vốn đầu tư cho sản xuất".
Đưa ra khuyến cáo, ông Nguyễn Thanh Yên, Giám đốc công ty CoAsia Semi Vietnam, quản trị diễn đàn Cộng đồng vi mạch Việt Nam, cho rằng chính phủ nên tập trung vào 2 nhóm chính sách: khuyến khích doanh nghiệp bán dẫn trong nước và khuyến khích phát triển nguồn nhân lực để sau 5-10 năm tới có lượng nhân lực chất lượng cao đủ lớn, ví dụ 10.000 đến 20.000 kỹ sư.
Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân để thu hút kỹ sư, chuyên gia vi mạch Việt kiều trở về làm việc tại Việt Nam. Giữ, duy trì được đông đảo đội ngũ kỹ sư có kinh nghiệm ở Việt Nam sẽ là chìa khóa then chốt để phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn trong thời gian tới.
Ưu đãi từ các chính sách thuế và hạ tầng; đơn giản hóa việc xuất nhập khẩu các thiết bị, linh kiện điện tử, máy tính, máy chủ cũng cần được quan tâm. Theo ông Yên, thay vì trực tiếp đầu tư nhà máy sản xuất chip, Việt Nam tranh thủ nắm bắt cơ hội, phát huy ngoại giao nhà nước, đàm phán liên doanh với các tập đoàn đa quốc gia thiết lập nhà máy ở Việt Nam với lộ trình chuyển giao công nghệ rõ ràng.
"Như vậy, Việt Nam có thể chuẩn bị nguồn nhân lực phù hợp, từng bước nâng cao năng lực sản xuất chip, biến nước ta trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng linh kiện chip toàn cầu trong 10 năm tới", ông Nguyễn Thanh Yên nói.