|
Lãi vay mua nhà quay đầu tăng trở lại
Ngân hàng Techcombank vừa thông báo về việc tăng lãi suất thả nổi mua nhà. Theo đó, lãi suất vay sẽ tăng thêm 0.5% so với thời điểm đầu năm 2024. Anh Đức Hùng (ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết khi vay mua nhà vào cuối năm 2021, anh được ưu đãi 2 năm đầu với lãi suất 7.2%, biên độ thả nổi 3.5%. Sau hết ưu đãi, lãi suất thả nổi của anh ở mức 10%, đến cuối năm 2023 giảm xuống 9% và giờ đây tăng lên 9.5%.
Chị Nguyễn Vân (ở Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ tiếc nuối khi không kịp cú chốt mức lãi vay thấp mua nhà. Sau khi tìm được căn nhà đất tại huyện Thanh Trì với giá 3,2 tỷ đồng, gia đình chị tính vay thêm số tiền 1,4 tỷ đồng từ ngân hàng. Lúc tìm hiểu gói vay, lãi suất các ngân hàng đều thấp, nhưng khi bắt đầu đặt cọc thì lãi suất tăng lên, chỉ cách đây vài ngày.
Qua tìm hiểu, chị Vân thấy nhóm các ngân hàng nước ngoài như Woori Bank có lãi suất vay cố định 2-3 năm đầu ưu đãi, dao động từ 5.9-6.1%. Tuy nhiên, kể từ tháng 7, ngân hàng này cũng tăng lãi suất lên 6.4-6.8%. Lãi suất này so với nhóm ngân hàng trong nước là khá thấp. Nhưng chị kinh doanh tự do, chỉ mỗi chồng có bảng lương nên không đủ điều kiện vay.
“Tôi đành chuyển sang nhóm ngân hàng quốc doanh như BIDV để dễ tiếp cận hơn, thế nhưng ngân hàng này cũng tăng lãi suất cố định 2 năm đầu lên 6.95%, phí trả trước hạn cũng tăng lên trong khi chỉ vài ngày trước lãi vay chỉ 6%”, chị Vân nói.
Theo khảo sát tâm lý người dùng bất động sản về mức lãi suất bao nhiêu là hợp lý để vay mua nhà, kênh Batdongsan cho biết hơn 50% người tham gia cho rằng, lãi suất vay mua nhà dưới 8% là hợp lý, 29% chấp nhận mức lãi suất từ 8-10%, chỉ 10% chấp nhận đi vay với lãi suất từ 10-13% (tính theo mức thả nổi). Tuy nhiên, hầu hết người đang đi vay mua nhà đều chia sẻ, họ vẫn phải vay với lãi suất trung bình trên 11,5-13%.
Đại diện một chi nhánh ngân hàng BIDV tại Hà Nội thông tin lãi suất ưu đãi vay mua nhà của ngân hàng vừa tăng lên 0,5%/năm. Còn tại VietinBank, nhà băng này chưa có chính sách về việc tăng lãi suất vay mua nhà. Theo đại diện VietinBank, nhìn chung lãi vay của nhóm Big4 không có thay đổi, chủ yếu nhóm ngân hàng tư nhân tăng lãi suất huy động nên kéo theo lãi suất vay tăng.
Thời kỳ tiền rẻ sắp kết thúc?
Khảo sát từ tháng 6 đến nay, hơn 20 ngân hàng thương mại cổ phần tăng lãi suất huy động gồm: Eximbank, OCB, BVBank, NCB, VietBank, VietA Bank, VPBank, PGBank, Techcombank, ACB, SHB, LPBank, Nam A Bank, OceanBank, ABBank, Bac A Bank, MSB, MB…. Trong khi đó, các ngân hàng nhóm Big4 gần như “đứng im”, chỉ riêng VietinBank vừa tăng nhẹ lãi suất tiền gửi trực tuyến một số kỳ hạn thêm 0,2-0,3% trong tháng 7.
Lãi suất huy động đi lên khiến nhiều người lo ngại lãi suất cho vay sẽ sớm tăng trở lại và thời kỳ tiền rẻ kết thúc. Bởi về lý thuyết, việc tăng lãi suất huy động có thể kéo lãi suất cho vay tăng lên, làm tăng chi phí vốn đối với các doanh nghiệp, tăng áp lực tài chính cho người vay.
Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP. HCM, nói rằng việc tăng lãi suất đã được dự báo trước đó. Khi lãi suất vay tăng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu vay mua nhà của người dân, vì phải tính toán lại các khoản chi phí. Tuy nhiên, ông nhìn nhận từ nay đến cuối năm, lãi suất sẽ tăng nhưng không quá mạnh như trước, dòng tiền rẻ vẫn còn. Ngân hàng nhà nước sẽ duy trì mức lãi suất hợp lý để vừa kiểm soát được lạm phát vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế.
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao CBRE Hà Nội, cũng cho rằng lãi suất vay luôn ảnh hưởng tới tính thanh khoản tại các dự án của chủ đầu tư cũng như người mua nhà. Thực tế, lãi suất vay mua nhà được giữ ở mức rất thấp từ thời điểm giữa năm 2023 tới nay, điều này giúp hoạt động mua bán trở nên sôi động, đặc biệt tại thị trường Hà Nội.
Theo bà An, với xu hướng điều chỉnh lãi suất hiện nay, người mua nhà phải cân đối kế hoạch về tài chính. Việc mặt bằng lãi suất điều chỉnh tăng, sẽ tác động đến tâm lý người mua và chiến lược kinh doanh của chủ đầu tư do các chi phí về huy động vốn. Do đó, tuỳ vào biên độ tăng lãi suất mà mức tăng giá dự án sắp tới phải điều chỉnh cho phù hợp, bởi còn dựa trên nhu cầu và khả năng chi trả của người mua.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản EZ (EZ Property), đánh giá giai đoạn vừa qua, lãi suất mua nhà được ưu đãi khá tốt, nhiều ngân hàng cố định trong 2-3 năm đầu chỉ 6%. Thời điểm hiện tại, xu hướng dòng tiền rẻ đang giảm nhẹ, bởi lãi suất huy động tăng lên kéo theo lãi suất vay các lĩnh khác cũng tăng. Khi lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến người vay mua nhà, với mức tăng trên 1% là tương đối lớn đối với những người vay nhiều.
Tuy nhiên, theo ông Toản, ảnh hưởng này chỉ trong ngắn hạn, bởi thị trường bất động sản hiện rất ít sản phẩm để bán, giao dịch còn khá ảm đạm, phần lớn những người mua nhà để ở quan tâm, còn đầu cơ lại ít. Đối với những người mua nhà ở thường vay dài hạn 20-30 năm, còn nếu đầu tư chỉ sử dụng đòn bẩy trong ngắn hạn.
“Thực tế hiện nay, nhà đầu tư gần như chưa tham gia vào thị trường, vì nền giá nhà, đất đang cao, thanh khoản chậm, mua có thể dễ nhưng bán lại khó. Bản thân nhiều nhà đầu tư vẫn đang mắc kẹt chưa thoát được hàng nên nhóm này chưa quay lại thị trường. Chính vì vậy, nếu lãi suất có tăng trong thời gian tới, tôi nghĩ không tác động nhiều đến thị trường bất động sản”, ông Toản nói.
CEO EZ Property cũng cho hay thời điểm hiện tại kinh tế vẫn hấp thụ yếu giống như “người ốm” dậy, dù đang được “truyền đạm” nhưng chưa thực sự có kết quả. Ngay cả nhiều đơn vị kinh doanh vẫn chưa biết thời điểm này vay để làm gì. Do đó, trong khoảng 6 tháng đến 1 năm tới, dòng tiền rẻ vẫn là xu hướng chung, nếu có tăng thì chỉ tăng nhẹ.