Lãi suất tiết kiệm ngân hàng nào cao nhất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Nhiều nhà băng đưa ra mức lãi suất trên 7%/năm, đi kèm điều kiện về giá trị khoản tiền gửi.

Theo khảo sát lãi suất huy động 33 ngân hàng của Người Đồng Hành, khách hàng có thể hưởng lãi suất cao nhất tới 7,8% tại SHB. Mức lãi suất tiết kiệm cao nhất tại ngân hàng này là 6,7% cho kỳ hạn trên 36 tháng và hình thức online. Đồng thời, khách hàng sẽ được cộng thêm 1% lãi suất trong chương trình ưu đãi mùa hè từ 13/5 và được cộng thêm 0,1% nếu là khách hàng lần đầu gửi tiền.

Sau SHB, SCB có lãi suất 7,6%/năm nhưng chỉ áp dụng với món tiền gửi có số dư từ 500 tỷ đồng trở lên ở kỳ hạn 13 tháng.

Nhiều nhà băng khác cũng đưa ra lãi suất trên 7%/năm cho trường hợp đặc biệt giá trị tiền gửi vài trăm tỷ đồng trở lên. Đơn cử, HDBank sẽ áp dụng mức lãi suất 7,15%/năm đối với những khoản tiết kiệm tối thiểu 300 tỷ đồng, lĩnh lãi cuối kỳ với kỳ hạn 13 tháng, trong khi điều kiện thường là 6%/năm.

Tại Techcombank, khách hàng gửi tiết kiệm với số tiền từ 999 tỷ đồng trở lên kỳ hạn 12 tháng sẽ được nhận lãi suất ưu đãi 7,1%/năm, trong khi điều kiện thường là 5,9%/năm đối với khách hàng VIP.

ACB cũng triển khai chương trình lãi suất tiết kiệm cao nhất ở mức 7,1%/năm cho khoản tiền gửi tối thiểu từ 100 tỷ đồng trở lên, thời hạn gửi 13 tháng.

Khách hàng có cơ hội nhận lãi suất tối đa 7,8% nếu hội tụ nhiều điều kiện. Ảnh: B.L

Khách hàng có cơ hội nhận lãi suất tối đa 7,8% nếu hội tụ nhiều điều kiện. Ảnh: B.L

Ở điều kiện thường và không có chương trình ưu đãi, lãi suất với tiền gửi tiết kiệm tại quầy kỳ hạn trên 12 tháng được khảo sát dao động 6,2-7,3%/năm.

Tiền gửi tại quầy, SCB công bố lãi suất là 7,3%/năm với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lĩnh lãi cuối kỳ. Theo sau, CBBank có lãi suất áp dụng 7%, BacABank là 6,8% BaovietBank là 6,7%, VietABank và NCB đều áp dụng mức lãi suất 6,6%. Thấp nhất là mức lãi suất 5% của Techcombank.

ABBank cũng có chương trình tặng thêm lãi suất cho khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy. Theo đó, từ nay đến 30/6 (hoặc đến khi hết hạn mức chương trình tùy theo điều kiện nào đến trước), tất cả các khách hàng khi tham gia gửi mới sổ tiết kiệm tại quầy kỳ hạn 1-12 tháng sẽ được tặng thêm lãi suất lên 1,5%/năm. Hiện lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại quầy của ABBank là 5,7%, như vậy, sau khi được cộng thêm, lãi suất mà khách hàng được hưởng là 7,2%/năm, nằm trong top những ngân hàng có lãi suất cao nhất trên thị trường.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng Big 4 (gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) vẫn duy trì lãi suất huy động ở mức thấp 5,5%/năm.

Với giao dịch tiền gửi online, có ba nhà băng trả mức lãi suất trên 7%. SCB tiếp tục là đơn vị đứng đầu về mức lãi suất lên đến 7,3%, thứ hai là NamABank với mức lãi suất 7,2%và vị trí thứ ba là CBBank với mức lãi suất 7%.

Đối với kỳ hạn 1-3 tháng, Ngân hàng Nhà nước quy định lãi suất trần là 4%/năm. Nhiều ngân hàng công bố lãi suất ở mức kịch trần 4%/năm là SCB, VIB, ABBank, Kienlongbank, VietABank, PVCombank, GPBank, Sacombank, VPBank. Các ngân hàng còn lại đưa ra mức lãi suất trung bình từ 3,3 đến 3,9/năm. Thấp nhất trong kỳ hạn 1 tháng là Techcombank với 2,75%/năm, MB là 2,9%/năm.

Với kỳ hạn 6 tháng, CBBank công bố lãi suất 6,6%/năm, sau CBBank là NVB với mức lãi suất 6,45%/năm, BacABank 6,4%/năm, VIB và BVB cùng ở mức 6,2%/năm, SCB áp mức lãi suất 6%/năm. Trong khi đó, cũng với kỳ hạn 6 tháng, BIDV chỉ áp dụng mức lãi 4%/năm, Techcombank (4,3%/năm), ACB (4,5%/năm), HDBank (4,8%/năm).

Lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng?

Từ đầu năm tới đây, các ngân hàng liên tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động nhằm thu hút dòng tiền nhàn rỗi của cư dân, trong bối cảnh tín dụng hồi phục. Mức tăng lãi suất phổ biến khoảng 30-40 điểm cơ bản đối với một số các ngân hàng như BaovietBank, PGBank, ACB, SCB... VIB là đơn vị duy nhất có mức tăng 80 điểm cơ bản cho lãi suất kỳ hạn 9 tháng gửi tại quầy. BIDV cũng thông báo tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,1%/năm ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua lãi suất tiền gửi liên tục đi lên giúp huy động vốn của các tổ chức tín dụng trong quý đầu năm tăng 2,15% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, tiền gửi cư dân đạt gần 174.000 tỷ đồng, nâng tổng số tiền gửi của cư dân lên mức 5,47 triệu tỷ đồng, tăng 3,28% so với cuối năm 2021.

Nguồn: NHNN, đơn vị tính: Tỷ đồng

Nguồn: NHNN, đơn vị tính: Tỷ đồng

SSI Research cho biết biểu lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân tiếp tục được điều chỉnh tăng từ đầu tháng 5 ở một số ngân hàng vừa và nhỏ, trong khi đó lãi suất huy động dành cho khách hàng tổ chức cũng được điều chỉnh tăng khoảng 20 điểm cơ bản ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) lớn.

Mặt bằng lãi suất huy động đã tăng khoảng 30–50 điểm cơ bản so với cuối năm 2021 ở hầu hết các ngân hàng, trừ nhóm quốc doanh, nhằm thu hút dòng tiền nhàn rỗi trong bối cảnh tín dụng tăng. Đến 20/5, tín dụng tăng gần 7,7%, trong khi nửa đầu năm trước chỉ 6%.

Áp lực tăng lãi suất huy động được thể hiện qua chênh lệch giữa tín dụng – huy động vốn giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 8 năm qua. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước tín dụng tính đến ngày 25/4 đã tăng 6,75% so với cuối 2021, trong khi huy động vốn chỉ tăng 3,55% (tương đương 10,7% so với cùng kỳ). Chênh lệch huy động và tín dụng giảm xuống dưới 200.000 tỷ đồng.

Theo chứng khoán VNDirect, lãi suất huy động sẽ còn chịu áp lực tăng trong những tháng cuối năm do lãi suất USD tăng và áp lực lạm phát tại Việt Nam cao trong những quý tới. Tuy nhiên, đơn vị này nhận định mức tăng sẽ không lớn, khoảng 30-50 điểm cơ bản cho cả năm 2022. Ngoài ra, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên 5,9-6,1%/năm vào cuối năm nay (hiện ở mức 5,5-5,7%/năm), vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7%/năm.

Trong khi đó, Chứng khoán BSC cho rằng mặt bằng lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ 50-100 điểm cơ bản trong năm 2022. Dự báo dựa trên kịch bản lạm phát tăng và tỷ lệ cho vay trên huy động của các ngân hàng thương mại tăng trở lại.

Theo NDH