Là hàng khủng ngành bán lẻ nhưng nhiều khả năng Aeon chưa đạt tiêu chuẩn nếu muốn niêm yết HoSE ngay lúc này

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Hệ thống Aeon tại Việt Nam sẽ cần thêm thời gian để cải thiện lợi nhuận nếu muốn niêm yết. Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp FDI lên sàn vẫn còn nhiều vướng mắc chưa thể thông suốt.

Thông tin tập đoàn bán lẻ Nhật Bản Aeon dự kiến niêm yết trên thị trường chứng khoán đã ít nhiều thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.

AEON bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam từ năm 2014 và tính đến nay đã đầu tư 1,18 tỷ USD. Tập đoàn đang triển khai kế hoạch trung và dài hạn tại Việt Nam, coi Việt Nam là thị trường quan trọng không kém thị trường chính tại Nhật, dự kiến tăng gấp đôi các trung tâm thương mại tại Việt Nam trong thời gian tới. Hiện tại, Aeon đang vận hành 6 trung tâm thương mại quy mô lớn tại Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Chí Minh và Bình Dương cùng với một loạt dự án khác đã được lên danh sách.

Các hoạt động kinh doanh của Aeon tại Việt Nam do nhiều công ty thành viên đảm nhiệm với các thương hiệu khác nhau trong đó 2 pháp nhân chủ chốt là Công ty Aeon Vietnam vận hành mảng bán lẻ và Công ty Aeonmall Việt Nam đầu tư các trung tâm thương mại. Bên cạnh đó còn có các công ty khác như Aeon Citimart, Ministop, Aeonmall Long Biên cùng với công ty ACS Trading Vietnam hoạt động trong lĩnh vực mua, bán hàng trả chậm/dịch vụ tài chính.

Theo số liệu của chúng tôi, tổng doanh thu của nhóm các công ty Aeon tại Việt Nam trong năm 2020 đạt gần 14.300 tỷ đồng, đóng góp chính là Aeon Vietnam với hơn 7.100 tỷ và ACS Trading với 3.800 tỷ đồng. Với việc có thêm các trung tâm thương mại mới đi vào hoạt động, quy mô doanh số của Aeon Vietnam đã tăng rất ổn định trong năm qua.

Tuy nhiên, do bị tác động của dịch Covid-19 nên kết quả kinh doanh của nhóm các công ty Aeon trong năm 2020 không được khả quan: Lợi nhuận của Aeon Vietnam và Aeonmall Long Biên giảm sâu trong khi các công ty ACS, Citimart và Ministop tiếp tục lỗ với mức lỗ đều trên 100 tỷ đồng.

Với kết quả lợi nhuận khiêm tốn này trên quy mô vốn chủ khá lớn thì các công ty chủ chốt như Aeon Vietnam (vốn chủ cuối năm 2020 đạt hơn 5.500 tỷ) hay Aeonmall Vietnam (vốn chủ năm 2020 đạt hơn 11.000 tỷ đồng) cần phải cải thiện lợi nhuận thêm rất nhiều mới có thể đạt tiêu chuẩn niêm yết trên HoSE hay HNX, vốn yêu cầu có ROE năm liền trước năm nộp hồ sơ đạt 5%.

Do vậy việc Aeon lên sàn nếu có thể xảy ra chắc chắn sẽ cần thêm nhiều thời gian. Nếu kết quả của năm 2021 khả quan - điều tương đối khó trong bối cảnh giãn cách kéo dài - thì các Aeon có thể tính đến việc niêm yết vào ngay đầu năm 2022.

Mặc dù chưa có một thông tin cụ thể hơn nào được nêu ra nhưng việc Aeon Việt Nam một khi đạt được các điều kiện đủ để niêm yết thì chắc chắn đây sẽ là một thương vụ chào sàn "bom tấn" khi mà Aeon hiện đã trở thành một trong những tay chơi hàng đầu trong cả 2 phân khúc vận hành trung tâm thương mại cũng như bán lẻ.

Cả 2 phân khúc này đều là những ngành nhiều tiềm năng nhưng rất khan hiếm lựa chọn trên TTCK với chỉ vài cái tên như Vincom Retail (VRE), Thế giới Di động (MWG) hay PNJ...

Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp FDI tiến hành cổ phần hóa và lên sàn chứng khoán là điều mà rất nhiều nhà đầu tư cũng như bản thân một số doanh nghiệp FDI mong đợi từ lâu nhưng hiện vẫn "tắc" do vướng một số quy định.

Nếu những nút thắt được gỡ, chắc chắn sẽ có thêm một lượng đáng kể doanh nghiệp FDI lên niêm yết qua đó gia tăng chất lượng hàng hóa cũng như mở rộng quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo Nhịp sống kinh tế