|
Quy định cứng nhắc về ký quỹ nhập khẩu chất thải, phế liệu khiến nhiều tàu hàng ùn tắc tại Cảng Hải Phòng, ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp.
Những ngày qua, tại Cảng Hải Phòng diễn ra cảnh ùn tắc tàu hàng, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nguyên nhân ban đầu được làm rõ là do, việc quy định cứng nhắc thực hiện đúng, đủ ký quỹ trong 15 ngày trước khi tiến hành thủ tục thông quan.
Vướng mắc từ quy định ký quỹ
Theo Cục Hải quan Hải Phòng, Nghị định 38/2015/NĐ-CP, về quản lý chất thải và phế liệu có hiệu lực từ ngày 15/6/2015 có quy định doanh nghiệp phải thực hiện việc ký quỹ lô hàng nhập khẩu. Việc ký quỹ phải thực hiện trước khi tiến hành thủ tục thông quan phế liệu nhập khẩu ít nhất 15 ngày làm việc. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi Nghị định đã xuất hiện một số vướng mắc khiến hàng hóa phế liệu nhập khẩu bị tồn đọng tải cảng.
Cụ thể, theo báo cáo ngày 22/9, Cục Hải quan Hải Phòng cho biết, hàng hóa phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng tại cảng là 153 container và 2 tàu hàng rời trên 10 nghìn tấn. Dù các doanh nghiệp đã làm xong thủ tục hải quan, đã thực hiện ký quỹ nhưng hàng hóa chưa được thông quan do thời gian ký quỹ chưa đáp ứng được 15 ngày làm việc.
Ông Yang Li Guo, Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty TNHH thép đặc biệt Shengli VN khẳng định, nguyên liệu cung cấp cho sản xuất của công ty chiếm 90% là sắt thép phế liệu được nhập khẩu về cảng Hải Phòng với số lượng 1000-1500 container/tháng.
Theo ông Yang, việc thực hiện ký quỹ đang nảy sinh những bất cập, doanh nghiệp khó thực hiện vì thời gian hàng hóa về đến cảng phụ thuộc vào các hãng tàu mà không một hàng tàu nào có thể cung cấp cho doanh nghiệp ngày hàng về đến cảng trước 15 ngày. Hơn nữa, một số lượng hàng hóa nhập khẩu từ HongKong, Nhật Bản, Philippine, Macau… thời gian từ ký hợp đồng đến khi hàng về đến cảng chỉ trong vòng 10 ngày, như vậy không đáp ứng được theo quy định.
Ông Nguyễn Thanh Hà, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thép Việt - Ý (Vis) khẳng định, chỉ vì không thực hiện được việc ký quỹ đúng quy định khiến Vis đã và đang phải chịu nhiều thiệt hại do chưa thể thực hiện thủ tục thông quan đối với lô hàng thép phế liệu nhập khẩu.
Ông Hà phân tích, chi phí lưu tàu tại cảng Hải Phòng là 15.000 USD/ngày. Nếu chỉ được thông quan sau khi có đủ thời gian ký quỹ 15 ngày thì Vis phải trả cho chủ tàu số tiền chi phí lưu tàu là 225.000 USD/tàu. Việc chậm trễ nguyên vật liệu, gây ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới việc làm và thu nhập của hơn 1000 người lao động.
Hàng tắc, cảng bị vạ lây!
Chưa đủ thời gian ký quỹ, một số tàu dù đã cập cảng nhưng vẫn “án binh, bất động” khiến nhiều tàu khác không thể cập cảng để bốc, dỡ hàng. Ông Trương Văn Thái, Phó Tổng giám đốc Cảng Hải Phòng cho biết, thông thường khi tàu đã cập cầu thì khoảng 2-3 ngày là bốc xong. Tuy nhiên, mới đây tàu Guang Hua 16 đến lúc 1h ngày 19/9, cập cầu 9h30 cùng ngày nhưng do thủ tục chưa hoàn thiện nên đến 19h ngày 24/9 mới có thể bắt đầu làm hàng. Tàu phải chờ 6 ngày mới bốc hàng.
Trường hợp thứ hai là tàu New silk road 2 đến 23h ngày 19/9, Cảng Hải Phòng đã bố trí cập cầu 19h ngày 22/9 nhưng do thủ tục chưa hoàn thiện nên phải đến 17h15 ngày 26/9 tàu mới xong thủ tục và cập cầu và tàu làm hàng từ 00h00 ngày 27/9. Tàu phải chờ 7 ngày mới bốc hàng.
“Chúng tôi hỏi chủ hàng có bốc không, chủ hàng bảo đang vướng thủ tục. Bây giờ mình bảo tàu ra đi thì không đành lòng, bởi vì khách hàng là thượng đế. Bảo người ta ra đi thì người ta không ra, người ta chần chừ,… Nhiều lúc anh Việt (ông Nguyễn Hùng Việt, Tổng giám đốc Cảng Hải Phòng - PV) chất vấn về vấn đề này” - ông Thái nói.
Không giấu nổi bức xúc, ông Thái khẳng định, vì tàu cập cầu không bốc dỡ được hàng khiến cảng chịu thiệt thòi mất doanh thu. Ông phân tích: mỗi tháng doanh thu của cảng vào khoảng 140 tỷ đồng. Như vậy, trung bình doanh thu vào khoảng 4,6 tỷ đồng/ngày. Cảng có 21 cầu tàu, tính bình quân doanh thu của mỗi cầu tàu là trên 220 triệu đồng/ngày. Nếu tàu cập cảng, hàng không được bốc xếp xuống, tính trung bình 6 ngày cảng thiệt hại trên 1,3 tỷ đồng.
Hướng giải quyết như thế nào?
Trước thực trạng này, Vis đề xuất, khi số tiền ký quỹ của doanh nghiệp đã bị phong tỏa, cơ quan quản lý Nhà nước đã có toàn quyền quản lý và sử dụng số tiền này trong trường hợp phế liệu nhập khẩu không được thông quan hoặc không thể tái xuất, được sử dụng để thanh toán chi phí xử lý phế liệu vi phạm. Vì vậy, Vis đề nghị dù thời gian ký quỹ chưa đủ 15 ngày, nhưng doanh nghiệp được thực hiện thủ tục thông quan đối với các lô hàng thép phế liệu nhập khẩu.
Cùng chung quan điểm về vấn đề này, ông Yang Li Guo đề nghị ký quỹ theo phương thức ký quỹ cố định theo tháng nhập khẩu từ 1-2 tháng với số tiền là: 1,7 tỷ đồng, tương đương với 20% giá trị của 3000 tấn sắt.
Dưới góc độ quản lý Nhà nước, nhận được phản ánh của doanh nghiệp, Cục Hải quan Hải phòng về một số vướng mắc trong việc thực hiện kỹ quỹ, ảnh hưởng tới xuất nhập khẩu, ùn tắc hàng hóa, Tổng Cục Hải quan đã có công văn gửi Tổng Cục môi trường, Bộ TN&MT.
Trong văn bản phúc đáp, Tổng Cục môi trường đề nghị Tổng Cục hải quan hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng quy định thời gian phải thực hiện thủ tục ký quỹ. Nghĩa là, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện việc ký quỹ trước khi tiến hành thủ tục thông quan phế liệu nhập khẩu ít nhất 15 ngày làm việc. Vậy là những kiến nghị chính đáng từ doanh nghiệp, từ cơ quan quản lý đã không được Tổng cục môi trường xem xét thỏa đáng, tìm cách gỡ khó cho doanh nghiệp
Nhận định về sự việc này, ông Nguyễn Kiên Giang - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng cho rằng, cần phải thực hiện đúng theo quan điểm của Tổng cục môi trường.
Tuy nhiên, ông Giang cũng bày tỏ, cách quản lý ký quỹ như hiện nay là cứng nhắc, không hiện đại. Theo ông, nếu doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng được yêu cầu thì cần thiết phải có chế tài mạnh để xử lý.
Thời gian qua, các cơ quan quản lý Nhà nước đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh theo đúng tinh thần của Nghị quyết 19/NQ-CP, Chỉ thị số 18/CT0TTg của Thủ tướng Chính phủ, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu và tránh ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu đang nhận được sự hưởng ứng, đồng tình từ phía cộng đồng doanh nghiệp.
Thiết nghĩ, Tổng Cục môi trường, Tổng Cục Hải quan cần thiết khảo sát thực tiễn, lắng nghe nguyện vọng của doanh nghiệp để có quy định ký quỹ phù hợp với thực tiễn hơn, bảo đảm nhập khẩu hàng hóa được hanh thông.
Theo VOV