Những sự kiện làm chấn động thế giới thời kỳ chiến tranh lạnh:

Kỳ 1: Sự kiện 1956 ở Hungary: Mang lại bình yên cho phố phường Budapest

VietTimes -- Đó là những cuộc can thiệp quân sự, những cuộc khủng hoảng chính trị thể hiện sự đối đầu quyết liệt giữa hai phe. Nhiều thập niên trôi qua, thế giới cũng trải qua nhiều biến đổi, song những sự kiện đó vẫn còn nóng hổi tính thời sự bởi giá trị từ những bài học mà nó mang lại cho các nhà lãnh đạo các quốc gia.
Một loạt các cuộc nổi dậy có quy mô toàn quốc đầu tiên tại một nước cộng sản, chống lại mô hình độc đoán của cộng sản Stalinit.

Sự kiện 1956 ở Hungary: Mang lại bình yên cho phố phường Budapest

Tháng 2/1956, Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô ra Nghị quyết lên án tệ sùng bái cá nhân Stalin. Báo cáo của Nikita Khrushov tại Đại hội như sét đánh gây chấn động không chỉ trong nước mà còn làm xáo trộn nhiều đảng cộng sản ở nước ngoài. Một số đảng không chịu nổi đòn đau này đã chấm dứt tồn tại; số khác rơi vào tình trạng mất định hướng, bế tắc.

Tại Hungary, Đảng Lao động Hungary cầm quyền nhận thức được sự phức tạp của tình hình, nhưng cần hành động như thế nào để tránh tổn thất cho Đảng thì không một ai biết. Trong khi đó, sự kích động từ bên ngoài, những biện pháp cải cách nửa vời trong nước, nhất là việc các nhà lãnh đạo Hungary cho phép minh oan cho chính trị gia Laslo Raska (bị xử bắn trong giai đoạn 1949-1953)... đã khơi dậy làn sóng “dân chủ” và thúc đẩy đất nước vào một cơn khủng hoảng nghiêm trọng.

Ngày 6/10/1956, lễ truy điệu, mai táng di hài Laslo Raska với sự tham gia của gần 300.000 người đã trở thành tín hiệu khởi đầu cho đợt phản công chống Đảng, Chính phủ Công nông và chế độ XHCN. Ban lãnh đạo đất nước vẫn án binh bất động trong khi nhẽ ra phải có động thái để quần chúng biết rằng những mối quan tâm và ý nguyện của họ được Đảng, Nhà nước thấu hiểu và thông cảm.

Ngày 23/10, diễn ra cuộc biểu tình khổng lồ với sự tham gia của 250.000 người. Những người biểu tình đòi tiến hành bầu cử tự do, đòi các đơn vị quân đội Liên Xô rút về nước và đòi đưa nhà lãnh đạo thất sủng Imre Nagy trở lại cầm quyền. Đêm xuống, các nhóm quá khích tiến công đài phát thanh, đập phá các cửa hàng; phố xá như sau trận động đất. Xung đột xảy ra, một số người chết và bị thương, đám đông bắt giữ và thu vũ khí của lực lượng an ninh. Những người biểu tình tràn vào một kho vũ khí của quân đội và phân phát vũ khí cho “những người xung kích”. Bức tượng Stalin bị lật đổ, bị cắt làm đôi và bị quảng xuống sông Dunai. 

Ngày 23/10/1956, biểu tình ở Hungary biến thành bạo động

Sáng 24/10, chính quyền Thủ đô Budapest hầu như không còn kiểm soát được tình hình. Khắp nơi trong thành phố xảy ra các vụ cướp phá, các phương tiện giao thông công cộng không thể hoạt động, nhiều nơi vang lên những tiếng súng. Đa phần học sinh, sinh viên bị cuốn hút vào các hoạt động gây rối. Trong cảnh lộn xộn như mớ bòng bong, chính quyền đã rơi vào tay Nagy - một chính khách mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, ngoài miệng nói ủng hộ phát triển quan hệ hữu nghị với Liên Xô, song trên thực tế lại tích cực chuẩn bị các hành động bài Xô và tiến tới khôi phục chủ nghĩa tư bản ở Hungary.

Trong khi đó, mấy ngày liền Moscow hầu như tê liệt vì phân vân giữa sử dụng sức mạnh quân sự hay rút quân khỏi Hungary. Sau này, Khrushov nhớ lại: “Không biết bao nhiêu lần chúng tôi khi thì quyết định thế này, khi thì quyết định khác”. 

Chỉ riêng Ủy ban An ninh quốc gia (KGB) tỏ ra vẫn tỉnh táo, nhạy bén, và đây là một trong những yếu tố chủ yếu giúp ổn định tình hình. Trong lúc lãnh đạo tối cao còn bối rối thì KGB đã sớm ra tay. Đích thân Chủ tịch KGB Ivan Serov bay tới Budapest để điều hành mọi việc. Đây là lần đầu tiên một Chủ tịch KGB tự mình chỉ huy một chiến dịch tình báo đồ sộ ngoài biên giơí́ quốc gia...

Ngay tối hôm đó diễn ra hội nghị khẩn cấp của lãnh đạo Bộ Nội vụ Hungary với sự có mặt của Serov, được giới thiệu là cố vấn mới của Liên Xô nhưng không nêu tên. Phát biểu ý kiến đánh giá tình hình, Serov nhấn mạnh: “Bọn phát xít và đế quốc đang đưa lực lượng xung kích của chúng ra đường phố Budapest, còn lực lượng vũ trang của các đồng chí lại đang do dự liệu có nên sử dụng sức mạnh hay không”. Cỗ máy của KGB âm thầm, ráo riết làm việc. Để đề phòng mọi bất trắc có thể, Serov ra lệnh cho khoảng 20 cán bộ tình báo hàng đầu đang hoạt động ở các nước phương Tây bí mật rút về Budapest và chuẩn bị mọi việc cho tình huống “cao nhất”. Thực tế, Budapest đã trở thành Sở chỉ huy tiền phương của KGB.

Trong khi đó, tình hình ở Budapest không hề bớt căng thẳng. Ngày 29/10, cơ quan an ninh Hungary bị giải thể, một số cán bộ của nó bị đám đông quá khích xé tan xác, tâm lí bài Xô lên đến cao độ. Ngày 30/10, các phái viên Liên Xô đồng ý rút quân đội Liên Xô, đây được xem là bước lùi chiến thuật của Kremlin. Ngay lập tức, Nagy đề cập việc Hungary rút khỏi Tổ chức Hiệp ước Warszawa, đồng thời tuyên bố xóa bỏ chế độ một đảng. Nagy đã công khai bộc lộ quan điểm của mình, và đối với Kremlin, số phận chính trị của ông ta đã được quyết định.

Ngay khi người lính Hồng quân cuối cùng ra đi, bạo lực và cướp bóc lại hoành hành ngay trên đường phố. Theo luật của kẻ mạnh, các vụ tự xử lẫn nhau xảy ra liên tục. Những người cộng sản chân chính, các cán bộ an ninh Hungary bị treo cổ ngay trên các cột điện với tấm biển đeo trên ngực: “Gián điệp của Moscow”. Số phận của CNXH, tính mạng hàng vạn đảng viên cộng sản như ngàn cân treo sợi tóc.

Trong bối cảnh đó, để cứu vãn tình hình chỉ còn một phương án duy nhất là đưa quân đội Liên Xô trở lại thủ đô Hungary. Đại sứ Liên Xô tại Hungary lúc bấy giờ Iury Andropov là người đầu tiên “đi guốc vào bụng Nagy”, và chính ông đã ru ngủ, đánh lạc hướng Nagy để góp phần cho chiến dịch can thiệp của Liên Xô thành công. Ngày 1/11, Nagy được thông báo các đơn vị quân đội Liên Xô đang lần lượt rút khỏi Hungary, nhưng cũng có các đơn vị hành quân theo hướng ngược lại. Liên lạc với Andropov, ông ta được giải thích: Các đơn vị được đưa vào chỉ để đảm bảo an toàn cho bộ đội Liên Xô đang rút đi một cách nghiêm ngặt và theo đúng kế hoach.

Như được cởi tấm lòng, Nagy công khai tuyên bố Hungary rút khỏi Tổ chức Hiệp ước Warszawa, tuyên bố sự trung lập của Hungary và kêu gọi Liên Hợp quốc đưa vấn đề Hungary vào chương trình nghị sự. Ngày 2/11, Nagy tuyên bố phản đối Liên Xô đưa quân trở lại Hungary. Tiếp tục thuyết phục và làm yên lòng Nagy, Andropov âm thầm tiến hành mọi công việc chuẩn bị loại bỏ nhà lãnh đạo “cấp tiến” này. 

Trong những ngày căng thẳng mùa Thu năm 1956 ấy, các nhà ngoại giao Liên Xô và người nhà của họ sống và làm việc một cách dũng cảm trong tình trạng hết sức nguy hiểm. Sứ quán bị bao vây, phong tỏa; mọi cán bộ nhân viên chuyển sang chế độ cấm trại, ăn ngủ ngay trong phòng làm việc. Phong thái điềm tĩnh, tự chủ của Andropov là yếu tố quyết định giúp các nhà ngoại giao Liên Xô đứng vững và hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình.

Chiều 3/11, Bộ trưởng Quốc phòng trong Chính phủ Nagy được mời đến Bộ Tham mưu các đơn vị Liên Xô để thảo luận “các chi tiết cuối cùng” của chiến dịch rút quân đội Liên Xô khỏi Hungary. Hội nghị kết thúc bằng tiệc rượu. Nửa đêm, khi những lời chúc và tiếng những chiếc cốc chạm nhau lần cuối vang lên, cửa phòng bật mở. Một nhóm sĩ quan KGB lao vào, tay vung những khẩu Mauser. Toàn bộ đoàn Hungary bị bắt giữ và bị giam mỗi người riêng một phòng.

Mờ sáng 4/11, các đơn vị Hồng quân bắt đầu tiến công. Khi Tư lệnh các lực lượng Hungary báo cáo tình hình với Thủ tướng Nagy, ông này trả lời: “Chắc đẫ xảy ra một sự hiểu lầm nào đó. Đại sứ Andropov đảm bảo với tôi Chính phủ Liên Xô không ra lệnh xâm lược Hungary. Tôi và đại sứ đang cố liên lạc với Moscow”. Đến khi nhận ra rằng đây hoàn toàn không phải là “sự hiểu lầm”, Nagy phát biểu lần cuối trên đài phát thanh: “Sáng sớm hôm nay các đơn vị quân đội Liên Xô bắt đấu tiến công thủ đô. Chính phủ vẫn ở lại vị trí của mình”.

Tuyên bố “Chính phủ vẫn ở lại vị trí”, song Nagy cùng một số bộ trưởng thân cận lại chạy vào ẩn náu tại Đại sứ quán Nam Tư. Ngày 22/11, nhóm Nagy rời tòa nhà Sứ quán, vì Nam Tư với những lí do khác nhau không thể tiếp tục để Nagy và các đồng sự nằm trong Sứ quán bị cô lập ở Budapest. Ngay lập tức, Nagy và 4 người khác bị các sĩ quan KGB bắt giữ và đưa qua biên giới sang Rumani. Mấy tháng sau, họ được đưa trở về Hungary và giao cho chính quyền mới. Phiên tòa xét xử Nagy và đồng sự kéo dài từ tháng 2 đến tháng 6 năm 1958; Nagy và 2 người khác bị buộc tội phản cách mạng và bị kết án tử hình.

Đến giữa tháng 11/1956, tình hình được ổn định. Đảng Lao động Hungary bị giải tán, Đảng Công nhân XHCN Hungary được thành lập với Yanosh Kadar đứng đầu. Đất nước Hungary XHCN bước vào giai đoạn ổn định, phát triển suốt 35 năm cho đến cuối những năm 1980.

Sự kiện 1956 ở Hungary được xem là bước tập dượt để Ban lãnh đạo Liên Xô sau này thực hiện chính sách cứng rắn một cách hợp lí trước các sự kiện quan trọng diễn ra trong đời sống chính trị thế giới, trong đó có sự kiện Tiệp Khắc năm 1968.

(Còn nữa)