Kumanthong là một loại bùa chú nổi tiếng của người Thái Lan, được đồn thổi với khả năng đem về tài lộc, giúp chủ sở hữu đạt được những mong muốn cá nhân. Kumanthong được làm dưới hình dạng búp bê, tượng nhỏ, đều được yểm bằng bùa chú.
Kumanthong có nhiều loại với nhiều mức giá khác nhau, tùy theo chất lượng và “năng lực”, dao động từ vài trăm đến vài triệu, thậm chí vài chục triệu đồng. Cụ thể, Kumanthong có “năng lực” thấp được yểm bằng những bùa chú do thầy phép viết. Loại này thường có giá thấp, được quảng cáo với khả năng giúp người nuôi gặp nhiều may mắn. Những Kumanthong có “năng lực” cao hơn thường được yểm bằng xác thai nhi. Nhiều người đồn thổi, Kumanthong này mang linh hồn con người, khi nuôi phải cho ăn kẹo bánh, uống sữa, nước ngọt, đặc biệt phải cưng chiều để phù hộ cho gia chủ. Ngược lại, nếu để Kumanthong này nổi giận, tai họa giáng xuống là điều không thể tránh khỏi. Những tin đồn truyền miệng này khiến không ít người hoang mang, lo sợ về loại bùa ngải ma quái.
Thế nhưng, bất chấp những lời giải thích phản khoa học, không ít người nghe theo quảng cáo đã đi “thỉnh” Kumanthong về nuôi. Từ lâu, một bộ phận giới trẻ Việt đã có niềm đam mê với loại bùa ngải kỳ quái này. Hàng trăm fanpage, hội nhóm trên mạng xã hội được thành lập, thu hút đến vài ngàn, chục ngàn thành viên. Các bài đăng trên các nhóm này chủ yếu bàn luận về Kumanthong như mẹo chăm sóc, kinh nghiệm làm hài lòng các “con”, thậm chí còn là nơi môi giới, mua bán, phục vụ mục đích thương mại.
Hàng loạt hội nhóm trên Facebook được lập ra để bàn luận về Kumanthong. |
Mô tả về Kumanthong, một trang fanpage chuyên bàn luận về chủ đề này viết: “Đây là tên gọi của người Thái dành cho quỷ nhi, một ảnh nhi được thầy gia công tế luyện. Tinh thần trong sáng của đứa bé kết hợp chú thuật và thần lực, qua việc tế luyện công phu của pháp sư sẽ cho ra đời một tiểu quỷ có nhiều khả năng đặc biệt. Kumanthong được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như Tăng ích (chiêu tài, câu khách, buôn may bán đắt), Kính ái (tạo tình cảm), Tức tai (bảo hộ thân chủ trong những trường hợp gặp nguy hiểm, mách bảo trước những chuyện nguy hiểm), Hàng phục (phá phách đối thủ, gây bệnh), Câu triệu (gọi người đi xa)”. Trang này còn cho biết, tuỳ theo mục đích sử dụng, Kumanthong sẽ được luyện theo những cách khác nhau.
Trong một bài phỏng vấn báo chí, ThS. Nguyễn Thị Kim Châu - trưởng bộ môn Thái Lan học, khoa Đông Phương học, trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG TP.HCM – đã giải thích nguồn gốc của Kumanthong. Có thời gian học tập và nghiên cứu tại Thái Lan, ThS. cho biết Kumanthong xuất phát nguyên thủy là xác thai nhi bọc vàng, sau đó phát triển thành các loại Kumanthong nung bằng đất, bằng đồng. Còn loại được bán chủ yếu hiện nay trên thị trường được gọi là Lukthep, dịch ra là búp bê thần - loại búp bê bằng cao su có vong nhi.
Từ tín ngưỡng, đến nay Kumanthong trở thành trào lưu mang tính thương mại hóa. "Đó là mê tín dị đoan. Thực ra không phải riêng gì tôi mà rất nhiều người Thái không tin chuyện này. Tôi thấy bộ phận buôn bán làm ăn thì rất mê tín” – ThS. Kim Châu khẳng định.
Hiện nay, tình trạng hành nghề mê tín dị đoan và các hình thức biến tướng của hình thức này diễn ra khá phổ biến, rất nhiều người dân mất tiền vì quá tin tưởng theo lời quảng cáo. Tại Việt Nam, mọi hành vi truyền bá, hành nghề mê tín dị đoan để trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu để lại hậu quả nghiêm trọng.