Thành phố xanh, hiện đại, thông minh
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Khu kinh tế (KKT) Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, là trung tâm kinh tế và văn hóa của khu vực.
Đến năm 2030, tổng giá trị sản xuất ở KKT Vân Đồn ước đạt 5,6 tỷ USD, tương ứng GRDP đạt 1,6 tỷ USD; đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 10% giá trị xuất khẩu.
Mục tiêu đề ra đến 2050, xây dựng và phát triển KKT Vân Đồn trở thành một trong những vùng động lực phát triển kinh tế của Việt Nam, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; là trung tâm kinh tế năng động, tập trung vào du lịch, sản xuất sản phẩm cao cấp và dịch vụ; phấn đấu là thành phố hiện đại, thông minh, một nơi hấp dẫn để mọi người đến sinh sống, làm việc và vui chơi hòa hợp với thiên nhiên.
Không gian đô thị của Vân Đồn chia ra 3 phần. Trong đó, không gian đô thị đảo Cái Bầu gồm các KKT phía Tây, ven biển phía Bắc; thành phố sân bay - khu thương mại tự do, khu nghỉ mát phức hợp, thị trấn Cái Rồng và bán đảo Cổng chào.
Không gian đô thị Quần đảo Vân Hải gồm: Công viên; du lịch nông nghiệp; các khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng và hòn đảo du lịch trong tương lai.
Không gian đô thị trung tâm gồm: Trung tâm hành chính - đô thị trung tâm Cái Rồng; khu công nghiệp sáng tạo; khu công nghệ sinh học; khu dịch vụ sáng tạo; khu sản xuất tiên tiến và hậu cần; khu chế tạo; khu sân bay; khu thương mại tự do; khu thung lũng công nghệ; trung tâm tài chính; khu tái định cư; trung tâm triển lãm văn hóa; khu du lịch và dịch vụ vui chơi giải trí; cảng biển du lịch và cảng cá, hồ cảnh quan...
KKT Vân Đồn sẽ trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh
|
Khai thác hiệu quả tiềm năng di sản thiên nhiên thế giới
Đối với du lịch, đề án mong muốn khai thác có hiệu quả tiềm năng về di sản thiên nhiên thế giới trong khu vực, di sản văn hóa truyền thống. Đồng thời, tạo lập môi trường du lịch thân thiện, hấp dẫn kết hợp với xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng du lịch đồng bộ để phát triển ngành du lịch. Phấn đấu đến năm 2030 thu hút khoảng 2,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó có trên 170.000 người nước ngoài đến Vân Đồn.
Về dịch vụ hiện đại, Vân Đồn tập trung phát triển và kinh doanh cảng hàng không, vận tải hàng không cũng như đẩy mạnh phát triển ngành logistics để đưa Vân Đồn trở thành một trung tâm cung cấp dịch vụ hậu cần đẳng cấp thế giới, trở thành cửa ngõ trung chuyển hàng hóa vào khu vực Đông Nam Á. Phấn đấu đến năm 2030 đưa Vân Đồn trở thành Trung tâm tài chính phát triển của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.