Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: IE.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: IE.

E-magazine Kinh tế Việt Nam trước “cú sốc” Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sự bùng phát của biến chủng Delta từ cuối tháng 4 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam đã đảo ngược hoàn toàn bức tranh kinh tế lạc quan của Việt Nam nửa đầu 2021.

Hàng loạt các tổ chức quốc tế đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay về mức dưới 5%.

Các chuyên gia cảnh báo, nếu Việt Nam không nhanh chóng kiềm chế được dịch bệnh và có lộ trình rõ ràng để mở cửa lại nền kinh tế thì những tổn thất sẽ vượt quá ngưỡng có thể khôi phục được.

Các trụ cột tăng trưởng đang lung lay

Các chỉ số kinh tế mới được công bố của tháng 8 cho thấy xu hướng suy yếu rõ rệt này của nền kinh tế Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, mức giảm mạnh nhất thuộc về ngành chế biến, chế tạo với mức giảm 9,2%, trong khi ngành này lại là động lực chính dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế trong suốt thời kì dài vừa qua.

Về phía tổng cầu, tổng mức bán lẻ hàng hoá và tiêu dùng tháng 8 tiếp tục đà sụt giảm mạnh ở mức 10,5% so với tháng 7 và giảm 33,7% so cùng kỳ.

Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, hai động lực tăng trưởng chính giúp Việt Nam đạt được mức tăng trưởng ấn tượng 2,9% năm 2020 trong bối cảnh hầu hết các nền kinh tế thế giới tăng trưởng âm là xuất khẩu và đầu tư công hiện đều chịu những tác động tiêu cực.

Xuất khẩu đã giảm 5,8% trong tháng 8 do tác động của các đợt giãn cách xã hội khiến các nhà máy phải đóng cửa, ngừng sản xuất.

Dù tính chung tám tháng đầu năm vẫn tăng hơn 20% nhưng khối doanh nghiệp trong nước nhập siêu đến hơn 20 tỉ USD, trong khi khối doanh nghiệp FDI xuất siêu hơn 16,7 tỉ USD. Ngược với năm 2020, cán cân thương mại đang bị thâm hụt hơn 3,71 tỉ USD.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 đã giảm mạnh -7,4% so với cùng kì năm 2020, hiện tượng chưa từng có kể từ năm 2013. Ảnh infographic: TTXVN
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 đã giảm mạnh -7,4% so với cùng kì năm 2020, hiện tượng chưa từng có kể từ năm 2013. Ảnh infographic: TTXVN

Đầu tư công, điểm sáng trong điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2020 với gần 447 nghìn tỉ đồng được giải ngân hiện đang gặp nhiều ách tắc.

Mặc dù Chính phủ vẫn tiếp tục định hướng chính sách đẩy mạnh đầu tư công nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế nhưng tốc độ giải ngân đã chậm hẳn lại so với 2020 do bầu cử, sắp xếp nhân sự và tác động của đại dịch Covid, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành nhận xét.

Tám tháng đầu năm, mức vốn được giải ngân vẫn chưa đạt 50% tổng số vốn kế hoạch được giao của cả năm.

Hoạt động đầu tư công năm 2021 đặc biệt gặp khó khăn ở các địa phương bùng phát dịch Covid-19. Đơn cử, TP Hồ Chí Minh tám tháng đầu năm mới giải ngân được 13.267 tỉ đồng, bằng 37% kế hoạch cả năm, giảm hơn 27% so cùng kỳ năm trước.

Các công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố đều phải tạm dừng thi công hoặc thi công cầm chừng.

Về phía các Bộ, ngành, ngay cả một trong những đơn vị đứng “top đầu” về giải ngân vốn đầu tư công là Bộ Giao thông vận tải cũng còn khối lượng vốn lên tới gần 21.000 tỉ đồng cần giải ngân từ nay đến cuối năm.

Tỷ lệ giải ngân của Bộ Giao thông vận tải dù đạt 52% kế hoạch năm, cao hơn mức chung của cả nước, nhưng giá trị chủ yếu vẫn là ứng hợp đồng, thanh toán nợ đọng, thu hồi vốn ứng trước, riêng phần giải ngân khối lượng thi công, tức là phần trực tiếp tạo ra tăng trưởng kinh tế đạt giá trị rất thấp.

Tình trạng hoạt động của các doanh nghiệp phân theo từng tỉnh/thành phố tại 5 tỉnh thành có quy mô kinh tế lớn. Nguồn: VNE.
Tình trạng hoạt động của các doanh nghiệp phân theo từng tỉnh/thành phố tại 5 tỉnh thành có quy mô kinh tế lớn. Nguồn: VNE.

Không nơi nào cảm nhận tác động khủng khiếp của đại dịch Covid-19 hơn TP. HCM, đầu tàu tăng trưởng của cả nước, nơi đóng góp tới 20% GDP và 25% ngân sách quốc gia.

Hơn ba tháng giãn cách xã hội nghiêm ngặt đã để lại những “tổn thương tới ngưỡng chịu đựng của nền kinh tế” – như thừa nhận của Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên trong cuộc họp với các chuyên gia kinh tế và y tế ngày 17/9.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý, Đại học Fulbright ước tính GDP năm 2021 của TP.HCM là âm 2,8% trong khi các năm tăng khoảng 7-8%.

Cái giá phải trả về kinh tế được chuyên gia ước tính tương đương 2% GDP của Việt Nam, vào khoảng 6 tỉ USD.

Mới đây, Ngân hàng Standard Chartered đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống 4,7% trong khi Ngân hàng Thế giới điều chỉnh xuống 4,8%, thấp hơn hai điểm phần trăm so với dự báo đưa ra cuối năm 2020.

Sức chống chịu của nền kinh tế đã tới hạn

Mảng tối nhất trong bức tranh kinh tế thời gian qua là khu vực doanh nghiệp. Qua bốn đợt sóng Covid-19 bùng phát từ năm 2020 đến nay, đa số doanh nghiệp đã kiệt quệ và như mô tả của Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, đang trong tình trạng “ngắc ngoải”.

Kết quả cuộc khảo sát đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh do Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng cải cách thủ tục hành chính) vừa thực hiện cho thấy: 69% doanh nghiệp tham gia khảo sát đã phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh, tập trung nhiều nhất tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và phần lớn trong số đó không tiên liệu được sẽ phải đóng cửa trong bao lâu.

Lý do doanh nghiệp phải đóng cửa trong bối cảnh dịch bùng phát. Nguồn: Ban Phát triển Kinh tế Tư nhân.
Lý do doanh nghiệp phải đóng cửa trong bối cảnh dịch bùng phát. Nguồn: Ban Phát triển Kinh tế Tư nhân.

Bên cạnh đó, 40% số doanh nghiệp cho biết tình hình tài chính rất căng thẳng, chỉ đủ dòng tiền để duy trì hoạt động dưới một tháng; 46% cho rằng có thể cầm cự thêm thời gian ngắn, nhưng cũng không thể quá ba tháng.

Còn theo Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), từ đầu năm đến nay, có 81.584 doanh nghiệp thành lập mới nhưng có tới 85.508 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 24,2% so cùng kỳ năm trước; trong đó, 50,5% là tạm ngừng kinh doanh, còn lại đang làm thủ tục giải thể hoặc đã hoàn thành thủ tục phá sản.

Nguyên nhân chủ yếu khiến doanh nghiệp phải dừng hoạt động là do đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước, xảy ra ở hàng loạt ngành sản xuất do lệnh phong toả, giãn cách kéo dài tại TP.HCM và 19 tỉnh thành phía Nam.

Sự đứt gãy chuỗi cung ứng và đình trệ sản xuất kéo dài này cũng đang gây ra quan ngại ngày một lớn trong khu vực doanh nghiệp FDI, một trong những động lực tăng trưởng chính của Việt Nam trong suốt thời kì Đổi Mới.

Kì vọng của các lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu vào triển vọng kinh doanh tại Việt Nam đã rớt xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010. Nguồn: EuroCham.
Kì vọng của các lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu vào triển vọng kinh doanh tại Việt Nam đã rớt xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010. Nguồn: EuroCham.

Đang có những chỉ dấu cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu dịch chuyển một số đơn hàng sản xuất sang các nước khác.

Theo báo cáo Chỉ số môi trường kinh doanh vừa được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) thực hiện, niềm tin của các lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu vào triển vọng kinh doanh tại Việt Nam đã rớt xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010.

Theo EuroCham, 18% trong tổng số 193 công ty được khảo sát cho biết đã chuyển dịch một phần đơn hàng hoặc nhu cầu sản xuất sang các nước khác; trong khi 16% doanh nghiệp cũng đang cân nhắc về điều này.

Với người dân, tỷ lệ nghèo tạm thời ở điều kiện bình thường trên cả nước là 10%, nhưng tháng 8 vừa qua, thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy con số này đã lên tới 33,4% và còn tăng.

Tuy nhiên, thống kê này chưa đầy đủ vì chưa tính tới nhóm lao động phi chính thức và lao động tự do vốn có số lượng rất lớn.

Áp lực mở cửa nền kinh tế

Như các dữ liệu thống kê đã chỉ ra, nếu không nhanh chóng kiềm chế được dịch bệnh, từng bước bình thường hoá hoạt động của doanh nghiệp và cuộc sống người dân thì những tổn thất sẽ vượt quá ngưỡng có thể khôi phục được.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh: “Không thể phong toả mãi, cần thích nghi an toàn với dịch”. Ảnh: GVT.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh: “Không thể phong toả mãi, cần thích nghi an toàn với dịch”. Ảnh: GVT.

Mục đích của các biện pháp giãn cách, phong toả mạnh chưa từng có tiền lệ như ở TP.HCM và một số tỉnh phía Nam là để “làm phẳng” đỉnh dịch, giảm thiểu thiệt hại về người.

Hệ quả tương ứng là phải cắt giảm các hoạt động sản xuất kinh doanh để hạn chế sự di chuyển và tụ tập số đông người lao động.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo việc tạm dừng hoặc cắt giảm công suất, sản lượng này không thể kéo dài quá lâu vì khi quá ngưỡng, doanh nghiệp sẽ không thể phục hồi, sẽ mất thị trường và hàng vạn lao động của sẽ mất việc, dẫn đến đổ vỡ về kinh tế.

Sức chịu đựng của nền kinh tế đã tới hạn. Nếu sản xuất kinh doanh tiếp tục đình đốn sẽ dẫn đến thảm hoạ kép về cả y tế và kinh tế”, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN khu vực Đông Nam Á cảnh báo.

Kết quả cuộc khảo sát đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh do Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân cũng chỉ rõ ưu tiên và nguyện vọng lớn nhất của doanh nghiệp lúc này là được hoạt động, chứ không chỉ là các đề xuất liên quan đến chính sách hỗ trợ tài chính từ nhà nước.

Còn Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh thì nhấn mạnh trong cuộc gặp ngày 17/9 với lãnh đạo TP.HCM “Kinh tế không thể không mở. Đây là mệnh lệnh”.

Bởi theo ông, đa số các doanh nghiệp đang kiệt quệ hiện nay nếu không cứu kịp sẽ “chết” và không thể hồi phục. Việt Nam sẽ mất số lượng lớn doanh nghiệp nhiều năm mới xây dựng được.

Người dân TP.HCM phải thường xuyên tập trung test kiểm tra Covid-19 khi đi khám tại các bệnh viện. Ảnh chụp người dân đang xếp hàng rồng rắn khi vào bệnh viện Lê Văn Thịnh để chờ tới lượt được test tháng 8/2021. Ảnh: GVT.

Người dân TP.HCM phải thường xuyên tập trung test kiểm tra Covid-19 khi đi khám tại các bệnh viện. Ảnh chụp người dân đang xếp hàng rồng rắn khi vào bệnh viện Lê Văn Thịnh để chờ tới lượt được test tháng 8/2021. Ảnh: GVT.

Những phát biểu gần đây của một số nhà lãnh đạo cho thấy Việt Nam đã ý thức được nhu cầu cấp bách phải tìm cách “lách qua khe cửa rất hẹp” giữa một bên là dịch bệnh đang hoành hành và một bên là sức sống của doanh nghiệp và sinh kế của người dân.

Trong hàng loạt các cuộc gặp với lãnh đạo các địa phương về phòng chống dịch gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh: “Không thể phong toả mãi, cần thích nghi an toàn với dịch”. Ông cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch kịch bản phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới.

Theo các chuyên gia, đây là một bước chuyển quan trọng tạo tiền đề cho chiến lược mới trong phòng chống đại dịch Covid-19.

Thay đổi từ chiến lược “zero Covid” sang “sống chung với virus” là một cách tiếp cận đúng đắn trong bối cảnh biến chủng Delta lây lan quá nhanh và rộng”, Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn (Đại học Bristol, Vương quốc Anh) bình luận.

Nhưng ngay cả khi đã chuyển sang chiến lược “sống chung với virus” ít tham vọng hơn trước vẫn đòi hỏi Việt Nam phải huy động những nguồn lực khổng lồ.

Do vậy, điều cần làm ngay lúc này là “một lộ trình và kế hoạch rõ ràng để khôi phục các hoạt động kinh tế, tạo điều kiện cho người dân duy trì sinh kế, doanh nghiệp tạo ra doanh thu và từ đó chính phủ thu được ngân sách”, ông Tuấn nêu quan điểm.

Nếu không, cuộc chiến chống đại dịch Covid của Việt Nam sẽ không thể bền vững về lâu về dài và thậm chí để lại những tổn thất khó có thể khắc phục đối với nền kinh tế.

(Còn tiếp)