Kinh tế sẽ lại “đình lạm” như thập niên 70s? Đừng lo quá…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Theo giáo sư kinh tế Jeremy J. Siegel, dù tỷ lệ lạm phát có đạt mức cao nhất trong 4 thập kỷ, nền kinh tế Mỹ sẽ không lặp lại giai đoạn lạm phát đình đốn đầy đau đớn như đã từng chứng kiến trong những năm 1970s.

Nhà kinh tế học Jeremy J. Siegel (Ảnh: Bloomberg)
Nhà kinh tế học Jeremy J. Siegel (Ảnh: Bloomberg)

VietTimes từng giới thiệu tới độc giả quan điểm của ông Robert Heller – cựu thành viên Hội đồng Thống đốc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), cho rằng các quan chức Fed đương nhiệm đã phớt lờ tác động tiềm tàng của việc tăng cung tiền đối với lạm phát. Điều này có thể khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ như đã chứng kiến trong những năm 70s của thế kỷ trước.

Một số chuyên gia kinh tế có tầm ảnh hưởng, trong đó có cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Lawrence H. Summers, cũng bày tỏ nỗi lo lắng về một cú ‘hạ cánh mềm’ đã nằm ngoài tầm với của Fed.

Trong khi đó, kinh tế gia Ben Bernanke, một người rất hiểu Fed và thể chế kinh tế Mỹ, lại cho rằng nguyên nhân quan trọng hơn của việc Fed không có hành động sớm chính là những hiệu ứng bất thường của đại dịch Covid-19.

Giờ đây, khi lạm phát tháng 6/2022 tăng vọt lên mức 9,1% - lập kỷ lục 40 năm, mối lo ngại nền kinh tế Mỹ sẽ lặp lại tình trạng lạm phát đình trệ như những năm 70s đang trỗi dậy.

Ý tưởng chính của cuốn sách 'Stocks for the Long Run' là số liệu thống kê thị trường tài chính Mỹ cho thấy, trong dài hạn, đầu tư vào cổ phiếu sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn so với đầu tư vào vàng, trái phiếu chính phủ, gửi tiết kiệm.

Tuy nhiên, theo giáo sư Jeremy J. Siegel - tác giả cuốn sách 'Stocks for the Long Run' (tạm dịch: Cổ phiếu trong dài hạn) - nước Mỹ sẽ không rơi vào trạng thái lạm phát đình trệ và đây cũng là thời điểm tốt để kiếm lời từ thị trường cổ phiếu.

Bài dịch dưới đây của VietTimes sẽ giới thiệu tới độc giả quan điểm của ông Jeremy J. Siegel về nội dung này, được đăng tải trên tạp chí Barron’s.

Kể cả khi lạm phát có chạm mức cao kỷ lục trong vòng 4 thập kỷ qua, nền kinh tế Mỹ sẽ không lặp lại giai đoạn lạm phát đình đốn (stagflation - đình lạm, chỉ hiện tượng nền kinh tế đình đốn trong khi lạm phát tăng cao) đầy những đau đớn như đã từng chứng kiến trong những năm 1970s.

Theo Siegel, giai đoạn hiện nay so với trước đó "rất khác nhau", chủ yếu là vì Fed đã phản ứng khá nhanh chóng hơn. Siegel nhận thấy lạm phát sẽ giảm dần trong vòng 1 năm tới và điều này sẽ mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư.

"Mức định giá hiện nay trông khá hấp dẫn" Siegel nói. “Tôi sẽ không dự đoán khi nào là đáy, bởi không ai có thể dự đoán được điều đó, nhưng một nhà đầu tư có thể sẽ kiếm được khoản lợi nhuận tốt trong thị trường này."

Sự khác nhau giữa thời kỳ lạm phát hiện nay và trong những năm 70s, theo Siegel, là việc Fed đã “ngăn chặn việc tăng cung tiền trong năm nay một cách dứt khoát". Điều này đã không xảy ra trong giai đoạn 1968 - 1983.

Trong 15 năm đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Mỹ đã tăng tới 186%, tương đương mức tăng 7,3% mỗi năm. Tình hình càng trầm trọng hơn do hai cuộc khủng hoảng dầu mỏ, khiến nền kinh tế Mỹ giảm tốc và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

Tình trạng này thường được gọi là lạm phát đình đốn (Stagflation) – lạm phát kéo dài, kinh tế tăng trưởng chậm và tỷ lệ thất nghiệp cao.

Lúc bấy giờ, không có nỗ lực nào được đưa ra để ngăn chặn nguồn cung tiền. Phải tới khi Paul Volcker nhậm chức Chủ tịch Fed vào năm 1979, ông đã đẩy lãi suất quỹ liên bang (Fed-funds rate) lên hơn 19% (mục tiêu hiện tại của Fed là 1,5% - 1,75%) và gây ra 2 cuộc suy thoái đau đớn.

Nhưng 'liều thuốc' này lại tạo nên một giai đoạn ổn định kéo dài cho cả lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp.

Ông Siegel cho rằng tình trạng lạm phát cao ở Mỹ hiện nay là do đại dịch COVID-19 và do cách phản ứng của Washington.

“Tăng trưởng cung tiền trong năm 2020 đạt mức lớn nhất trong 150 năm,” ông Siegel nói. “Thay vì trao lượng tiền này cho chính phủ để phục vụ cho các chương trình chi tiêu dưới thời Trump và Biden, Fed đáng ra phải nói với họ, rằng nếu muốn thực thi các chương trình đó, họ nên tìm tới thị trường trái phiếu. Nó không gây lạm phát."

Siegel cho rằng “phần lớn mức lạm phát mà chúng ta đang thấy là số liệu thống kê và đã có độ trễ". Ông cũng dự báo rằng nền kinh tế sẽ có một cú “hạ cánh mềm”, và điều đó còn tùy thuộc vào việc Fed “nới lỏng” sớm hay không, sau đợt tăng lãi suất mà họ dự kiến thực hiện vào cuối tháng 7/2022.

Nhưng trong mọi trường hợp, cú hạ cánh đó “sẽ không thể nào giống” như cú hạ cánh sau thời kỳ Đại lạm phát (Great Inflation), ông nói. “Chúng ta đang ở trong tình huống tốt hơn nhiều so với trước kia"./.

Nguồn dịch: Barrons