|
Hoạt động chi tiêu tiêu dùng ở Mỹ vẫn hết sức sôi nổi (Ảnh: ABC News) |
Nền kinh tế Mỹ vẫn đang hết sức khỏe mạnh trong thời điểm đầu năm nay, điều này cho thấy nhu cầu tiêu dùng đang duy trì lạm phát ở mức cao và gây thêm sức ép buộc Fed phải tiếp tục “hãm phanh”.
Doanh số bán lẻ tại Mỹ trong tháng trước đã tăng nhiều nhất trong gần 2 năm, và các phương pháp sản xuất cũng tốt hơn so với kỳ vọng, theo dữ liệu được công bố hôm 15/2. Thêm nữa, các công ty xây dựng ngày càng trở nên lạc quan hơn khi lãi suất vay thế chấp ổn định trở lại sau khi đạt mức cao trong thời điểm cuối năm ngoái.
Kết hợp với báo cáo về lạm phát được công bố hôm thứ Ba, trong đó cho thấy mức tăng giá tiêu dùng cao hơn so với dự báo, con số mới cho thấy nền kinh tế Mỹ dường như đang đi ngược hướng mà Fed đang nỗ lực điều chỉnh. Nhu cầu hàng hóa và dịch vụ đang tăng, một phần do thị trường việc làm khỏe mạnh, trong khi lạm phát vẫn ở mức cao.
Theo nhận định chung, những đợt nâng lãi suất quyết liệt mà Fed đưa ra trong năm ngoái vẫn chưa thể mang lại hiệu quả như mong muốn, và các nhà hoạch định chính sách đang chịu sức ép phải hành động nhiều hơn để kìm hãm lạm phát.
“Nền kinh tế nhìn chung là đang hoạt động tốt hơn so với dự kiến, tính đến thời điểm này trong năm 2023, trong khi đà giảm lạm phát đã chững lại,” Bill Adams, trưởng kinh tế gia đến từ Comeria Bank, nhận định. “Những dữ liệu này khiến Fed có khả năng sẽ tiếp tục nâng lãi suất cao hơn so với kỳ vọng trong năm 2023.”
Một số quan chức Fed trong hôm thứ Ba nhấn mạnh về sự cần thiết phải tiếp tục nâng lãi suất, nhưng lại thể thể hiện những quan điểm khác nhau về khả năng dừng lại.
Các thị trường tiếp tục đưa ra nhận định rằng có 50% khả năng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 1/4 điểm trong tháng 6, sau khi đưa ra mức nâng tương tự trong tháng 3 và tháng 5. Họ kỳ vọng lãi suất sẽ đạt đỉnh là 5,3% trong tháng 7.
Theo dữ liệu mới nhất mà Bộ Thương mại Mỹ công bố, tổng giá trị hoạt động mua bán lẻ đã tăng 3% trong tháng 1, mức tăng nhiều nhất kể từ tháng 3/2021. Con số này chưa được điều chỉnh theo lạm phát. Tất cả 13 danh mục bán lẻ đều tăng trong tháng trước, dẫn đầu là bán lẻ xe hơi, đồ nội thất và nhà hàng.
Chưa rõ liệu có phải thời tiết ấm hơn đã làm tăng nhu cầu trong tháng đầu năm hay không. Nhưng dữ liệu mới cho thấy doanh thu bán lẻ tại các nhà hàng và quán bar đã tăng 7,2% trong tháng 1. Đây là mức tăng lớn nhất tính từ tháng 3/2021, thời điểm mà vaccine ngừa COVID-19 được phân phối rộng khắp và người dân Mỹ hưởng lợi từ các gói kích thích của chính phủ.
Phần lớn lượng cầu này bắt nguồn từ thị trường việc làm khỏe mạnh, vấn đề hiện đang là tâm điểm của Fed trong cuộc chiến chống lạm phát. Tỷ lệ thuê lao động trong tháng trước đã tăng vượt kỳ vọng trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 53 năm. Mức lương trung bình trả theo giờ cũng tăng.
Lĩnh vực sản xuất, nhà ở
Nhiều khu vực của nền kinh tế Mỹ từng chịu ảnh hưởng của đại dịch như sản xuất và nhà ở cũng đang dần ổn định trở lại. Sản lượng tại các nhà máy đã tăng trong tháng 1, theo dữ liệu của Fed, trong khi một báo cáo khác chỉ ra rằng hoạt động sản xuất tại bang New York đã giảm ít hơn so với dự kiến trong tháng 2. Nghiên cứu của bang New York cho thấy mặc dù sức ép lạm phát đang giảm, nhưng vẫn dai dẳng.
Trong lĩnh vực nhà ở, hoạt động của các công ty xây dựng đã tăng nhiều hơn so với dự báo trong tháng 2, chủ yếu nhờ vào sự lạc quan về doanh số bán cùng dự báo về sức mua tăng. Bất chấp một năm 2022 khó khăn cho lĩnh vực bất động sản, sự phục hồi niềm tin liên tiếp trong các tháng qua cho thấy tinh thần lạc quan về nhu cầu nhà ở ngay trong mùa bán quan trọng.
Cả hai lĩnh vực này đều đang phục hồi một cách chậm chạp, trong khi có nhiều kỳ vọng rằng Fed sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách, đập tan hy vọng về đà phục hồi kinh tế trong ngắn hạn. Mặc dù lãi suất vay thế chấp đã giảm so với mức cao của năm ngoái, nhưng vẫn tăng trong tuần trước. Chi phí vay mượn cao hơn có nguy cơ kéo tụt các khoản đầu tư vốn.
Các nhà kinh tế học đang hết sức thận trọng trong việc đưa ra kết luận về dữ liệu của một tháng duy nhất. Một số chuyên gia cho rằng cú hích thu nhập – có thể là từ những điều chỉnh chi phí sinh hoạt hay mở rộng an sinh xã hội trong tháng 1 – chính là nguyên nhân khiến hoạt động chi tiêu tăng lên.
Một số nhà kinh tế học cũng tự đặt câu hỏi rằng, liệu có phải thời tiết ấm áp hơn trong đầu năm nay đã ảnh hưởng tới dữ liệu mới được công bố hay không. Theo một báo cáo về sản xuất công nghiệp, Fed cho rằng nhiệt độ dễ chịu hơn đã làm giảm nhu cầu sưởi ấm của người dân trong tháng 1, từ đó gây ra mức giảm kỷ lục trong sản lượng sản phẩm/dịch vụ tiện ích.
|
Thị trường việc làm của Mỹ vẫn trong trạng thái khỏe mạnh (Ảnh: NPR) |
Triển vọng tăng trưởng
Tuy nhiên, những tín hiệu tăng trưởng trong ngắn hạn vẫn mạnh mẽ. Một số chuyên gia kinh tế đã nâng mức tăng trưởng GDP trong quý đầu tiên sau khi có báo cáo về doanh số bán lẻ. Fed Atlanta đưa ra dự báo tăng trưởng GDP trong quý đầu tiên là 2,4%, cao hơn so với mức 2,2% mà họ đưa ra trước đó.
“Thông điệp ở đây là, nền kinh tế dường như không suy giảm một cách nhanh chóng trong quý đầu tiên,” Michael Gapen, trưởng phòng kinh tế Mỹ tại Bank of America Corp., nhận định.
Nhưng động lực đó có được duy trì hay không lại là câu chuyện khác. Fed càng đi xa hơn, thì nguy cơ xảy ra suy thoái càng lớn. Oxford Economics dự báo rằng suy thoái sẽ xảy ra nếu như người tiêu dùng tiêu xài hết khoản tiền tiết kiệm của họ và sau đó chi tiêu ít hơn.
“Mặc dù phải mất thời gian để hoạt động chi tiêu giảm xuống, nhưng chúng tôi dự đoán rằng thị trường lao động và đà tăng lương giảm cùng với lạm phát dai dẳng sẽ khiến cho người tiêu dùng không còn sẵn lòng chi tiền,” các nhà kinh tế học Oren Klachkin và Ryan Sweet, nói. “Chúng tôi vẫn kỳ vọng về một cuộc suy thoái xảy ra vào cuối năm nay"./.
Lạm phát tháng 1/2023 của Mỹ vượt dự báo, Fed sẽ tăng mạnh lãi suất?
Fed và kịch bản lạm phát chữ U
Kinh tế Mỹ sẽ 'hạ cánh mềm' hay 'hạ cánh cứng'?
Theo Bloomberg