Nền kinh tế GIG đang nổi lên như một xu thế tất yếu trong tương lai
Nền kinh tế GIG đang nổi lên như một xu thế tất yếu trong tương lai

E-magazine Kinh tế GIG là xu hướng tất yếu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

VietTimes – Khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 đang thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế GIG tại Việt Nam một cách mạnh mẽ.

Vòng đời làm việc ở một tổ chức ngày càng ngắn

Trước đây, khi gặp gỡ người ta thường hỏi: “Bạn đang làm việc gì, ở công ty nào?” Câu trả lời thường là một nghề nghiệp nào đó, ở một công ty hay tổ chức nhất định. Họ là những người lao động toàn thời gian, ít khi thay đổi vị trí và tập trung vào sự nghiệp lâu dài. Nhưng những năm gần đây, khi đi hội thảo hoặc gặp gỡ các đồng nghiệp CNTT quen biết lâu năm, tôi thỉnh thoảng phải hỏi:

- Dạo này anh (bạn, em) làm ở đâu?

Thì câu trả lời vẫn quanh quẩn ở các công ty Cisco, IBM, Microsoft, Oracle, SAP, EMC,... nhưng nơi làm khác lần trước. Nhiều người làm thì chỉ độ vài năm hay thậm chí một năm là nhảy sang công ty khác, đối thủ công ty cũ. Với người làm nhà nước ổn định 10 năm, 20 năm, tôi rất lấy làm lạ rằng tại sao người ta có thể thay đổi chỗ làm nhanh đến như thế. Tất nhiên là do áp lực doanh số, công việc, tái cấu trúc mà nhân sự biến động liên tục.

Một cuộc khảo sát "Nơi làm việc Tương lai" gần đây cho thấy 91% thế hệ trẻ (thể hệ Z) mong muốn ở lại một công việc trong vòng ít hơn ba năm, và các chính sách về giờ làm việc linh hoạt và linh động về địa điểm ưu tiên hơn mức lương. Theo Edison Research, đối với 53% người lao động trong độ tuổi 18-34, công việc trong nền kinh tế GIG chính là nguồn thu nhập chính của họ.

Vòng đời làm việc ở một tổ chức ngày càng ngắn, nó rút dần từ chế độ làm việc suốt đời của thế hệ Baby Boomer (1946-1964), đến khoảng 10 năm làm việc của thế hệ X (1965-1980), rồi 5 năm thế hệ Y (1981-1996) và 3 năm của thế hệ Z (từ 1997), mới bước vào thị trường lao động.

Nền kinh tế GIG

Với sự phát triển của công nghệ số, người lao động độc lập, làm việc tự do (freelancer) không cần phải đến văn phòng. Họ liên lạc với công ty chủ yếu thông qua phương tiện kỹ thuật số, kết nối qua mạng. Do đó, họ được linh động về thời gian, nếu thích và đủ điều kiện có thể đồng thời làm việc cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp khác nhau để tăng thêm thu nhập.

Về phía doanh nghiệp, họ có nhiều ứng viên hơn để lựa chọn, không bị ràng buộc về điều kiện ứng viên đó đang làm việc với đơn vị khác. Công nghệ số còn giúp nhà tuyển dụng sử dụng những người lao động ở những địa điểm cách xa trụ sở công ty, làm việc vào thời điểm bất kỳ.

Với sự phát triển của công nghệ số, người lao động độc lập, làm việc tự do (freelancer) không cần phải đến văn phòng

Với sự phát triển của công nghệ số, người lao động độc lập, làm việc tự do (freelancer) không cần phải đến văn phòng

Một điểm quan trọng dẫn đến sự phát triển của mô hình kinh tế mới này là lý do về tài chính. Người sử dụng lao động không đủ khả năng thuê nhân viên toàn thời gian cho mọi công việc cần thiết, vì vậy họ thuê nhân viên bán thời gian hoặc nhân viên tạm thời cho những thời điểm bận rộn hơn hoặc các dự án cụ thể.

Về tâm lý làm việc, người làm việc có thể có xu hướng thay đổi địa bàn làm việc, hoặc hơn nữa là thay đổi nghề nghiệp. Trong trường hợp đó, rõ ràng nền kinh tế này đáp ứng nhu cầu của người lao động tốt hơn hẳn nền kinh tế truyền thống.

Mô hình kinh tế mới này được gọi là “GIG Economy” (“Kinh tế GIG”). Theo Từ điển Cambridge, “nền kinh tế GIG là một mô hình với cách thức làm việc dựa trên việc mọi người có công việc tạm thời hoặc làm các phần việc riêng biệt, mỗi phần việc này được trả lương riêng biệt, và không làm việc chỉ cho một nhà tuyển dụng”.

Trên thực tế, cách thức làm việc độc lập, không thuộc một tổ chức nhất định nào như thế đã tồn tại từ lâu, thường gọi là làm nghề tự do. Lực lượng này bao gồm người làm việc theo hợp đồng ngắn hạn, nhân viên thời vụ. Tuy nhiên, thành phần làm việc như vậy chiếm tỷ lệ nhỏ và đóng góp không đáng kể vào nền kinh tế chung.

Khi công nghệ số phát triển, người ta có thể làm việc trực tuyến mà không cần đến văn phòng, từ đó dẫn đến việc không cần là nhân viên cố định cho một đơn vị tổ chức và có thể cộng tác với nhiều doanh nghiệp, tổ chức cùng lúc. Cùng với sự phát triển của mô hình kinh tế chia sẻ, các công ty đại diện cho mô hình này như: Uber, Grab, Airbnb… đã thu hút một loạt người lao động không phải là nhân viên chính thức của mình. Lực lượng lao động tham gia nền kinh tế GIG phát triển lớn mạnh hơn bao giờ hết.

Nền kinh tế GIG trên thế giới đang phát triển và ngày càng đóng vai trò quan trọng

Không có một nghề nghiệp nào đảm bảo cho tương lai, chỉ có những lựa chọn tốt hơn cho những người sẵn sàng kiểm soát tương lai của họ. Cách thức làm việc như chúng ta biết sẽ tiếp tục thay đổi. Một tầng lớp lao động mới đang xuất hiện. Thay đổi đang diễn ra và tăng tốc nhanh chóng.

Trao đổi thông tin tự do qua mạng dữ liệu đang trở thành trung tâm của hoạt động kinh tế. Tiềm năng cho các nền tảng kỹ thuật số để tăng năng suất toàn cầu và thay đổi thế giới việc làm là rất lớn. Một thị trường đang phát triển nhanh chóng. Điều này đã tạo ra một “lực lượng lao động theo yêu cầu” (on-demand workforce) cho một “thế giới theo nhu cầu” (“on-demand world”).

Nhiều công ty mới xuất hiện nhờ sự phát triển của công nghệ

Nhiều công ty mới xuất hiện nhờ sự phát triển của công nghệ

Hàng triệu người mỗi năm đang chọn công việc độc lập, tự do thay vì công việc đảm bảo. Hiện tượng này ngày càng phổ biến với cả doanh nghiệp và người lao động. Riêng Uber có hơn 40.000 tài xế ở London (Uber, 2017). Theo McKinsey, có 5 triệu người, chiếm 15,6% trong tổng số 32 triệu người làm việc toàn thời gian và bán thời gian hiện đang làm việc trong nền kinh tế GIG ở Anh.

Chuyên gia nghề nghiệp Maciej Duszyński nêu ra những số liệu thống kê sau về nền kinh tế GIG tại Mỹ để chúng ta tham khảo: Hiện có 57,3 triệu người làm việc tự do ở Mỹ. Ước tính rằng đến năm 2027 sẽ có 86,5 triệu người làm việc tự do. 36% công nhân Mỹ tham gia vào nền kinh tế GIG (theo Gallup) hoặc đối với 44% người lao động thì công việc trong nền kinh tế GIG là nguồn thu nhập chính của họ (theo Edison Research).

Người lao động trong nền kinh tế GIG được cho là đã đóng góp 1,4 ngàn tỉ USD vào GDP của nước Mỹ năm 2018 (theo PYMNTS). Tỷ lệ lớn nhất người lao động tham gia nền kinh tế GIG thuộc về các ngành nghệ thuật, thiết kế, giải trí, thể thao và truyền thông, chiếm 14%. Tiếp theo là nghề bán hàng, chiếm 10% (theo PYMNTS).

Hạn chế của nền kinh tế GIG

Sự linh hoạt của hợp đồng ngắn hạn, tạm thời, có thể phá vỡ cân bằng cuộc sống công việc, giờ giấc ngủ và các hoạt động hàng ngày. Tính linh hoạt trong nền kinh tế GIG đồng nghĩa với việc người lao động phải sẵn sàng bất cứ khi nào có hợp đồng tạm thời và luôn phải săn lùng hợp đồng tiếp theo.

Nền kinh tế GIG khiến cho sự an toàn của một công việc có lương thưởng ổn định, các thói quen hàng ngày đặc trưng cho công việc bị xóa bỏ. Người lao động phải gánh chịu nhiều hơn rủi ro thị trường đối với những thăng trầm kinh tế, xu hướng thay đổi và sở thích của người tiêu dùng hơn trước.

Do tính chất lỏng lẻo của các giao dịch và mối quan hệ kinh tế, mối quan hệ lâu dài giữa người lao động, người sử dụng lao động, khách hàng và nhà cung cấp bị xói mòn. Điều này làm mất đi lợi ích từ việc xây dựng niềm tin lâu dài, thông lệ và sự quen thuộc với khách hàng và nhà tuyển dụng - theo Investopedia.

Làm sao để thành công trong công việc?

Trong nền kinh tế GIG, bối cảnh thương mại toàn cầu hóa và tự động hóa, khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong công việc trở thành yếu tố bắt buộc. Ngoài ra, để tránh khỏi nguy cơ bị đào thải bởi công nghệ AI, máy tính và Robot, người lao động cần trang bị 6 kỹ năng của thế kỷ 21 gồm: kỹ năng sáng tạo, tư duy phản biện, hợp tác, giao tiếp, tự hoàn thiện bản thân và kiến thức công nghệ. Đây được xem là định hướng đào tạo quan trọng trong tương lai, giúp người lao động có tâm thế tự tin, sẵn sàng ứng phó trước mọi khó khăn và thách thức.

Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước

Tại Việt Nam, hiện nay chưa có số liệu điều tra cụ thể về nền kinh tế GIG. Tuy vậy, có thể thấy rõ là lực lượng lao động tham gia nền kinh tế GIG đang ngày một đông đảo. Khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 đang thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế GIG tại Việt Nam một cách mạnh mẽ.

Giãn cách xã hội và khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất đã làm gia tăng đáng kể số lượng các lao động tự do tham gia vào hệ thống cung ứng dịch vụ vận tải (taxi, xe ôm, vận chuyển hàng, giao đồ ăn...) của Grab, Gojek, Lalamove, Ahamove, Bee...

Sẽ có nhiều người làm việc theo phương thức trực tuyến

Sẽ có nhiều người làm việc theo phương thức trực tuyến

Cùng với sự phát triển của công nghệ số, khả năng làm việc trực tuyến ngày càng thuận tiện hơn chắc chắn cũng sẽ dẫn đến nhiều người tham gia làm việc theo phương thức này, đồng nghĩa với việc tham gia nền kinh tế GIG. Như vậy, nền kinh tế GIG sẽ góp phần không nhỏ vào nền kinh tế chung.

Tuy nhiên, nền kinh tế GIG có những mặt trái và nhiều rủi ro. Người lao động tham gia vào nền kinh tế GIG cũng phải cân bằng các nhu cầu cạnh tranh về tính cởi mở với các mối quan tâm cơ bản về an toàn. Họ dễ bị tổn thương trên ít nhất ba mặt: rủi ro vật lý, rủi ro pháp lý và rủi ro nền tảng. Những người lao động trong nền kinh tế GIG có thể gặp nguy hiểm về thể chất, bị tấn công hoặc bị quấy rối tình dục mà hoàn toàn không được bảo vệ.

Do đó, việc nghiên cứu để đưa ra những chính sách nhằm quản lý tốt hơn và bảo vệ tốt hơn quyền lợi người lao động GIG là rất cần thiết