Được biết, đề nghị của Công ty CP Kính nổi Chu Lai đã được Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Quảng Nam ủng hộ và trình Chính phủ chấp thuận. Lượng nhập dự kiến khoảng 130.000 tấn/năm, kéo dài đến hết năm 2021.
Trước đó, tháng 5-2013, Công ty CP Kính nổi Chu Lai đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép nhập khẩu lốp ôtô, cao su đã qua sử dụng làm nguyên liệu sản xuất với lượng nhập tối đa không quá 160.000 tấn/năm.
Với lốp ô tô cũ, cao su đã qua sử dụng, công ty này đã xây dựng Nhà máy xử lý phế thải cao su tại KCN Bắc Chu Lai, Quảng Nam. Nhà máy áp dụng công nghệ nhiệt phân để thu lại dầu FO-R, than bột và thép phế. Trong đó, dầu FO-R được sử dụng tại nhà máy sản xuất kính của công ty, than bột và thép phế được bán ra ngoài
Theo báo cáo của Bộ Công thương, trong 3 năm thí điểm (2013, 2014, 2015), Công ty CP Kính nổi Chu Lai đã nhập khẩu tổng cộng 271.000 tấn lốp ô tô, cao su đã qua sử dụng.
Công ty đã đưa vào xử lý 166.000 tấn trong số lốp ô tô cũ, cao su đã qua sử dụng nhập khẩu này, cộng với lượng thu mua trong nước cũng đã đưa vào xử lý là 162.000 tấn. Từ đây công ty thu được khoảng 80.000 tấn dầu FO-R, trị giá khoảng 500 tỷ đồng. Lượng than bột và thép phế thu từ việc nhiệt phân đã được bán hết, với giá trị 145 tỷ đồng cho than bột và 60 tỷ đồng cho thép phế.
Như vậy, trong 3 năm qua, Công ty CP Kính nổi Chu Lai đã thực xử lý hơn 328.000 tấn lốp ô tô cũ và cao su đã qua sử dụng vừa nhập khẩu, vừa thu mua trong nước. Thu lại khoảng 80.000 dầu FO-R và vài chục nghìn tấn than bột, thép phế.
Báo cáo của Bộ Công thương cho biết trong quá trình sản xuất, Nhà máy xử lý phế thải cao su của Công ty CP Kính nổi Chu Lai cần phải cải tiến công nghệ, đáp ứng yêu cầu về môi trường.
Ngoài yêu cầu khá chung chung về môi trường này, báo cáo không thể hiện rõ việc nhiệt phân lốp cũ này có phát sinh chất thải khác ngoài các loại dầu FO-R, than bột, thép phế hay không. Nếu có, thì chất thải này - có thể chênh lệch hàng trăm nghìn tấn với lượng đã đưa vào xử lý - được “giải quyết” thế nào ?