Kim Jong Un trở thành lãnh đạo tối cao Triều Tiên như thế nào

Không ai biết được chính xác năm sinh, nhưng người ta chỉ biết là Kim Jong Un sinh ngày 8/1. Về mặt chính thức, nhà lãnh đạo Triều Tiên sinh năm 1982 nhưng nhiều báo cáo khác nhau lại cho rằng ông có lẽ chào đời năm 1983 hay 1984.
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un

Vì sao lại có sự thay đổi như vậy? Về mặt biểu tượng, đó là vì để cho năm sinh của Kim Jong Un được trùng khớp với 70 năm ngày sinh của ông nội Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) và 40 năm ngày sinh của Kim Jong Il, cha của ông, người đã từng sử dụng cách tương tự cũng vì lý do này (sinh năm 1941, nhưng tiểu sử chính thức đề năm 1942).

Thuở nhỏ, Kim Jong Un sống quây quần bên cạnh cha mẹ, cô em gái, người anh trai và một người anh cùng cha khác mẹ - cả hai đều lớn hơn ông hai tuổi, tại Bình Nhưỡng. Xung quanh ông còn có kẻ hầu người hạ và các cận vệ. Giai thoại kể rằng, lúc thiếu thời Kim Jong Un rất mê phim hoạt hình Walt Disney. Cầm hộ chiếu Brazil, dưới cái tên giả là Joeseph Pak, ông ta đã từng cùng với mẹ đến Disneyland tại Tokyo lúc mới 8-9 tuổi.

Cũng giống như người anh ruột, từ năm 1996-1998, Kim Jong Un được gửi đến học tại trường quốc tế Anh ngữ tại Gümligen, gần Bern, Thụy Sĩ. Từ năm 1998, dường như ông vào học ở trường công Liebefeld, gần Bern, dưới danh nghĩa con trai của một nhân viên sứ quán Triều Tiên.

Đối với nhiều bạn đồng học cũ, Kim Jong Un là một học sinh trầm tính, phần lớn thời gian là ở nhà, nhưng có khiếu hài hước. «Anh ta trông khôi hài và lúc nào cũng cười được», anh Marco Imhof nhớ lại khi kể chuyện cho tờ Le Mirror. Còn theo lời thuật của một người bạn học cũ khác với tờ báo Đức Welt am Sonnatag, «Anh ta hòa đồng với tất cả mọi người, kể cả với những học sinh đến từ các quốc gia thù nghịch với Triều Tiên».

Nhìn chung, thời đi học Kim Jong Un chẳng mấy khác biệt so với các bạn đồng trang lứa. Đó là người đam mê bóng rổ (bản thân ông Kim cũng chơi khá cừ), một fan hâm mộ  Michael Jordan, một người thích sưu tầm giầy Nike, và đệ tử trung thành các phim hành động của Jean-Claude Van Damme và Thành Long.

Trở về Triều Tiên, Kim Jong Un theo học ba năm trường sĩ quan lục quân tại Học viện Quân sự Bình Nhưỡng và một chương trình nghiên cứu hai năm nữa tại trường đào tạo binh chủng pháo binh. Khác với lúc ở Thụy Sĩ, trong khoảng thời gian học tập này, nhà lãnh đạo tương lai không tiếp xúc với bất kỳ học viên nào khác.

Có lẽ chính vào khoảng năm 2007, Kim Jong Un và anh ruột đã bắt đầu cùng cha đi thị sát các khu căn cứ quân sự. Mọi việc còn được thúc đẩy nhanh hơn nữa kể từ năm 2008 khi Kim Jong Il, cha của ông bị mắc chứng nhồi máu cơ tim, đã chỉ định ông làm người kế thừa. Hai người anh lớn đã bị gạt ra vì những lý do khác nhau. Một người bị cho là quá "ủy mị" và yếu đuối. Người kia thì lại quá ham chơi hội hè và các trò may rủi.

Dù là có ít kinh nghiệm, Kim Jong Un đã nhanh chóng được thăng cấp theo các thứ bậc trong bộ máy quyền lực. Với hàm tướng 4 sao, ông trở thành phó chủ tịch Quân ủy Trung ương và ủy viên ban Chấp hành Trung ương đảng Lao Động Triều Tiên.

Đối với nhiều người Triều Tiên, Kim Jong Un có dáng dấp của "Lãnh tụ vĩ đại" Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) thời trai trẻ. Về mặt hình dáng, Kim Jong Un thật sự rất giống ông nội Kim Nhật Thành, để cùng một kiểu tóc và có cùng kiểu cử chỉ tương tự. Nhiều lời đồn cho rằng dường như là Kim Jong Un đã giải phẫu thẩm mỹ để có những nét ngày càng giống ông nội hơn. Dĩ nhiên Bình Nhưỡng đã bác bỏ lời đồn đại này. 

Sau khi Kim Chính Nhật (Kim Jong Il) qua đời do bị đột quỵ ngày 17/12/2011, chàng thanh niên Jong Un đã kế thừa một nền quân sự mạnh trên thế giới, với một kho vũ khí hạt nhân và có quyền kiểm soát tuyệt đối tại Triều Tiên. Chưa đầy 30 tuổi, Kim Jong Un tự tuyên bố là "lãnh đạo tối cao" của Triều Tiên và trở thành nhà lãnh đạo trẻ tuổi nhất thế giới.

Một cách nhanh chóng, Kim Jong Un đã tạo cho mình hình ảnh một nhà lãnh đạo cứng rắn và đa nghi, không ngần ngại triệt hạ những người làm mất lòng anh ta hay gây phiền phức. Ngày 12/12/2013, nhà lãnh đạo trẻ đã cho hành quyết chú dượng chỉ vì nghi ngờ ông này đã mưu đồ tạo phản.

Không rõ có phải để củng cố uy quyền của mình, Kim Jong Un ngày càng trở nên khó lường, luôn lớn tiếng đe dọa «nhấn chìm Seoul trong biển lửa» như cha và ông nội mình. Nhà lãnh đạo trẻ chưa hề muốn chấm dứt các vụ thử tên lửa đạn đạo đe dọa các nước láng giềng và Mỹ.

Ngày 5/1, Kim Jong Un đã cho tiến hành vụ thử hạt nhân thứ hai dưới triều đại của mình (và vụ thử thứ 4 của Triều Tiên) để bảo vệ đất nước chống lại các «thế lực thù nghịch do Mỹ dẫn đầu và những lời cáo buộc thóa mạ về nhân quyền».

Theo Les Echos