Kim Jong Un đã hé mở cánh cửa nền kinh tế cho cải cách thị trường?

Theo Bloomberg, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã hé mở cánh cửa nền kinh tế cho cải cách thị trường. Giờ đây, khi tổ chức đại hội đầu tiên kể từ năm 1980 của Đảng Lao động Triều Tiên cầm quyền, tuy niên, ông Un cũng sẽ phải đối mặt với một sự lựa chọn không mấy dễ dàng.
Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.

Kể từ khi lên nắm quyền sau cái chết của người cha vào cuối năm 2011, Kim Jong Un được cho là đã củng cố quyền lực thông qua thanh trừng nhiều quan chức cấp cao và tiến hành hai vụ thử hạt nhân. 

Trong bối cảnh Triều Tiên để mất hầu hết đồng minh của thời chiến tranh lạnh và phải đối mặt với tình trạng hạn hán và thiếu lương thực, nhà lãnh đạo trẻ cũng bắt đầu sự thử nghiệm đầy cẩn trọng với kinh tế tư nhân.

Việc tổ chức đại hội Đảng Lao động Triều Tiên đầu tiên dưới quyền lãnh đạo của mình đem đến cho ông Kim Jong Un cơ hội để đặt ra một chương trình nghị sự của riêng ông, cũng như thăng hoặc giáng chức cấp dưới nhằm củng cố hàng ngũ thân cận. 

Những gì được nói và làm ở Bình Nhưỡng trong kỳ đại hội sẽ cho thấy mức độ nghiêm túc và quyết tâm của Kim Jong Un đối với cải cách kinh tế, cũng như liệu điều đó có bị cản trở bởi mong muốn giữ vững quyền lực của ông Kim hay không.

“Ông ấy đã thực hiện một số cải cách có hiệu quả và ông ấy cảm thấy giờ là lúc cần có sự điều chỉnh nguyên tắc ý thức hệ của Triều Tiên để giải thích những thay đổi đó. Nhưng thay đổi nhanh chóng sẽ không phải là một việc dễ dàng, vì cho dù sự thay đổi có tốt đến đâu, thì ông ấy cũng không muốn thực hiện nếu sự thay đổi đó đe dọa quyền lực của mình”, giáo sư Koh Yu Hwan thuộc Đại học Dongguk ở Seoul, Hàn Quốc nhận định.

Kỳ đại hội sắp diễn ra cũng cho thấy sự cô lập ngoại giao gia tăng của Kim Jong Un. Khi lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành, ông nội của ông Kim Jong Un, tổ chức kỳ đại hội đảng cách đây 36 năm, Triều Tiên có một nền kinh tế khả quan hơn và sự kiện đã có sự tham dự của đại biểu từ hơn 100 quốc gia. Theo các chuyên gia, ở thời điểm đó, nền kinh tế Triều Tiên được thế giới xem là “sự thần kỳ”.

Ông Kim Jong sẽ chuyển dịch trọng tâm đầu tư cho quân sự sang hoạch định chính sách kinh tế để phát triển đất nước?

Nhưng năm nay, không có ghi nhận có một đoàn đại biểu nước ngoài nào dự kiến sẽ tới Bình Nhưỡng để tham dự đại hội, và nền kinh tế Triều Tiên hiện chỉ có quy mô bằng một phần nhỏ so với kinh tế Hàn Quốc.

Từ khi Kim Jong Un lên cầm quyền, người dân Triều Tiên tiếp tục phải dựa vào thị trường phi chính thức, hay còn gọi là “chợ đen”, để tránh nguy cơ bị đói. Thị trường phi chính thức đã chia sẻ gánh nặng nuôi sống 25 triệu người dân nước này. Theo các nhà phân tích có mối liên lạc ở Triều Tiên, Kim Jong Un đã cho phép tăng đầu tư tư nhân và để người nông dân được nhận một phần lớn hơn sản lượng dôi dư.

Theo những người Triều Tiên bỏ trốn khỏi đất nước, hàng trăm “chợ đen” đã mọc lên trên khắp nước này, và người dân dựa vào đó để mua lương thực-thực phẩm. Hàng hóa từ Trung Quốc, bao gồm thẻ nhớ, và đĩa CD, VCD âm nhạc và phim ảnh Hàn Quốc và phương Tây, rất được ưa chuộng, thậm chí là những người thuộc tầng lớp tinh hoa chính trị Triều Tiên cũng săn lùng.

Từng hứa sẽ không bao giờ để người dân “phải thắt lưng buộc bụng thêm lần nữa”, nhưng ông Kim Jong Un vẫn duy trì quan điểm của các nhà lãnh đạo Triều Tiên tiền nhiệm cho rằng thị trường có thể trở thành mạch dẫn cho thông tin từ bên ngoài, gây ra sự hoài nghi của người dân trong nước.

“Xét cho cùng, điều quan trọng nhất [đối với Kim Jong Un] vẫn là duy trì quyền lực. Ở Triều Tiên, quyền lực là tài sản cá nhân, vì nó được thừa kế, và Kim không muốn để mất quyền lực”, giáo sư Lee Ji Sue thuộc Đại học Myongji ở Seoul, đánh giá.

Theo Vneconomy