|
Bia bán bên trong một nhà hàng - Ảnh: Minh Khuê |
Hiệp hội Bia – Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), dựa trên ý kiến các hội viên, đã có văn bản chính thức gửi lên Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan kiến nghị về một số điều chưa hợp lý trong Nghị định 108 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành môt số điều của Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB.
VBA cho rằng Nghị định 108 quy định cách tính thuế TTĐB đối với hàng hóa nhập khẩu theo giá bán ra thay vì theo giá nhập khẩu như trước đây là chưa đảm bảo sự thống nhất với các văn bản thuế của Luật thuế TTĐB hiện hành. Và điều đáng chú ý là việc áp dụng mức giá tính thuế TTĐB bắt đầu từ ngày 1-1 tới chỉ sau 2 tháng ban hành Nghị định là quá sớm, sẽ gây ảnh hưởng lớn đối với kế hoạch và hoạt động tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp.
Cụ thể tại Khoản 1 của Điều 4 về “Giá tính thuế” có sửa như sau: “Đối với hàng hóa nhập khẩu (trừ xăng các loại) là giá do cơ sở kinh doanh nhập khẩu bán ra”. Theo VBA, khi đưa ra thay đổi như vậy thì Nghị định 108 đã gây ra mâu thuẫn với các Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt hiện đang có hiệu lực (Luật 27 và 70), không có sự thống nhất về văn bản quy phạm pháp luật vốn được quy định tại các Điều 3, 60 của Luật số 17/2008/QH12 và Điều 14 của Luật số 80/2015/QH13.
Ngoài ra, Nghị định cũng gây nhiều tác động lên hoạt động kinh doanh và tài chính của các doanh nghiệp nhập khẩu bia, rượu. Tại Điều 7 của Nghị định 108 có điều khoản về khấu trừ thuế TTĐB đã nộp tại khâu nhập khẩu, nhưng cách tính thuế mới lại có thể làm tăng thuế TTĐB khoảng từ 60%-150%. Điều này cộng với kế hoạch tăng thuế TTĐB 15% như trong Luật 70 dẫn đến giá thành sản phẩm có thể tăng rất cao ngay khi Nghị định có hiệu lực vào ngày 1-1-2016 tới.
VBA cho rằng khi xây dựng các kế hoạch sản xuất kinh doanh ngắn hạn và dài hạn, các doanh nghiệp phải dựa vào các quy định hiện hành. Vì vậy, luật lệ khi thay đổi như vậy sẽ gây khó khăn lớn và có thể khiến doanh nghiệp phải ngừng hoạt động.
Ngoài ra, theo VBA, việc áp dụng cách tính thuế mới cũng gây ra bất hợp lý và khó khăn trong hoạt động xác định và quyết toán thuế TTĐB của doanh nghiệp nhập khẩu. Trên thực tế, doanh nghiệp nhập khẩu không thể và cũng không được phép (theo Luật Cạnh tranh) kiểm soát giá bán ra của cơ sở thương mại độc lập. Việc áp dụng cách thuế TTĐB mới nhằm tạo ra hiệu quả thu thuế tốt nhất từ các công ty sản xuất sẽ gặp khó khăn trong khâu thực thi cũng như vấn đề tuân thủ Luật Cạnh tranh.
Với những điểm nêu trên, cộng với việc Luật sửa đổi, bổ sung một số điều các Luật về thuế, vốn là cơ sở của Nghị định 108 chưa được Quốc hội khóa XIII thông qua, Hiệp hội đề nghị lùi việc điều chỉnh thời gian có hiệu lực thêm ít nhất là một năm, tức từ ngày 1-1-2017, để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị.
Đây được xem là khoảng thời gian hết sức cần thiết để giúp các doanh nghiệp có thế thích nghi đối với sự thay đổi chính sách vĩ mô, và có thời gian làm việc với các đối tác, hệ thống phân phối để thích ứng với thay đổi.
Theo VBA, kinh nghiệm tại các nước cũng cho thấy việc tăng thuế TTĐB có thể có tác dụng làm tăng nguồn thu ngân sách ngắn hạn nhưng về dài hạn, nó sẽ khiến giá hàng nhập khẩu tăng cao, vô hình chung kích thích các hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng trốn thuế. Ngoài ra, đồ uống có cồn nhập khẩu mới chỉ chiếm một lượng không lớn trong thị trường đồ uống Việt Nam.
Theo TBKTSG