|
Kiến lửa đỏ ở Texas |
Theo một nghiên cứu mới được công bố trên Tập san khoa học PNAS, sự lây nhiễm của nấm gây bệnh Myrmecomorba nylanderiae có khả năm làm kiến lửa đỏ, loài đã "điên cuồng" xâm chiếm Texas bị tuyệt chủng số lượng lớn.
Trong một nghiên cứu trên 15 quần thể kiến suốt 8 năm, các nhà khoa học đã đánh giá rằng, khi nấm gây bệnh Myrmecomorba nylanderiae xuất hiện, khoảng 62% quần thể kiến lửa đỏ đã hoàn toàn biến mất. Như vậy, mọi quần thể kiến chứa mầm bệnh nấm đều sẽ bị giảm số lượng.
Cụ thể, nấm Myrmecomorba nylanderiae tiết một chất gây bệnh, xâm nhập vào cơ thể các con côn trùng như kiến lửa đỏ, chiếm đoạt tế bào mỡ của chúng và biến nó thành nhà máy sản xuất bào tử. Từ đó, tuổi thọ của kiến thợ bị rút ngắn, khiến quần thể kiến khó có thể sống sót qua mùa đông.
Trước đó, các nhà khoa học từ Đại học Texas (một bang lớn của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ) cho biết, loài kiến lửa đỏ này có nguồn gốc từ Nam Mỹ, thường rất hung dữ và có nọc độc, gây nên chứng đau đầu cho mỗi con người trong gia đình mà chúng ghé qua.
Trong 20 năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã thấy được sự tàn phá khủng khiếp của kiến lửa đỏ đối với vùng đông nam Hoa Kỳ, đặc biệt là bang Texas. Chúng không chỉ là nỗi ám ảnh của con người mà còn khiến côn trùng bản địa cũng như các động vật nhỏ phải tránh xa, thậm chí, đã có trường hợp ghi nhận, một con thỏ con bị mù do nhiễm độc axit từ loài này.
Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn nghi ngờ về khả năng gây ra sự tuyệt chủng cục bộ cho kiến lửa đỏ của nấm Myrmecomorba nylanderiae. Vì vậy, họ đã tiến hành một nghiên cứu mới tại Công viên Tiểu bang Estero Llano Grande ở Weslaco, Texas, vào năm 2016.
Họ đưa những con kiến bị nhiễm nấm bệnh thu thập được từ các địa điểm khác nhau vào các tổ của kiến lửa đỏ. Kết quả không có gì bất ngờ khi sau 1 năm, bệnh nấm đã lây lan sang toàn bộ quần thể kiến và sau 2 năm, số lượng kiến trong tổ đã bị sụt giảm nghiêm trọng.