|
Sau kiểm toán, doanh thu hợp nhất của HVG đã giảm 24% về chỉ còn đạt 8.396 tỷ đồng (Trước kiểm toán, doanh thu tự lập của công ty là 11.069 tỷ đồng). Tuy nhiên, sau khi trừ đi giá vốn hàng bán thì lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ lại tăng 7% lên mức 687 tỷ đồng.
Đáng chú ý, phần lợi nhuận từ công ty liên kết, liên doanh của HVG sau kiểm toán đã giảm 202%, từ 28,8 tỷ đồng xuống còn âm 29 tỷ đồng. Các khoản thu nhập khác hay lợi nhuận khác cũng giảm đáng kể, lần lượt giảm 40% và 44%.
Vì vậy, lợi nhuận sau thuế hợp nhất sau kiểm toán cũng giảm tới 45%, chỉ đạt 39,2 tỷ đồng, EPS tương đương 58 đồng (trước kiểm toán là 210 đồng). Trong đó, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 23,8 tỷ đồng (-58%), đạt 17,5 tỷ đồng.
Giải trình KQKD hợp nhất giữa niên độ 2016 số trước soát xét và sau soát xét, trong văn bản được ký bởi Tổng Giám đốc Dương Ngọc Minh, HVG cho biết các điều chỉnh trọng yếu của kiểm toán là: Loại trừ lợi nhuận chưa thực hiện của các nghiệp vụ mua bán nội bộ (1); Trích lập các khoản dự phòng (2).
Liên quan đến báo cáo tài chính bán niên trước kiểm toán của HVG, nên biết, ngày 7/5/2016, công ty này cũng đã có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và SGD Chứng khoán TP. HCM để đính chính một số chỉ tiêu do sai sót kế toán (chưa cập nhật bút toán liên quan đến việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông).
Tại văn bản này, HVG điều chỉnh tăng vốn chủ sở hữu từ 1.892 tỷ đồng lên thành 2.270 tỷ đồng, đồng thời, lại điều chỉnh giảm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối từ 615 tỷ đồng xuống còn 237 tỷ đồng.
X.T