Kiểm soát thuốc lá là cuộc chiến giữa bảo vệ sức khoẻ người dân với ngành công nghiệp thuốc lá

Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Bộ Y tế - khẳng định việc chống lại thuốc lá là cuộc chiến giữa một bên bảo vệ sức khoẻ với một bên là ngành công nghiệp thuốc lá.

Nhiều tổ chức không thiết lập quan hệ đối tác với các công ty sản xuất thuốc lá

Sáng 3/10, tại Vĩnh Phúc, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo về tăng cường năng lực triển khai thực hiện Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) và Điều 5.3 FCTC tại Việt Nam.

Năm 2004, Chủ tịch nước Việt Nam đã phê duyệt Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) của WHO, nhằm bảo vệ sức khoẻ các thế hệ cũng như xã hội, môi trường và kinh tế do thuốc lá. Tuy nhiên, thành quả này đang bị đe doạ bởi sự xuất hiện của thuốc lá mới.

Tại hội thảo, bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, chủ trì hội thảo - nhấn mạnh: Điều 5.3 của Công ước quy định khi hoạch định các chính sách liên quan đến y tế công cộng, các cơ quan làm chính sách phải lưu ý để không bị các lợi ích về thương mại và các lợi ích khác tác động. Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định 178 với nhiều nội dung tránh để lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách hay lợi ích cục bộ.

Bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế

Để tránh vi phạm Quy định của Bộ Chính trị về tham nhũng lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách cũng như Công ước, Bộ Y tế tổ chức hội thảo nhằm cung cấp thông tin về kiểm soát thuốc lá.

Tại hội thảo, đại diện của WHO tại Việt Nam, BS. Nguyễn Tuấn Lâm cho biết: Mỗi năm thế giới có 8 triệu ca tử vong do thuốc lá, do liên quan đến 11 loại ung thư, cùng 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động, trong đó, 64% số tử vong là nữ; 165.000 ca tử vong là ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Theo BS. Lâm, ngành công nghiệp thuốc lá (CNTL) sử dụng các hoạt động tài trợ và danh nghĩa khoa học để đánh bóng hình ảnh và gây ảnh hưởng như thành lập Quỹ “Vì một thế giới không khói thuốc lá”, nhưng lại do công ty sản xuất thuốc lá hàng đầu thế giới Moris tài trợ, nhắm tới tài trợ các nghiên cứu về phòng, chống tác hại thuốc lá. Một số tổ chức gần đây xuất hiện như CAPHRA, Factasia and Institute R Street đã lấy danh nghĩa khoa học để gây ảnh hưởng tới chính phủ.

“Bộ Y tế Việt Nam đã có phản ứng kịp thời và phù hợp trong vai trò bảo vệ sức khoẻ mọi người ở Việt Nam” - ông Lâm chia sẻ.

BS. Nguyễn Tuấn Lâm - Văn phòng WHO tại Việt Nam

Bà Lê Thị Thu, đại diện Tổ chức Chiến dịch vì Trẻ em không thuốc lá, Hoa Kỳ, cho biết kinh nghiệm quốc tế về thực thi Điều 5.3 FCTC: Liên Hợp Quốc (UN, 193 quốc gia thành viên) ra Nghị quyết 66/2 Đại hội đồng Liên hợp quốc “Thừa nhận có mâu thuẫn quyền lợi giữa ngành CNTL và y tế công cộng”.

Hội chữ thập đỏ Quốc tế (190 quốc gia thành viên) không thiết lập quan hệ đối tác với các công ty sản xuất hoặc buôn bán sản phẩm đã được chứng minh là có hại đối với sức khỏe con người (gồm thuốc lá)” và từ chối nhận tài trợ của ngành CNTL.

Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cũng “Từ chối quan hệ đối tác với CNTL và tổ chức thuốc lá”.

UNDP tuyên bố không hợp tác với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hoặc phân phối thuốc lá.

UNESCO cũng cấm bất kỳ khối tư nhân nào tham gia "sản xuất hoặc phân phối thuốc lá” tài trợ, hợp tác với UNESCO.

Worldbank không cho vay trực tiếp, đầu tư hoặc bảo lãnh đầu tư, cho vay đối với sản xuất, chế biến hoặc tiếp thị thuốc lá.

Chính phủ nhiều nước như Úc, Phillipines, Thái Lan đều có biện pháp không cho phép CNTL tham gia vào xây dựng chính sách.

Bà Lê Thị Thu, đại diện Tổ chức Chiến dịch vì Trẻ em không thuốc lá, Hoa Kỳ

Theo bà Thu, cần bảo vệ chính sách y tế công cộng về kiểm soát thuốc lá khỏi ảnh hưởng tiêu cực do lợi ích riêng của ngành CNTL là thách thức nhưng quan trọng. Chính phủ cần đầu tư xây dựng các chính sách và văn bản để thực hiện Điều 5.3 WHO FCTC.

Chuyên gia kinh tế Đào Thế Sơn

Chuyên gia kinh tế Đào Thế Sơn chỉ ra những kết luận thường bị làm sai lệch khi cho rằng thuốc lá điện tử là giải pháp cai nghiện, vì giảm tác hại, nhưng thực ra, thuốc lá mới có hại như thuốc lá truyền thống.

“Đặc biệt, có bằng chứng thể hiện tương tác có khả năng phi đạo đức giữa ngành CNTL và những cá nhân quan trọng tham gia vào chính sách và nghiên cứu y tế công cộng” - ông Sơn cho hay.

Nguy cơ tạo ra thế hệ trẻ nghiện nicotine nếu không ngăn chặn thuốc lá mới

Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Bộ Y tế - khẳng định việc chống lại thuốc lá là cuộc chiến giữa một bên bảo vệ sức khoẻ với một bên là ngành CNTL.

Chủ tịch nước Việt Nam đã phê chuẩn FCTC từ 2004 và sau nhiều năm nỗ lực, Việt Nam mới đạt được những kết quả đáng kể, thì lại bị thuốc lá mới đe doạ thành quả đó.

WHO khẳng định thuốc lá điện tử (TLĐT) và thuốc lá nung nóng (TLNN) không có tác dụng giảm hại hay cai nghiện như ngành CNTL tuyên bố, mà chứa nicotine là chất gây nghiện cao, gây hại đến sức khỏe đặc biệt là sự phát triển não bộ ở trẻ em và thanh thiếu niên; có các hoá chất độc hại và gây ung thư như aceton, acrolein, acet-aldehyde, formaldehyde và kim loại (chì, crom, niken và fomandehit) vv…

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) không phê duyệt sản phẩm TLNN là “giảm hại” và bác bỏ tuyên bố rằng việc sử dụng sản phẩm này ít gây hại hơn so với các sản phẩm thuốc lá khác.

Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Bộ Y tế

Ông Khoa khẳng định: Nếu không ngăn chặn kịp thời, thuốc lá mới sẽ có nguy cơ tạo ra một thế hệ trẻ nghiện nicotine và kết quả hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá mà chúng ta đạt được trong nhiều năm qua sẽ bị phá bỏ. Do tác hại nghiêm trọng của các sản phẩm thuốc lá mới tới sức khoẻ, đặc biệt là thế hệ trẻ, nên chúng ta phải quyết liệt ngăn chặn việc sử dụng trước khi quá muộn.

Ông Phan Hiếu - đại diện Vụ Pháp chế Bộ Y tế - nhấn mạnh: Tất cả các cơ quan có thẩm quyền khi xây dựng chính sách không ban hành hoặc tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thể hiện lợi ích nhóm, cục bộ; Không nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc các lợi ích khác dưới mọi hình thức để ban hành hoặc tác động đến cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật nhằm ban hành có nội dung thể hiện lợi ích nhóm, cục bộ; Không Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong công tác xây dựng pháp luật để định hướng truyền thông không bảo đảm khách quan và không đúng sự thật về nội dung chính sách trong công tác xây dựng pháp luật vì vụ lợi; Không lạm quyền, câu kết với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác để trục lợi trong công tác xây dựng pháp luật.

Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng cán bộ, công chức, ngành Y tế đưa ra những thông tin chưa được kiểm chứng, gây hiểu nhầm cho người dân về TLĐT, TLNN và các sản phẩm thuốc lá mới, hay vi phạm Công ước Khung và Quy định178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.