Kích hoạt hệ thống phòng dịch COVID-19 cao nhất, bảo vệ bệnh viện

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo kích hoạt hệ thống phòng dịch COVID-19 cao nhất, ưu tiên 10 hoạt động các bệnh viện làm ngay để chủ động ứng phó với COVID-19.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo kích hoạt hệ thống phòng dịch COVID-19 cao nhất - Ảnh: TTBC
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo kích hoạt hệ thống phòng dịch COVID-19 cao nhất - Ảnh: TTBC

Mỗi ngày 3 lần công bố bệnh nhân mới

Tại cuộc họp chiều 11/5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo: “Tình hình dịch bệnh COVID-19 đợt bùng phát thứ 4 đang diễn biến phức tạp, đã lan ra tới 26 tỉnh, thành trên cả nước, với nhiều địa phương có số ca nhiễm bệnh lớn như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang… và đã có nhiều bệnh viện bị phong toả do dịch bệnh lây lan nhanh trong bệnh viện”.

“Đặc biệt nhiều tỉnh thành đã có bệnh nhân nhiễm virus biến chủng mới B1.167.2 từ Ấn Độ lây lan cực nhanh và kháng mọi sự bảo vệ cũng như vaccine khó có tác dụng (theo công bố chính thức của Tổ chức y tế thế giới), chúng ta phải kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng dịch cao nhất, đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu, nhà hàng chỉ được phép đón không quá 30 khách” – Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo.

Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị tất cả cán bộ không đi ăn ngoài trong giai đoạn này, ngoài giờ làm việc nên về ăn cơm với gia đình, hạn chế giao lưu tiếp khách ở các nhà hàng, bởi nếu như chỉ cần có một ca dương tính lên trong cộng đồng mà phải phong toả cơ quan nhà nước thì hình ảnh này sẽ gây mất lòng tin trong nhân dân.

“Mặc dù mới chỉ xuất hiện 1 ca nhiễm cộng đồng liên quan đến chuỗi lây nhiễm từ tỉnh Hà Nam, đồng thời về kinh tế TP.HCM có những tín hiệu tích cực, nhưng chúng ta không được chủ quan, vẫn phải xác định buộc phải kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng dịch ở mức cao nhất, bởi vì TP.HCM có số dân đông và rất nhiều hướng nguy cơ dịch xâm nhập. Hơn nữa, thời gian qua, nhiều bệnh nhân tái dương tính, cũng như các ca nhiễm mới rất nhiều trường hợp đã dương tính sau thời gian cách ly và đã có kết quả xét nghiệm âm tính” – Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

"Buộc phải chuẩn bị phương án kịch bản nếu xảy ra dịch bệnh trên diện rộng. Huy động sinh viên Đại học Y dược TP.HCM và các trường y vào cuộc nếu phải lấy mẫu xét nghiệm số lượng lớn, đảm bảo đạt mức xét nghiệm 50.000 mẫu/1 ngày. Xây dựng thêm BV dã chiến, nếu cần" - Ông Phong chỉ đạo.

“Ngày 2/6 tới sẽ có kỳ thi vào lớp 10 và đầu tháng 7 tới là kỳ thi tốt nghiệp THPT, đề nghị Sở Giáo dục phối hợp với lực lượng chức năng để bảo vệ các điểm thi. Đề nghị Sở Y tế lưu ý kế hoạch bảo vệ phòng, chống COVID-19 cho bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp” – Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nói.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - Ảnh: TTBC

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - Ảnh: TTBC

“Hiện nay, tình hình dịch bệnh đã trở nên căng thẳng hơn trước rất nhiều, mỗi ngày có tới 3 thời điểm công bố cập nhật bệnh nhân mới vào sáng, trưa và chiều. Để nghị tất cả các nhà hàng ăn uống phải thực hiện giãn cách 2 m và chỉ được tiếp đón tối đa là 30 người. Cơ quan chức năng cũng đã nhận được đơn tố giác nhiều nhà hàng cố tình hoạt động trái phép dù đã có quyết định dừng hoạt động. Nếu có ca nhiễm mới trong cộng đồng liên quan đến các địa điểm này, khi đó chủ nhà hàng chắc chắn sẽ bị phạt rất nặng bởi vì việc này ảnh hưởng cực kỳ lớn đến đời sống của người dân thành phố” – Ông Dương Anh Đức khẳng định.

10 việc làm ngay để bảo vệ bệnh viện

Qua công tác kiểm tra đột xuất các BV trung ương, BV tuyến cuối của Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh 10 hoạt động ưu tiên, các bệnh viện cần làm ngay để chủ động ứng phó với COVID-19 trong tình hình hiện nay.

Hình thành khu vực khai báo y tế, buồng khám sàng lọc, buồng cấp cứu sàng lọc tách rời khỏi khối nhà hiện hữu của BV, có lối đi riêng. Nếu vì điều kiện khách quan chưa thực hiện được, phải bố trí khu vực này nằm ở vị trí tương đối tách biệt với khoa Khám bệnh và có lối đi riêng.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - Ảnh: TTBC

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - Ảnh: TTBC

Triển khai nghiêm túc khai báo điện tử cho tất cả mọi người khi đến bệnh viện. Lưu ý: bắt buộc phải thực hiện khâu “check-in” để xác nhận người bệnh đã vào bệnh viện, BV cần trang bị máy quét để thực hiện khâu này.

Bố trí nhân viên đã được tập huấn thường trực tại khu vực khai báo y tế, buồng khám sàng lọc, buồng cấp cứu sàng lọc. Đảm bảo kịp thời phát hiện người khai báo y tế thuộc nhóm nguy cơ để hướng dẫn đến buồng khám sàng lọc ngay.

Bệnh viện cần có quy định cụ thể về các thời điểm cần sàng lọc người bệnh, thân nhân người bệnh, học sinh, sinh viên,… Thực hiện sàng lọc nhiều cấp: tại cổng bệnh viện, tại khoa Khám bệnh, tại mỗi khoa lâm sàng. Ban hành quy định các bác sĩ, điều dưỡng khi tiếp nhận bệnh nhân mới, khi đi buồng bệnh cần tiếp tục khai thác yếu tố dịch tễ để sàng lọc lại,... kịp thời phát hiện người có yếu tố nguy cơ để cách ly ngay.

Tăng cường năng lực xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 của bệnh viện. Triển khai xét nghiệm tầm soát (xét nghiệm nhanh kháng nguyên, RT PCR) định kỳ cho nhân viên và bệnh nhân theo quy định của Bộ Y tế. Các bệnh viện phấn đấu có ít nhất 1 hệ thống xét nghiệm Realtime PCR cho mỗi 300 giường bệnh, và có đủ điều kiện, năng lực xét nghiệm tìm SAR-CoV-2.

Sẵn sàng các buồng cách ly tại mỗi khoa, ban hành quy định nội bộ về sử dụng buồng cách ly, quy định về lối đi tách biệt từ buồng khám sàng lọc, buồng cấp cứu sàng lọc lên các buồng cách ly tại các khoa.

Không tổ chức người thân thăm bệnh tại các bệnh viện. Chỉ định nhập viện khi thật sự cần thiết, rút ngắn thời gian nằm viện nếu có thể. Chỉ chuyển tuyến khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính. Không tổ chức hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn… tập trung đông người, thay vào đó, triển khai bằng hình thức trực tuyến.

Rà soát, bổ sung đảm bảo luôn sẵn sàng các phương tiện, trang thiết bị cần thiết cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong bệnh viện. Xây dựng các kịch bản từ đơn giản đến phức tạp nhất, các giải pháp tương ứng các kịch bản, tổ chức diễn tập và rút kinh nghiệm. Lập kế hoạch đảm bảo đủ nguồn nhân lực trong mọi tình huống.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhân viên y tế - Ảnh: Hoà Bình ghép
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhân viên y tế - Ảnh: Hoà Bình ghép

Tổ chức tiêm chủng cho tất cả nhân viên bệnh viện, tuân thủ nghiêm các quy định về tiêm chủng, đặc biệt lưu ý phát hiện và xử trí phản ứng phản vệ sau tiêm.

Hình thành tổ công tác liên khoa, phòng chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát sự tuân thủ của nhân viên đối với các hoạt động phòng, chống dịch đã được bệnh viện quy định (căn cứ vào các quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của Sở Y tế). Trong đó, đặc biệt quan tâm: đối chiếu sự tương xứng giữa kết quả khai báo y tế điện tử của nhóm bệnh nhân có nguy cơ có tương xứng với số lượt khám sàng lọc tại cùng một thời điểm hay không; sự tuân thủ các quy định về kiểm soát nhiểm khuẩn; việc triển khai các giải pháp giãn cách tại khoa Khám bệnh...