Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10:

Khuyến khích tinh thần doanh nhân bằng cách thiết lập nền tảng thể chế và pháp luật

Các chuyên gia cho rằng để khuyến khích, động viên ý chí, tinh thần doanh nhân và sức sáng tạo của người Việt, cần bắt đầu bằng thiết lập các nền tảng về thể chế và pháp luật.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp gỡ các doanh nhân tiêu biểu. Ảnh: VPCTN.

Cải cách thủ tục hành chính để “soi đường”

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan từ Trung ương đến địa phương đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng để cải tiến, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm phục vụ cho nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng.

Theo đánh giá của Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, thay đổi và cải tiến thủ tục hành chính đã làm được rất nhiều điều tốt, tuy nhiên ông vẫn băn khoăn thay vì cứ chạy theo việc tìm những vấn đề phát sinh và tìm cách sửa chữa thì cần phải tìm ra phương án mang tính dài hơi, ổn định và hiệu quả tốt hơn.

Từ thời Thủ tướng Phan Văn Khải, ông rất đề cao chuyện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực kinh doanh phục vụ doanh nghiệp cách đây đã 25 năm. Nhưng đến bây giờ, khi nhìn lại, ông Đức vẫn thấy rằng thủ tục hành chính vẫn còn nhiều vướng mắc.

“Chúng ta vẫn tăng trưởng, phát triển tốt nhưng phải chăng nếu thực sự có chính sách chuẩn, thủ tục thuận lợi hơn, tôi nghĩ rằng tăng trưởng sẽ tốt hơn và hiệu quả hơn nhiều”, vị luật sư nhấn mạnh.

Khi giải quyết được một vài vướng mắc dường như lại “đẻ” ra thêm những vướng mắc mới. Mấu chốt của những vướng mắc nằm ở chính những quy định, nội dung, từ đó mới phát sinh ra những yêu cầu phải có giấy tờ, thủ tục gì, thời gian, trình tự ra làm sao.

Theo luật sư, hiện tại, nhà nước đã quan tâm và xử lý được rất nhiều những vướng mắc ở phần ngọn, còn phần gốc cần phải có một “cuộc đại phẫu” mới có thể giải quyết được thực sự. Bên cạnh đó, theo ông Trương Thanh Đức, kể cả sau này nếu thủ tục hành chính có dài hơn, nhiều hơn nhưng quan trọng là phải công khai, minh bạch, rõ ràng và đơn giản thì không ai ngại thủ tục.

Thực tế, không chỉ người dân, doanh nghiệp mà ngay cả cơ quan chức năng, cán bộ, công chức nhiều trường hợp vẫn loay hoay, không biết xử lý như thế nào vì thủ tục hành chính quá nhiều.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI

Ông Đức lấy ví dụ, với ngành ngân hàng, hiện có khoảng 350 thông tư, hầu hết liên quan đến tổ chức tín dụng, doanh nghiệp. Và sau mỗi lần luật mới ban hành là sẽ đi kèm thêm khoảng 36-37 thông tư mới ra đời để hướng dẫn thực hiện luật mới, chưa kể còn rất nhiều thông tư cũ.

Như vậy, người dân và doanh nghiệp không thể theo dõi và nắm bắt hết điều đó. Chỉ luật cũng có đến hàng trăm văn bản, trong khi đó còn đến hàng nghìn thông tư, nghị định kèm theo, quả thực ai cũng lúng túng, rơi vào “mê hồn trận” của các loại văn bản.

Thậm chí, nếu đúng văn bản, thủ tục này thì lại sai văn bản, thủ tục kia. Trong khi quan điểm của nhà nước gần như không chấp nhận những sai sót kể cả khi người ta chẳng may sai sót do quy định pháp lý chồng chéo, mâu thuẫn hay nhận thức, năng lực.

“Tôi cho rằng, trường hợp như vậy chỉ là không được đánh giá cao chứ không có lỗi hay tội. Bản thân các cơ quan ban hành cũng gặp khó khăn trong việc đồng bộ, thống nhất được hệ thống văn bản quy phạm, do đó, không thể yêu cầu những người thực hiện có thể đúng tất cả những loại văn bản. Và điều quan trọng nhất trong việc ban hành văn bản thủ tục hành chính đó là chất lượng và hiệu quả, chứ không phải ban hành nhiều thì khó khăn còn ban hành ít thì thuận lợi”, luật sư Trương Thanh Đức nói.

Để thực sự giữ lửa trong cải cách thủ tục hành chính và để ngọn lửa ấy có thể soi đường chỉ lối cho các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phát triển, luật sư cho rằng ngoài Nghị định của Chính phủ, Nghị quyết của Trung ương về vấn đề trách nhiệm của cán bộ trong thực thi công vụ, có lẽ cần phải nhấn mạnh hơn nữa việc bảo vệ cán bộ để người ta mạnh dạn làm. Bởi quản lý nhà nước là để phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, nhà nước chứ không phải làm tròn trách nhiệm của mình. Nếu giữ tình trạng này, cán bộ sẽ không dám quyết tâm, quyết đoán để thực hiện linh hoạt các thủ tục hành chính.

Khuyến khích tinh thần bằng thiết lập nền tảng thể chế và pháp luật

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự, chia sẻ: “Tôi đã nhiều lần nói và viết về kinh tế tư nhân, với giai tầng này, một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh rằng đây mới là lực lượng thể hiện sức sống thực sự mãnh liệt của nền kinh tế. Lý do bắt nguồn từ bản năng kinh tế hay ý chí và khả năng tự lao động để nuôi sống mình của con người”.

Theo ông Lập, về nguyên tắc, kinh tế tư nhân không nhất thiết cần khuyến khích hay hỗ trợ từ phía nhà nước, nếu có chỉ là giải pháp tình thế và nhất thời. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân rất cần được tạo môi trường và các điều kiện để phát triển. Vậy, các điều kiện đó là gì?

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự.

Trước hết, theo ông Lập, đó là môi trường tự do không bị kìm hãm phát triển cả về quy mô và lĩnh vực, ngành nghề. Tự do trong nền kinh tế thị trường chính là sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp với nhau, không bị chi phối hay thao túng bởi vị thế độc quyền của “cá lớn” với “cá bé”.

Thứ hai, đó là chính sách, thái độ và sự ứng xử bình đẳng từ phía nhà nước khi tiến hành các biện pháp can thiệp vào quan hệ thị trường, đặc biệt trong khía cạnh phân bổ các nguồn lực của quốc gia.

Thứ ba, cần có một hệ thống pháp luật có hiệu lực, hiệu quả và minh bạch nhằm bảo vệ sở hữu tư nhân và khả năng thực thi các hợp đồng. Cuối cùng, để đương đầu với cạnh tranh quốc tế trong bối cảnh không tránh khỏi hội nhập, một nhà nước kiến tạo phát triển như chúng ta có thể có các biện pháp hỗ trợ nhất định trong giai đoạn hình thành và phát triển ban đầu của kinh tế tư nhân.

Trong quá trình xây dựng lực lượng kinh tế tư nhân không ngừng lớn mạnh, chúng ta đã đặt mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á vào năm 2030. Mục tiêu này được thể hiện rõ trong Nghị quyết 41 về xây dựng và phát huy vai trò của tầng lớp doanh nhân trong tình hình mới.

Trong bối cảnh như hiện nay, ông Lập cho rằng mục tiêu trên nên được coi là động lực để phấn đấu, không phải là đích đến cuối cùng. Bởi suy cho cùng, chính sách phát triển của bất kỳ quốc gia nào cũng đều nằm ở giải pháp thực hiện, hơn là mục tiêu.

Dù sao, cũng phải thừa nhận một thực tế khách quan, đó là sự hình thành của kinh tế tư nhân về cơ bản mang tính tự nhiên, theo cách tự do và tự chủ, hay nói một cách hình ảnh là “từ dưới lên”. Khác cơ bản với kinh tế nhà nước, đó là nền kinh tế được xây dựng “từ trên xuống” và hoàn toàn phụ thuộc vào các mục tiêu và định hướng chính sách của chính quyền. Do đó, các chỉ tiêu liên quan đến phát triển của kinh tế tư nhân nên có tính chất dự báo hơn là cái đích để phấn đấu đạt được.

“Như người ta nói “Thành Rome không thể xây trong một ngày”, muốn có phát triển bền vững chúng ta cần phải kiên nhẫn. Để khuyến khích, động viên ý chí, tinh thần doanh nhân và sức sáng tạo của người Việt, chúng ta cần bắt đầu bằng thiết lập các nền tảng về thể chế và pháp luật, sau đó là xây dựng môi trường văn hoá kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp.

Điều quan trọng là làm sao phát triển được các doanh nghiệp tư nhân trong nước, là lực lượng nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tránh sự phụ thuộc hay chi phối, dẫn dắt của đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài”, luật sư Nguyễn Tiến Lập bày tỏ.