|
Bệnh viện Dr. Sardjito nơi có 63 bệnh nhân chết vì thiếu oxy đêm 3/7 đã được cung cấp oxy trở lai từ ngày 4/7 (Ảnh: AP). |
Bệnh viện Đa khoa Bác sĩ Sardjito (Dr. Sardjito General Hospital) ở Yogyakarta, Java hôm 4/7 đưa ra thông báo cho biết, 63 bệnh nhân tử vong tại bệnh viện từ đêm 3 đến sáng 4/7 do nguồn cung oxy trong bệnh viện cạn kiệt. Sau khi được khẩn cấp tiếp viện 15 tấn oxy vào lúc 4h45 phút sáng ngày 4/7, bệnh viện mới quay trở lại hoạt động điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 bình thường. Hiện tại, bệnh viện chưa thể xác nhận liệu những người bệnh đã chết có phải là bệnh nhân COVID-19 hay không.
Bệnh viện cho biết họ đã cố gắng mua oxy dự trữ từ vài ngày trước, nhưng do số lượng bệnh nhân lây nhiễm COVID-19 đổ về quá nhiều từ hôm 2/7 khiến lượng oxy tiêu thụ hết nhanh hơn dự kiến.
|
Dân chúng xếp hàng rồng rắn đợi mua oxy tại một trạm cung cấp oxy (Ảnh: CNA) |
Để tránh tình trạng tương tự tái diễn, bà Siti Nadia Tarmizi, người phát ngôn của Lực lượng Đặc nhiệm Phòng chống Dịch bệnh Indonesia cho biết, chính phủ đã ra lệnh cho các nhà sản xuất nâng cao sản lượng oxy y tế để đáp ứng nhu cầu khoảng 800 tấn/ngày. "Chúng tôi cũng hy vọng mọi người không tích trữ oxy”, bà nói.
Hầu hết tất cả các bệnh viện trên đảo Java đều đã quá tải do chủng đột biến Delta có khả năng lây nhiễm mạnh. Ngày 4/7, Indonesia đã ghi nhận 27.913 trường hợp lây nhiễm mới và 555 ca tử vong. Tại thủ đô Jakarta, số người chết hàng ngày đã tăng gấp 10 lần kể từ đầu tháng 5. Tính đến cuối ngày 4/7, Indonesia đã ghi nhận 2.284.084 ca lây nhiễm và 60.582 người tử vong. Từ hơn một tuần qua, mức lây nhiễm luôn ở mức trên 25 ngàn ca mới/ngày.
Do số lượng bệnh nhân tăng đột biến, các bệnh viện chật kín, nhiều bệnh nhân chỉ có thể tự điều trị y tế tại nhà. Một số người dân cho biết giá các bình oxy y tế đã tăng chóng mặt từ 6 đến 10 lần, nhiều trạm tiếp liệu cho bình oxy ở Jakarta chật cứng với hàng dài người xếp hàng chờ nạp oxy.
|
Người dân mang bình đi mua oxy để người thân tự điều trị ở nhà do không có giường trong bệnh viện (Ảnh: CNA). |
Một người xếp hàng gần chợ Pasar Manggis ở phía nam Jakarta ngày 4/7 cho phóng viên RTI biết, bình oxy y tế loại 1 lít trước khi bùng phát dịch có giá khoảng 550.000 đến 750.000 rupiah, nay đã tăng lên từ 3 triệu đến 5 triệu rupiah Indonesia.
Giá oxy tại các trạm nạp oxy cũng tăng cao, chủ một trạm nạp cho biết, trước đây giá nạp đầy bình 1 lít là 15.000 rupiah Indonesia, nhưng hiện nay là 18.000 rupiah. Một số người nói rằng ở đây rẻ nhất, có một số nơi phải mất tới 75.000 rupiah.
Trang mạng truyền thông Indonesia Detik đưa tin, một phụ nữ nói rằng chồng cô được chẩn đoán nhiễm COVID-19, rất khó thở. "Bình oxy rất đắt. Tôi phải mua bình loại nhỏ với giá 5 triệu rupiah".
Báo Indonesia WARTAKOTA đưa tin, một phụ nữ trẻ tên là Nurdini mang theo một bình oxy y tế rỗng tới để nạp oxy, không khỏi nghẹn ngào khi nhìn thấy cảnh người xếp hàng rồng rắn. Cô nói với phóng viên WARTAKOTA rằng bố cô đang cấp cứu, khó thở và cảm thấy sắp ngạt thở, cô vội vàng tìm một vỏ bình dưỡng khí mang đi nạp oxy, nhưng không ngờ lại có nhiều người xếp hàng như vậy.
WARTAKOTA viết, những người khác trong hàng chờ đợi nhìn thấy Nurdini khóc lóc lo lắng, họ vội vàng nhường chỗ để cô lên mua trước. Nurdini cảm ơn rối rít trước sự thông cảm và giúp đỡ của mọi người. Nurdini nói rằng cô vất vả chạy tìm kiếm các trạm nạp oxy từ sáng sớm, và nhiều trạm đã không thể cung cấp oxy. Sau khi mua được oxy, cô vội vã về nhà bằng xe đạp.
|
Số người tử vong do COVID-19 tại Indonesia đang tăng nhanh (Ảnh: CNA). |
Trang mạng Detik đưa tin, ông chủ nhân của trạm nạp oxy này cho biết ngày nào cũng có thêm nhiều người mang bình oxy đến để nạp và lượng oxy cung cấp của ông phải đủ cho một tháng, nhưng ông cũng hạn chế mỗi người chỉ được nạp tối đa 5 bình một lần.
Không chỉ bình oxy y tế mà các loại thuốc khác dùng để điều trị bệnh COVID-19 cũng đang tăng giá. Bộ Y tế Indonesia ngày 3/7 đã ban hành một thông báo để thiết lập mức trần tối đa giá bán lẻ của 11 loại thuốc kháng virus như Remdesivir, Favipiravir và Oseltamivir...
Bộ Y tế Indonesia ra thông cáo báo chí nêu rõ việc cung cấp các loại thuốc liên quan là vấn đề nhân đạo, rất quan trọng đối với sức khỏe con người, nếu ai có hành vi tích trữ hoặc các hành vi bất hợp pháp cố tình thao túng giá, chính phủ sẽ kiên quyết nghiêm trị theo pháp luật.