Khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc kích thích dòng vốn đầu tư tìm đến thị trường chứng khoán Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Rút khỏi các thị trường mới nổi do lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc, dòng vốn đầu tư toàn cầu đang chứng kiến ‘sự chuyển dịch lớn’ và đổ xô vào thị trường chứng khoán Mỹ.

Dự án phát triển của Evergrande ở Dương Châu, Trung Quốc (Ảnh: Bloomberg)
Dự án phát triển của Evergrande ở Dương Châu, Trung Quốc (Ảnh: Bloomberg)

Khoảng 1/3 các nhà quản lý quỹ tham gia cuộc khảo sát mới đây của Bank of America cho rằng lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc sẽ là rủi ro lớn nhất cho sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu. Điều này thúc đẩy 'sự chuyển dịch mạnh mẽ' của dòng vốn đầu tư ra khỏi thị trường chứng khoán mới nổi và đổ về Mỹ.

Lĩnh vực bất động sản, chiếm khoảng 1/4 GDP của Trung Quốc, đã gặp khó khăn kể từ khi Evergrande vỡ nợ trái phiếu phát hành bằng đồng USD vào cuối năm 2021.

Gần đây, vấn đề càng trở nên trầm trọng khi Country Garden không thể thanh toán khoản nợ nước ngoài, làm tăng thêm mối lo ngại về tình trạng suy thoái kinh tế trên diện rộng và kéo tụt thị trường chứng khoán Trung Quốc vốn đã hứng chịu dòng vốn chảy ra kỷ lục từ các nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 8.

Country Garden đã tránh được tình trạng vỡ nợ kỹ thuật vào tuần trước bằng cách trả lãi trong thời gian ân hạn.

Đồng NDT của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 16 năm so với đồng USD vào tuần trước, vượt qua mức thấp nhất cách đây một năm khi phần lớn nước này bị phong tỏa theo chính sách zero-COVID. Kỳ vọng tăng trưởng của Trung Quốc cũng đã quay trở lại “mức thấp trong giai đoạn phong tỏa”, trong đó không có nhà đầu tư nào kỳ vọng nền kinh tế nước này sẽ mạnh lên trong 12 tháng tới.

Cuộc khảo sát mà Bank of America thực hiện với 258 nhà quản lý, tiền với tài sản được quản lý trị giá 678 tỉ USD cho thấy, các nhà đầu tư đang có tâm lý chuẩn bị đón nhận những tổn thất lớn hơn nữa đối với thị trường chứng khoán Trung Quốc, vốn đã tụt hậu rất xa so với thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ trong năm nay.

Chỉ hơn 1/5 các nhà quản lý được khảo sát cho biết họ nghĩ việc bán khống cổ phiếu Trung Quốc là giao dịch được thực hiện nhiều nhất trên thị trường tài chính, đặt cược vào sự gia tăng của các cổ phiếu công nghệ lớn mới được coi là giao dịch phổ biến hơn. Ngược lại, các nhà đầu tư bắt đầu quay trở lại với chứng khoán Mỹ.

Các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đã cố gắng giải quyết sự yếu kém trong lĩnh vực bất động sản bằng một loạt biện pháp kích thích vào tháng trước, bao gồm tăng trợ cấp thuế thu nhập cá nhân và giảm khoản trả trước thế chấp tối thiểu.

Tuy nhiên, những hành động này chưa đạt đến mức mà nhiều nhà đầu tư cho là cần thiết. Theo khảo sát của Bank of America, chỉ có 12% các nhà đầu tư mong đợi một gói kích thích tài chính lớn dưới dạng phát hành trái phiếu chính phủ. Chỉ hơn một nửa số nhà đầu tư kỳ vọng rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ đưa ra sự hỗ trợ có mục tiêu hơn nữa cho lĩnh vực bất động sản, trong khi 15% cho biết họ nghĩ rằng không có biện pháp kích thích có ý nghĩa nào sẽ được thực hiện./.

Theo Financial Times