Trước đó, vào giữa tháng 9/2017, UBND TP Hà Nội có văn bản số xin ý kiến các bộ ngành liên quan đối với đồ án Quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận.
Đồ án Quy hoạch khu vực ga Hà Nội có tổng diện tích 98,1ha. Tổng dân số của khu vực này được quy hoạch khoảng 44.000 người, trong đó có tái định cư tại chỗ dân số hiện trạng khoảng 40.300 người. Dự kiến tổng mức đầu tư xây dựng khoảng 23.800 tỉ đồng, thành phố sẽ đảm nhận khoảng 700 tỉ đồng.
TP Hà Nội đề xuất quy hoạch 9 phân vùng không gian chức năng cao 40-70 tầng, trong đó có 6 khu đề xuất xây dựng cao 40-70 tầng gồm: khu tài chính, khu kiến trúc bố cục ở phía bắc khu đất lập quy hoạch (cao 40-70 tầng); khu truyền thông bố cục phía đông khu đất (cao 40-70 tầng); khu lối sống mới bố cục phía tây nam khu đất (cao 40 - 60 tầng); khu nghỉ dưỡng đô thị tại khu vực trung tâm quy hoạch (cao 40-60 tầng) và khu ga đường sắt cao ở khu vực trung tâm khu quy hoạch (cao 40-70 tầng). Ngoài ra, có 3 khu vực thấp tầng gồm: khu văn hóa thấp tầng (phía bắc khu đất); khu công viên (phía đông khu đất); khu thương mại quốc tế (phía tây nam khu đất).
Mới đây, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản góp ý kiến xây dựng đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận, tỉ lệ 1/2.000. Bộ Xây dựng cho rằng các quy hoạch phân khu do Hà Nội lập tại đây chưa được phê duyệt nên chưa có cơ sở xác định chiều cao và số lượng công trình cao tầng. Khu vực nghiên cứu Quy hoạch phân khu đô thị ga Hà Nội nằm trên địa bàn 4 quận nội thành, là khu nội đô lịch sử hạn chế phát triển, không xây dựng nhà ở cao tầng mới và gia tăng dân số.
Bộ Xây dựng đã có văn bản góp ý cụ thể về nội dung của các đồ án Quy hoạch phân khu đô thị H1-3, H1-1 và H1-4, trong đó yêu cầu có giải pháp quy hoạch cụ thể đối với khu vực ga Hà Nội trước khi phê duyệt đồ án quy hoạch.
Theo Bộ Xây dựng, với đề xuất nhiều nội dung cải tạo chỉnh trang đô thị với quy mô lớn về xây dựng công trình ngầm và công trình nổi, tái định cư, trong đó xây dựng mới một số công trình cao tầng (từ 40-70 tầng, chiều cao tới 200m) sẽ có tác động lớn về giao thông và không gian kiến trúc - cảnh quan đô thị đối với khu vực ga nói riêng và khu nội đô lịch sử Hà Nội nói chung, chưa phù hợp với quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011.
Bên cạnh đó, dân số khu vực này khoảng 40.300 người, dự kiến sau quy hoạch sẽ tăng lên khoảng 44.000 người (tương đương 10%). Ngoài ra, việc hình thành các loại hình dịch vụ thương mại, tài chính, vui chơi giải trí… sẽ làm tăng một số lượng lớn khách vãng lai đến sử dụng các dịch vụ trong khu vực.
Vì vậy, quy hoạch phân khu cần nghiên cứu, dự báo và tính toán kỹ về dân số để đảm bảo không gây ra tình trạng quá tải về cở sở hạ tầng đô thị, đặc biệt là giao thông.
Đồ án của Hà Nội cũng chưa phân tích, tính toán đầy đủ khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống giao thông đô thị đối với việc gia tăng dân số và hình thành các công trình cao tầng, đa năng, dịch vụ tổng hợp.
Do đó, cần bổ sung và làm rõ quy mô dự báo nhu cầu giao thông cho từng loại hình giao thông trong khu vực (đường bộ, đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị), đặc biệt là dự báo lưu lượng hành khách của các tuyến đường sắt đô thị đường sắt đô thị số 1, số 3 và tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị Hà Nội làm rõ giải pháp và sự gắn kết giữa hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, công nghệ quản lý khai thác gắn với mạng lưới đường bộ, đường hầm đi bộ, giải pháp quy hoạch sử dụng đất và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác (cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc…) nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong quy hoạch và đầu tư xây dựng.
Bổ sung và làm rõ các nội dụng tiếp thu, giải thích các ý kiến góp ý của các tổ chức, các nhân và nhân dân trong khu vực trong quá trình lập, thẩm định quy hoạch.