|
Phun khử sát khuẩn tại các trường học. Ảnh: HB. |
Vấn đề về hiệu quả phun khử khuẩn bằng Cloramin B trong phòng dịch COVID-19 hiệu quả ra sao, là một nội dung quan trọng được đặt ra trong buổi tập huấn của Trường Đại học Y Hà Nội cho các sinh viên trong Đội ứng phó nhanh phòng, chống dịch COVID-19, diễn ra chiều tối qua. ngày 13/3.
Tại buổi tập huấn, chuyên gia truyền nhiễm Vũ Quốc Đạt - giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội và là thành viên Mạng lưới đánh giá và ứng phó về lâm sàng các bệnh mới nổi của WHO - cho biết Cloramin B là chất khử trùng diệt khuẩn được Bộ Y tế Việt Nam và Tổ chức Y tế thế giới khuyên dùng để sát khuẩn tại bệnh viện, gia đình, các khu vực công cộng hoặc trên các bề mặt.
Tuy nhiên, trong giai đoạn ứng phó dịch COVID-19, nhiều người băn khoăn về khả năng tiêu diệt virus SARS-CoV-2 thực sự đến đâu, khi hiện nay, việc phun dung dịch sát khuẩn đang được tiến hành ở tất cả các nơi có người cách ly.
Trao đổi về việc này, BS. Vũ Quốc Đạt cho rằng, hiện nay Cloramin B được sử dụng để diệt khuẩn để phòng ngừa tất cả các dịch khác nhau trong y học dự phòng, từ các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như dịch tả, bệnh truyền qua vector như dịch sốt xuất huyết cho đến các bệnh lây truyền qua đường hô hấp như COVID-19 cũng đều dùng Cloramin B để khử khuẩn.
Anh nhận định, hiệu quả của phun Cloramin B là tương đối khiêm tốn đối với các bệnh do virus, nên việc phun mù trong khoảng không hầu như không có tác dụng.
Tuy nhiên, BS. Đạt cho rằng nếu chỉ nói về hiệu quả của việc phun Cloramin B thì đã “bỏ sót một vé đằng sau quan trọng hơn: Khi phun mù Cloramin B trong không gian thì hiệu quả gây ra sẽ làm ướt tất cả các đồ vật ở đó và nhiệm vụ tiếp theo là người ta lấy khăn để lau nó đi”.
Công đoạn thứ hai tạo ra một hiệu quả tốt nhất đối đối với công tác phòng bệnh đặc biệt là đối với virus lây qua đường hô hấp: Chính là công tác khử khuẩn bề mặt.
“Nếu chúng ta phun nước rồi lau thì chắc chắn không thể tốt bằng việc phun một dung dịch có khả năng sát khuẩn (như Cloramin B), sau đó lau sạch bề mặt đồ dùng, vật dụng để khử khuẩn”, BS. Vũ Quốc Đạt nói.