Khu đô thị Dầu khí Đức Giang và bóng hình ông Đức “cá tầm“

VietTimes -- Công ty TNHH Đầu tư Phát triển LNP vừa được UBND TP Hà Nội giao lập đồ án quy hoạch chi tiết Khu đô thị Dầu khí Đức Giang, tỷ lệ 1/500, tại xã Đức Giang và thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức.
Công ty TNHH Đầu tư Phát triển LNP có thể được xem như một thành viên trong "hệ sinh thái" doanh nghiệp của ông Đức "Cá tầm".
Công ty TNHH Đầu tư Phát triển LNP có thể được xem như một thành viên trong "hệ sinh thái" doanh nghiệp của ông Đức "Cá tầm".

Dữ liệu doanh nghiệp cho thấy, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển LNP (LNP) mới được thành lập cách nay chưa lâu. Cụ thể là vào ngày 03/03/2017, có trụ sở chính tại Nhà 24, dãy C5, KĐT Nam Thăng Long, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Doanh nghiệp này hiện do ông Phạm Quang Tùng (SN 1978) làm Giám đốc, kiêm người đại diện theo pháp luật. Nhưng trước đó, vị trí này thuộc về bà Hà Thị Phương Thảo (SN 1982) - một nữ doanh nhân đang nhận được khá nhiều sự chú ý trong thời gian gần đây.

Bà Thảo là phu nhân của ông Lê Anh Đức (SN 1978), người được biết đến rộng rãi trong giới kinh doanh với biệt danh Đức "cá tầm". Cùng với chồng, nữ doanh nhân dân tộc Tày đã tạo dựng một đế chế kinh doanh có lẽ là đồ sộ hàng đầu trong giới doanh nhân trẻ (U40) tự thân ở Việt Nam, trải rộng trên nhiều lĩnh vực: nông nghiệp, du lịch, năng lượng và dĩ nhiên là cả bất động sản.

“Hệ sinh thái” đáng nể của vợ chồng đại gia Đức “Cá tầm”
Ông Phạm Quang Tùng, người thay thế vai trò của bà Hà Thị Phương Thảo tại LNP, thực tế cũng là một nhân sự quen mặt trong "hệ sinh thái" của ông Đức "cá tầm". Và không lạ khi danh sách 4 cổ đông đã sáng lập nên LNP- gồm cả bà Thảo và ông Tùng - cũng là những cái tên quen của vị đại gia hồi hương từ Nga.

Theo đăng ký thay đổi ngày 29/06/2018, NLP đã điều chỉnh tăng vốn điều lệ lên mức 2.000 tỷ đồng. Trong đó, Công ty CP bất động sản Hà Quang (Hà Quang) góp 238 tỷ đồng tương đương 11,9% vốn điều lệ, bà Hà Thị Phương Thảo góp 799,933 tỷ đồng tương đương 39,997% vốn điều lệ, bà Hà Vân Hiền góp 593,390 tỷ đồng tương đương với 29,7% vốn điều lệ và cá nhân ông Phạm Quang Tùng (SN 1978) góp 200 tỷ đồng tương đương 10% vốn điều lệ.

Như VietTimes đã từng đề cập, ngoài vai trò tại LNP, bà Hà Thị Phương Thảo đang góp vốn tại nhiều doanh nghiệp khác - đa phần là những "key" trong hệ sinh thái của ông Đức "cá tầm". Có thể kể đến như: Công ty CP Xây dựng Vịnh Nha Trang, Công ty CP Trần Thái Cam Ranh, Công ty CP Cá Tầm Việt Nam,…

Tại Công ty CP Xây dựng Vịnh Nha Trang - chủ đầu tư của hàng loạt resort tại thành phố biển Nha Trang, như dự án Panorama Nha Trang hay The Arena - hiện tại bà Hà Thị Phương Thảo giữ vai trò là Tổng Giám đốc, đồng thời là người đại diện theo pháp luật.

Theo đăng ký thay đổi ngày 29/06/2018, Vịnh Nha Trang có vốn điều lệ được nâng lên 2.000 tỷ đồng, do Công ty CP bất động sản Hà Quang (Hà Quang) và 03 cá nhân khác góp vốn thành lập. Trong đó, Công ty Hà Quang góp 238 tỷ đồng tương đương 11,9% vốn điều lệ, bà Hà Thị Phương Thảo góp 799,933 tỷ đồng tương đương 39,997% vốn điều lệ, bà Hà Vân Hiền góp 593,390 tỷ đồng tương đương với 29,7% vốn điều lệ và cá nhân ông Phạm Quang Tùng (SN 1978) góp 200 tỷ đồng tương đương 10% vốn điều lệ.

Công ty Hà Quang thành lập năm 2001, hiện tại đang do ông Hà Văn Hải (SN 1951) làm Tổng Giám đốc, kiêm người đại diện theo pháp luật.

Nên biết, ông Hà Văn Hải, bà Hà Thị Phương Thảo và Hà Vân Hiền đều đăng ký hộ khẩu thường trú tại một địa điểm, là một căn hộ tại Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội.

Với việc Hà Nội đã quyết định giao cho LNP lập đồ án quy hoạch chi tiết Khu đô thị Dầu khí Đức Giang, tỷ lệ 1/500, tại xã Đức Giang và thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, có lý do để tin rằng LNP sẽ còn tiến những bước xa hơn và sâu hơn nữa so với vai trò của một chủ đồ án.

Thực tế cho thấy, đa phần - nếu không muốn nói là hầu hết - các đơn vị được giao làm chủ đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 sau đó, theo nhiều cách, đều trở thành chủ đầu tư của dự án.

Nên sẽ là không bất ngờ, nếu tới đây, LNP trở thành chủ đầu tư của dự án bất động sản ngót 70ha ngoại thành Hà Nội. Và nếu vậy, dự án này sẽ trở thành một dấu ấn quan trọng, đánh dấu sự dịch chuyển đầu tư ra địa bàn thủ đô của đại gia Đức "cá tầm".

Dẫu vây, theo quy định, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Khu đô thị Dầu khí Đức Giang sẽ còn phải thông qua nhiều thủ tục.

Theo Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 được UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) phê duyệt tại Quyết định số 2029/QĐ-UBND ngày 04/7/2008, quy mô diện tích Khu đô thị Dầu khí Đức Giang có diện tích khoảng 78,26ha.

Tuy nhiên, ranh giới nghiên cứu lập quy hoạch lấy theo chỉ giới các tuyến đường để khớp nối đồng bộ về chức năng sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hạ tầng xã hội phù hợp với Quy hoạch phân khu đô thị S2 được duyệt và ranh giới lập Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được UBND TP chấp thuận tại công văn số 4379/UBND-ĐT ngày 08/9/2017, quy mô diện tích đất nghiên cứu lập khoảng 67,68ha.

Quy mô dân số Khu đô thị Dầu khí Đức Giang theo Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 được UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) phê duyệt khoảng 12.600 người. Song theo phê duyệt mới nhất của Hà Nội, quy mô dân số lập quy hoạch chi tiết chỉ còn khoảng 5.000 người./.