Không tiêm vaccine, nhiều thai phụ mắc COVID-19 phải đối mặt với tử thần

VietTimes – Vì nhiều lý do khác nhau mà từ chối tiêm vaccine, nhiều sản phụ mắc COVID-19 nặng đã không thể qua khỏi.
Bác sĩ siêu âm cho bệnh nhân (Ảnh - Minh Thuý)

Nguy kịch vì không tiêm vaccine COVID-19

Thông tin với PV VietTimes về tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, BS. Đồng Phú Khiêm – Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương) – chia sẻ: Hiện, khu vực Hồi sức của Khoa có gần 40 bệnh nhân nặng, phải thở máy, hơn 1 nửa là bệnh nhân trẻ và có bầu, phần lớn không tiêm phòng. Nếu người bệnh được tiêm vaccine đầy đủ thì tỉ lệ mắc bệnh nặng rất hiếm.

Lý do chính khiến nhiều phụ nữ mang thai không tiêm vaccine là do tâm lý sợ tiêm vaccine ảnh hưởng đến thai nhi. Nhiều gia đình, chính người chồng hoặc nhà chồng lo sợ vaccine ảnh hưởng đến thai nhi nên không cho thai phụ tiêm. Thế nhưng khi sản phụ mắc bệnh nặng lại đổ lỗi cho người vợ, hoặc ân hận muộn màng vì nếu vợ xảy ra chuyện gì thì không thể sống nổi. Đặc biệt, nhiều gia đình hiếm muộn nhưng lại không nhận thức được vấn đề này, dẫn đến tình trạng phụ nữ mang thai không được tiêm vaccine COVID-19.

BS. Đồng Phú Khiêm – Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) (Ảnh - Minh Thuý)

Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân mang thai mắc COVID-19 nặng, các bác sĩ đã nỗ lực cứu sống cả mẹ và con cho rất nhiều trường hợp. Tuy nhiên, nhiều người mắc bệnh quá nặng, mang bầu mà chưa tiêm vaccine nên đã mãi mãi ra đi.

Trường hợp mà BS. Khiêm nhớ và tiếc nuối nhất là một sản phụ 28 tuổi, mang thai 28 tuần, mắc COVID-19, chưa tiêm vaccine. Trong quá trình điều trị, sản phụ bị suy hô hấp nặng nên các bác sĩ phải cho can thiệp ECMO và cho người bệnh thở máy. Các thầy thuốc đã phải "chiến đấu" cùng bệnh nhân rất căng thẳng, vì thai nhi non yếu, suy thai. Tuy nhiên, sau rất nhiều nỗ lực của bác sĩ can thiệp ECMO trong hơn 1 tháng, tình trạng sản phụ vô vẫn rất nặng nên cả mẹ và con đều không qua khỏi. Đây là trường hợp trẻ nhất mang bầu tử vong do COVID-19 tại BV.

Cũng mang thai và mắc COVID-19 nặng, 1 trường hợp sản phụ khác cũng đã ra đi nhưng may mắn giữ được con sinh ra khoẻ mạnh.

Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)

Từ 2 trường hợp trên, BS. Khiêm nhấn mạnh: “Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nhà khoa học đã phân tích hiệu quả của vaccine đối với sức khoẻ con người. Lợi ích của vaccine lớn hơn rất nhiều so với các nguy cơ tai biến do vaccine, đặc biệt là với những người có yếu tố nguy cơ mắc COVID-19 nặng, như có bệnh nền, tuổi cao hay phụ nữ mang thai. Bản thân tôi từng tham gia một số chương trình truyền thông về tiêm phòng vaccine và thấy rõ rằng, Bộ Y tế và các phương tiện truyền thông đã nhiều lần nhấn mạnh sự an toàn và lợi ích của vaccine với phụ nữ mang thai là rất lớn”.

Theo BS. Khiêm, đặc điểm chung của bệnh nhân COVID-19 là thường bệnh nhân sẽ diễn biến nặng sau 5-6 ngày có triệu chứng của bệnh. Ban đầu bệnh nhân chỉ bị sốt, đau họng, đau mỏi người, nhưng đến ngày thứ 5, tình trạng khó thở tăng dần, bệnh nhân phải nhập viện để điều trị.

Đặc biệt, phụ nữ khi mang thai rất nhạy cảm với 1 số bệnh lý như cúm, hoặc một số bệnh truyền nhiễm. Nếu người bình thường mắc cúm thì nguy cơ bệnh chuyển nặng rất ít. Nhưng với bà bầu thì nguy cơ chuyển nặng rất cao. Chính vì thế, bà bầu cần đi khám sớm tại BV để được các bác sĩ tư vấn, điều trị.

Làm thế nào để điều trị hiệu quả cho sản phụ mắc COVID-19 nặng?

Để làm giảm tình trạng tiến triển nặng cho người có nguy cơ nhiễm nặng, các bác sĩ có thể cho bệnh nhân sử dụng thuốc kháng vi rút sớm, tuy nhiên trong điều trị bệnh COVID-19 hiện nay chưa có thuốc kháng vi rút an toàn và hiệu quả cho phụ nữ mang thai, nên đây là một vấn đề rất khó khăn khi phụ nữ mang thai chẳng may nhiễm bệnh.

Phụ nữ mang thai là đối tượng nguy cơ nhiễm nặng, vì vậy khi bị nhiễm thường cần được đưa vào nhập viện sớm để các bác sĩ theo dõi, can thiệp kịp thời nếu cần thiết. Nếu vào viện muộn, bệnh diễn biến nặng, thì các bác sĩ không thể điều trị hiệu quả.

Các bác sĩ vận chuyển bệnh nhân (Ảnh - Minh Thuý)

Lợi ích lớn nhất của việc nhập viện sớm chính là bệnh nhân được can thiệp đúng “thời điểm vàng”, tùy vào mức độ nặng của mẹ và tuổi thai mà các bác sỹ có thể có các quyết định can thiệp phù hợp để tăng cơ hội cứu được cả mẹ cả con ở mức cao nhất (ví dụ nếu cần có thể mổ lấy con sớm để cứu con và tăng cơ hội hồi sức mẹ).

Nhiều trường hợp mắc bệnh trở nặng từ ngày thứ 6-7, nếu để tự thở thì không thể duy trì sự sống. Lúc này, các bác sĩ phải tính toán các phương án làm sao đảm bảo an toàn cho mẹ, liệu có khả năng giữ được con hay không. Ví dụ như trường hợp các bác sĩ khám chẩn đoán thai nhi của sản phụ đến tuần tuổi có thể nuôi được, thì bác sĩ có thể tính phương án mổ để đón em bé chào đời. Các bác sĩ sẽ tập trung điều trị, hồi sức để cứu sống sản phụ.

Mới đây, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cứu sống mẹ con sản phụ nguy kịch vì COVID-19, khi các bác sĩ ưu tiên phẫu thuật để cứu sống thai nhi.

Trong quá trình hồi sức, sản phụ diễn biến nặng. Các bác sĩ trong kíp cấp cứu của BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã mang dàn ECMO (tim phổi nhân tạo) sang BV Phụ sản Hà Nội để cấp cứu tại chỗ cho sản phụ. May mắn, cả mẹ và con đã được cứu sống một cách ngoạn mục.