Không thể đào tạo bác sĩ đúng nghĩa, nếu chỉ học online mà không thực hành trên bệnh nhân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vùng dịch TP.HCM sẽ thí điểm dạy học trực tiếp từ ngày 13/12 ở các vùng an toàn. Tuy nhiên, nhiều ngành học không thể chỉ học trực tuyến, đặc biệt, không thể đào tạo bác sĩ nếu không thực hành trên bệnh nhân.
Nhiều ngành học không thể chỉ học trực tuyến, đặc biệt, không thể đào tạo bác sĩ nếu không thực hành trên bệnh nhân. Ảnh: Hoà Bình
Nhiều ngành học không thể chỉ học trực tuyến, đặc biệt, không thể đào tạo bác sĩ nếu không thực hành trên bệnh nhân. Ảnh: Hoà Bình

Thí điểm dạy và học trực tiếp từ ngày 13/12

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Theo đó, trong giai đoạn chuẩn bị, các trường tổ chức họp phụ huynh trước ngày 5/12 để triển khai các vấn đề cần lưu ý trong công tác phối hợp với nhà trường chăm sóc, tổ chức cho học sinh học trực tiếp tại trường.

Ngày 8/12, các trường tập huấn cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác phòng chống dịch trong tình hình mới. Ngày 10/12, các trường tiếp tục tổ chức sinh hoạt hướng dẫn công tác an toàn cho học sinh khi trở lại trường học trực tiếp.

Với giai đoạn tổ chức dạy học trực tiếp, TP.HCM sẽ thí điểm tổ chức dạy học trực tiếp trong 2 tuần từ ngày 13/12 đến ngày 25/12 với tất cả học sinh lớp 1, 9 và 12. Từ tuần thứ 2 sẽ thí điểm đối với trẻ mẫu giáo 5 tuổi. Riêng huyện Cần Giờ, Trường Mầm non Thạnh An, Tiểu học Thạnh An, THCS - THPT Thạnh An học trực tiếp ở tất cả các khối lớp từ ngày 13/12.

UBND TP.HCM chỉ đạo, từ ngày 27/12, TP sẽ tổ chức hội nghị sơ kết, rút kinh nghiệm 2 tuần thí điểm dạy học trực tiếp. Căn cứ kết quả này, Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Y tế tham mưu UBND TPHCM xem xét quyết định tiếp tục mở rộng dần đối tượng hoặc tổ chức dạy học trực tiếp toàn TP từ ngày 3/1/2022.

Cũng theo kế hoạch trên, nguyên tắc tổ chức cho học sinh đi học lại là trường THPT hoạt động theo cấp độ dịch của TP.HCM, các cơ sở giáo dục còn lại hoạt động theo cấp độ dịch của TP Thủ Đức hoặc quận, huyện nơi trường trú đóng.

TP.HCM sẽ ưu tiên tổ chức dạy học trực tiếp trước ở những trường có điều kiện cơ sở vật chất tốt, đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống Covid-19. Các cơ sở giáo dục chuyển trạng thái tổ chức dạy học theo cấp độ dịch được công bố vào sáng thứ hai hàng tuần do UBND TP.HCM công bố, các cá nhân tham gia dạy và học trực tiếp không thuộc diện phải cách ly y tế để phòng chống dịch. Học sinh, giáo viên đến từ vùng đỏ phải thực hiện xét nghiệm theo hướng dẫn của ngành y tế.

Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục xây dựng và hoàn chỉnh các kế hoạch, phương án phòng chống dịch trước ngày 3/12. Trước khi mở cửa trường, các cơ sở giáo dục phải được Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của TP Thủ Đức và quận, huyện kiểm tra, thẩm định kế hoạch, phương án phòng chống dịch khi dạy học trực tiếp.

Học sinh TP.HCM ở vùng an toàn có thể quay trở lại trường trong thời gian tới. Ảnh: Phạm Nguyễn

Học sinh TP.HCM ở vùng an toàn có thể quay trở lại trường trong thời gian tới. Ảnh: Phạm Nguyễn

Không thể đào tạo bác sĩ mà không thực hành trên bệnh nhân

Với các cấp tiểu học, THPT, có nhiều khó khăn khi thầy và trò phải kéo dài lịch học trực tuyến, tuy nhiên, vẫn có thể tiếp tục học trực tuyến mà truyền tải đủ kiến thức tới học sinh. Còn khối đào tạo đại học, thì có một số chuyên ngành đặc thù gặp khó khăn không nhỏ khi sinh viên không thể đến trường.

Trả lời VietTimes, PGS.TS.BS Ngô Thị Quỳnh Lan – Trưởng khoa Răng Hàm Mặt (Đại học Y Dược TP.HCM) - chia sẻ thông tin, cho đến hiện tại Trường vẫn chưa thể cho phép sinh viên quay lại với giảng đường.

“Không thể đào tạo online đối với sinh viên y dược được. Với những ngành đặc thù như chuyên ngành như răng – hàm – mặt, chắc chắn cần phải tiếp cận thực hành điều trị lâm sàng. Học trực tuyến kéo dài như thế này thực sự rất thiệt thòi cho sinh viên y dược. Năm vừa rồi, sinh viên năm cuối có thể tốt nghiệp được là bởi các em đã có cơ hội được thực hành trên bệnh nhân” - PGS.TS.BS Ngô Thị Quỳnh Lan cho hay.

“Hiện tại, Trường ĐH Y Dược TP.HCM chỉ cho phép các sinh viên đã chích ngừa đủ 2 mũi thì được vào trường theo từng nhóm nhỏ, thực tập cận lâm sàng, sinh viên vẫn chưa được phép tiếp cận với bệnh nhân mà chỉ có giảng viên mới được tiếp cận và điều trị cho bệnh nhân. Bệnh nhân trước khi vào điều trị đều phải được xét nghiệm COVID-19 và cũng phát hiện nhiều F0. Khó khăn lớn là sinh viên phần lớn từ các tỉnh vừa mới được phép quay trở lại TP.HCM nên tỷ lệ chích ngừa đủ 2 mũi rất thấp. Các em ở TP.HCM và hoàn thành 2 mũi vaccine COVID-19 thì đều đã bổ sung vào lực lượng chống dịch trong thời gian vừa rồi” - PGS.TS.BS Ngô Thị Quỳnh Lan cho biết.

PGS.TS Ngô Thị Quỳnh Lan, Trưởng khoa Răng – Hàm – Mặt (ĐH Y Dược TP.HCM), người đứng bên phải. Ảnh: Hoà Bình

PGS.TS Ngô Thị Quỳnh Lan, Trưởng khoa Răng – Hàm – Mặt (ĐH Y Dược TP.HCM), người đứng bên phải. Ảnh: Hoà Bình

BS Ngô Thị Quỳnh Lan cung cấp thêm chi tiết: “Toàn bộ sinh viên Đại học Y Dược TP.HCM thì ngay khi quay trở lại TP đã đều được tạo điều kiện chích ngừa tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Kể cả khi các sinh viên đã được tiêm hai mũi vaccine thì vẫn phải phân luồng cho các bạn thực tập theo các khối điều trị dành cho bệnh nhân không phải là F0”.

ĐH Y Dược TP.HCM cũng đã đưa ra nhiều kịch bản khác nhau, chẳng hạn như các thầy cô và sinh viên đã là F0 và khỏi bệnh thì có thể hỗ trợ điều trị các bệnh nhân F0. Tuy nhiên, việc cho sinh viên quay trở lại trường được hay không bắt buộc phải phụ thuộc vào công bố mức độ dịch của thành phố theo từng tuần, nên mọi kế hoạch đều phải rất linh hoạt.

Theo BS Ngô Thị Quỳnh Lan, khi bà tham dự các hội thảo trực tuyến với các trường ĐH Y Dược cùng nhiều nước khác trên thế giới và trong khu vực, thì không riêng Việt Nam mà tất cả các trường y dược ở rất nhiều nước trên thế giới đều cho biết họ đã và đang phải đối mặt với thách thức, khó khăn khi dịch bệnh COVID-19 kéo dài và việc đào tạo sinh viên chuyên ngành y dược lại không thể chỉ qua online mà bắt buộc phải thực hành trên bệnh nhân.

“Chắc chắn không thể đào tạo bác sĩ đúng nghĩa mà không có thực hành trên bệnh nhân” - PGS.TS.BS Ngô Thị Quỳnh Lan khẳng định.