Không quân Nga trong cuộc chiến 5 ngày chống Gruzia

Hoạt động của Không quân Nga trong cuộc xung đột Nga-Gruzia năm 2008 thường bị đa số đánh giá rất thấp khi người ta nói đến “những tổn thất cao vô lý”, “chỉ huy ngu ngốc” và thường luôn được so sánh với hoạt động của không quân NATO. Vậy sự thực như thế nào?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vào đầu cuộc chiến ở Nam Ossetia, lực lượng không quân của quân khu Bắc Kavkaz của quân đội Nga là một trong những yếu tố then chốt bảo đảm ưu thế quân sự của quân đội Nga trước quân đội Gruzia.

Lực lượng quân đội mà Nga có tại khu vực khi đó còn là tiềm tàng xung đột không có ưu thế quân số lớn trước quân đội Gruzia, ngoài ra, trong trường hợp nổ ra chiến tranh, họ sẽ phải tiến vào khu vực tác chiến trong điều kiện thiên nhiên và địa lý cực kỳ khó khăn. Trong các kế hoạch cho tình huống chiến tranh với Gruzia, không quân Nga được trao cho một trong những vai trò quyết định, nhất là trong thời gian đầu. Người ta đã trù tính phải kiềm chế cuộc tấn công của quân Gruzia ngày trong ngày đầu chiến tranh chủ yếu là bằng không quân.

Vào mùa hè năm 2008, lực lượng không quân của SKVO gồm Tập đoàn không quân số 4 với gần 200 máy bay  - 2 trung đoàn Su-27, 2 trung đoàn MiG-29, 3 trung đoàn cường kích Su-25 và 2 trung đoàn ném bom Su-24М. Các phi công của tập đoàn quân này có lẽ là được huấn luyện tốt nhất trong các đơn vị không quân của quân đội Nga, cũng như có tỷ lệ vũ khí trang bị hoạt động tốt cao nhất là 70-75%.

Không quân Gruzia quá nhỏ bé nên chẳng thể ảnh hưởng gì lớn đến tiến trình chiến sự. Nền tảng của Không quân Gruzia là 12 cường kích Su-25KM Skorpion - đó là các máy bay Su-25 được hãng Ebit Systems của Israel hiện đại hóa, số còn lại là đống rác gồm L-29, L-39, cũng như đống lẩu gồm hơn 10 trực thăng Mi-24, Mi-8, cũng như UH-1 già cỗi mà Mỹ chuyển cho đã có hơn 30 năm tuổi khi đó.

Mặc dù không quân hoàn toàn vô nghĩa, Gruzia có hệ thống phòng không khá mạnh đối với quân đội của mình. Lực lượng phòng không này gồm 2 radar 36D6 (do Ukraine sản xuất và thường được phối thuộc cho tiểu đoàn tên lửa phòng không S-300PS), 1 tiểu đoàn tên lửa phòng không Buk-М1 (do Ukraine lấy từ kho dự trữ bán cho sau khi được đại tu và đưa vào trạng thái hoạt động), 5 hệ thống tên lửa phòng không Osa, hơn 40 hệ thống tên lửa phòng không mang vác các loại Strela-2, Igla, Grom, nghĩa là rất nhiều đối với một quân đội như quân đội Gruzia. Gruzia cũng đã mua hệ thống tên lửa phòng không Spyder của Israel, nhưng Spyder không bắn rơi được máy bay nào. Theo một số nguồn tin, sau này, Spyder đã bị quân Nga chiếm được.

Đêm 7, rạng sáng 8/8/2008, Không quân Gruzia đã thực hiện chuyến xuất kích chiến đấu đầu tiên và duy nhất của mình khi mưu toan đánh bom cây cầu Gufta (gần làng Dzhava), nhưng chuyến xuất kích này không mang lại kết quả nào. Cần lưu ý rằng, mặc dù có vũ khí chính xác cao (Gruzia khi đó có các tên lửa Kh-25ML và Kh-29L), cũng như trình độ huấn luyện rất tốt, các cường kích Gruzia trong chuyến xuất kích này lại sử dụng bom không điều kiển thông thường. Sau khi các tiêm kích Nga xuất hiện trên bầu trời vào buổi sáng, Gruzia đã phân tán không quân của mình và sau đó không hề cất cánh nữa.

Sáng 8/8, Không quân Nga bắt đầu thực hiện các nhiệm vụ sau: ngăn chặn quân Gruzia tấn công, cách ly chiến trường, tấn công các mục tiêu trong hậu phương ngay trên lãnh thổ Gruzia. Ngay vào hồi 10 giờ 30, các máy bay ném bom Su-24 đã thực hiện các cuộc không kích đầu tiên vào ngay lãnh thổ Gruzia và ném bom trạm tập kết lính dự bị ở Vaziani. Dù có kết quả khá cao (nhất là tiêu diệt cùng lúc 42 lính của Lữ đoàn bộ binh 4 của Gruzia tại cánh rừng trên đường tiếp cận Tskhinvali, làm mất tinh thần nặng nề binh lính Gruzia, và thậm chí theo một số nguồn tin thì đã gây ra sự hoảng loạn trong thời gian ngắn), trong ngày đầu chiến tranh, Không quân Nga cũng chịu những tổn thất đầu tiên khi 1 chiếc Su-25 rơi do bị bắn nhầm. Ngày 9/8, Không quân Nga chịu những tổn thất nặng nề nhất khi chỉ trong vài giờ cùng lúc có 3 máy bay bị bắn hạ.

Một chiếc Tu-22М3 từ Shaykovka, 1 Su-24 và 1 Su-25SM. Tổn thất 1 máy bay ném bom Tu-22M3 là tổn thất đau đớn và có tiếng vang nhất. Chắc chắn máy bay này trong đội hình tốp máy bay ném bom đã tiến hành ném bom rải thảm thung lũng Kodori. Do quân Gruziaе rút rất nhanh khỏi đó nên thung lũng này đã bị quân Abkhazia chiếm lĩnh dễ dàng, giả thiết này xem ra là đáng tin nhất. Nhiều người đặt câu hỏi - vì sao chiếc Tu-22M3 đã không hoạt động như một máy bay ném bom, chứ không phải là máy bay mang tên lửa?

Thường thì trong những cuộc xung đột như thế, việc sử dụng các máy bay ném bom chiến lược theo đúng chức năng trực tiếp nhất của nó là rất xác đáng, như trong chiến dịch Bão táp sa mạc, chiến dịch chống Nam Tư, cũng như trong chiến tranh chống Libya, Không quân Mỹ đã huy động các máy bay ném bom В-52 và В-1 để thực hiện các nhiệm vụ oanh tạc.

Sau khi ném bom xong, tốp Tu-22М3 bay vòng qua lãnh thổ Gruzia, rõ ràng là còn các mục tiêu thứ yếu nào đó. Và khi bay trên huyện Sachkhere của Gruzia, tốp máy bay đã lọt vào “bẫy phục kích tên lửa”. Cụ thể là hệ thống tên lửa phòng không nằm ở đó ở chế độ “tắt” để không làm bộc lộ mình bằng hoạt động của radar, lúc đó mục tiêu được phát hiện bằng các radar khác hay các phương tiện thụ động, ví dụ như khí tài quan sát quang-truyền hình. Khi mục tiêu lọt sâu vào vùng sát thương, hệ thống tên lửa phòng không bật nhanh radar, tiến hành bắt mục tiêu và phóng tên lửa.

Chiếc Tu-22М3 đã bị hệ thống tên lửa phòng không Buk-M1 của Gruzia bắn rơi đúng như thế. Theo các nguồn tin khác nhau, đã có 4-6 quả đạn tên lửa được phóng vào máy bay, trong đó 2 quả đã tiêu diệt mục tiêu, còn số đạn tên lửa còn lại đã bị các khí tài tác chiến điện tử vốn cực mạnh trên các máy bay này đánh lừa được. Tổn thất này đã dẫn tới việc không quân chiến lược Nga chấm dứt các chuyến bay tiếp theo trong cuộc chiến tranh này.

Ngay sau khi chiếc Tu-22М3 bị tiêu diệt, tại khu vực thành phố Shindisi của Gruzia, 1 máy bay ném bom Su-24М của Nga đã bị bắn rơi. Sau một giờ nữa, thêm 1 chiếc Su-25SM của trung đoàn trưởng Trung đoàn cường kích 368, Đại tá Sergei Kobylash đã bị bắn hạ, cũng ở Nam Ossetia. Máy bay bị bắn bị thương khi tấn công một đoàn xe Gruzia, và đã cố lết về căn cứ, nhưng trên bầu trời Tskhinvali đã bị quân Nam Ossetia bắn nhầm vì nghĩ là Su-25 của Gruzia. Viên phi công đã nhảy dù thành công và mấy phút sau đã được một trực thăng cứu nạn sơ tán đi. Gần 15 giờ chiều, thêm 1 chiếc Su-25 bị bắn rơi và cũng là do nhầm lẫn.

Quân đội Nga trong cuộc chiến 5 ngày với Gruzia năm 2008
Quân đội Nga trong cuộc chiến 5 ngày với Gruzia năm 2008

Ngoài các máy bay bị bắn rơi, một số lượng máy bay tương tự cũng bị thương, chủ yếu do hỏa lực tên lửa phòng không mang vác của Gruzia. Sau khi chịu những tổn thất khá đau, vào ngày thứ ba của cuộc chiến, Không quân Nga đã thay đổi chiến thuật. Các máy bay tiến công đã bắt đầu tác chiến dưới sự yểm hộ của các máy bay gây nhiễu An-12PP, trực thăng tác chiến điện tử Mi-8PP, cũng như bắt đầu chế áp tích cực hệ thống phòng không Gruzia.

Mấy máy bay ném bom tối tân nhất Su-34 đã được tung vào trận. Chúng đã tiêu diệt thành công cả 2 radar 36D6 (đã dùng thử các tên lửa chống radar mới Kh-31P), cũng như đã tiến hành chế áp điện tử hệ thống tên lửa phòng không Buk. Trong 2 ngày cuối cuộc chiến, Không quân Nga đã không chịu thêm tổn thất nào.

Nhìn chung, Không quân Nga đã hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra, gây tổn thất lớn cho quân đội Gruzia, tiêu diệt được đa số các mục tiêu hạ tầng quân sự Gruzia. Đã phá hủy các đường băng cất/hạ cánh của gần như tất cả các sân bay Gruzia, kể cả đường băng cất cánh của Nhà máy hàng không Tbilisi.

Chỉ có đường băng cất/hạ cánh của sân bay ở Tbilisi là không bị đánh bom. Gần như tất cả các căn cứ quân sự và mục tiêu quân sự của Gruzia đều bị oanh kích, phần lớn hạ tầng quân sự của Gruzia đã bị tiêu diệt. Mặc dù có hiệu quả chiến đấu khá cao, hệ thống phòng không Gruzia đã hoàn toàn không thể ngăn cản đáng kể Không quân Nga hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình.

- Không quân Nga, kể cả không quân vận tải, đã thực hiện gần 2.500 phi vụ. Trong 3 ngày đầu chiến tranh, không quân chiến thuật đã thực hiện trung bình 3 lượt xuất kích cỡ trung đoàn, trong 2 ngày cuối là 2 lượt xuất kích cỡ trung đoàn. Nga tổn thất 6 máy bay - 1 Tu-22M3, 4 Su-25, 1-2 Su-24М. Mức tổn thất này là rất nhỏ, còn xa mức nguy hiểm.

- Một phần đáng kể tổn thất gây ra do “hỏa lực quân nhà”. Đáng tiếc là Không quân Nga đã không áp dụng các dấu hiệu “nhận biết nhanh” (ví dụ trong tác chiến, Không quân Israel sơn lên các đuôi đứng máy bay các dải màu chói đặc biệt). Do Gruzia cũng có các cường kích như Nga và cũng sơn ngụy trang như vậy nên trong trận chiến hỗn loạn, điều đó đã dẫn đến những hậu quả bi thảm như thế.

Nhìn chung, có thể đánh giá kết quả hoạt động của Không quân Nga trong cuộc chiến 5 ngày là đạt yêu cầu.

Bây giờ hãy nói về chuyện so sánh hiệu quả của Không quân Nga với không quân NATO, điều mà nhiều người rất thích làm. Một là, điều đó không hoàn toàn xác đáng, vì không quân NATO trong các cuộc chiến tranh trong các thập kỷ gần đây và Không quân Nga đã thực hiện một số nhiệm vụ khác nhau.

Nhiệm vụ chính của không quân NATO là tiêu diệt hạ tầng dân sự và quân sự đối phương. Trong chiến dịch Bão táp sa mạc năm 1991 chống Iraq, trước khi bắt đầu cuộc tấn công trên bộ của liên quân là một tháng không kích dữ dỗi Iraq, sau đó lục quân chỉ còn việc đánh bồi quân đội Iraq lúc đó đã rối loạn, tan nát. Trong chiến dịch chống Nam Tư của NATO, các đòn không kích gần như hoàn toàn nhằm vào các mục tiêu hạ tầng dân sự.

Trong cuộc chiến 5 ngày năm 2008, Không quân Nga làm các nhiệm vụ chi viện lục quân và vào trực tiếp tiếp xúc với quân đội đối phương khi hoạt động trong vùng sát thương của tên lửa phòng không mang vác và tên lửa phòng không tầm ngắn. Ngoài ra, mật độ tên lửa phòng không mang vác trong quân đội Iraq thưa hơn nhiều lần so với trong quân đội Gruzia, trong khi hoàn toàn không có các hệ thống tên lửa phòng không lục quân tương đối hiện đại.

- Không quân Nga đã vấp phải các phương tiện phòng không ở cùng trình độ (cùng chủng loại). Không quân NATO không gặp sự kháng cự mạnh từ phía các phương tiện phòng không đối phương. Tất cả các phương tiện phòng không đối phương mà các địch thủ của họ có về thực chất chỉ là các vật trưng bày bảo tàng, từ lâu đã bị loại bỏ khỏi trang bị các nước phát triển và hoàn toàn không có khả năng tác chiến chống không quân hiện đại.

Tiếp theo là về chuyện “ngu ngốc” trong chỉ huy. Ở các nước NATO, người ta cũng “biết” đánh nhau, nói nhẹ ra, là không thật ngon lành. Ví dụ, trong chiến dịch Bão táp sa mạc, quân Anh ngay trong tuần đầu chiến tranh đã ăn đòn đau khi mất 6 chiếc Tornado, trong vòng chỉ có 300 lần chiếc. Đây là mức độ tổn thất nguy hiểm - 2% trên 1 lần chiếc. Mức độ tổn thất nguy hiểm của không quân Anh bị gây ra bởi các vũ khí phòng không sau - hệ thống tên lửa phòng không S-75, các hệ thống pháo phòng không tự hành ZSU-57-2, ZSU-23-4 Shilka, cũng như các pháo phòng không “tiền sử” S-60 và KS-19 (pháo phòng không mẫu 1947 mm).

Trong cuộc xâm lược Iraq, một phần đáng kể tổn thất của các lực lượng NATO, kể cả không quân, là do “hỏa lực quân nhà”. Ví dụ, hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ đã bắn rơi 1 máy bay Tornado của Anh (vì kíp chiến đấu Patriot nhận nhầm nó là tên lửa chiến thuật Scud!).

Nhược điểm của Không quân Nga

Trong chiến tranh ở Nam Ossetia, có thể chỉ ra các nhược điểm sau đây của Không quân Nga:

- Tập trung mọi nỗ lực trong những ngày đầu tiên chỉ vào tấn công đối phương mà coi nhẹ việc chế áp các phương tiện phòng không Gruzia.

- Đánh giá thấp khả năng của các phương tiện phòng không Gruzia.

- Trình độ hiệp đồng, phối hợp yếu giữa lục quân và không quân. Thực chất, cả Lục quân và Không quân Nga đều đã riêng rẽ tiến hành cuộc chiến tranh “của mình”.

- Tại thời điểm đó, tỷ lệ máy bay mới và hiện đại hóa trang bị cho Không quân Nga là rất thấp (trong những năm gần đây, các nhược điểm này đang được khắc phục ráo riết).

- Không quân cường kích Nga không có các vũ khí hiệu quả, chính xác cao, ví dụ như tên lửa chống tăng có điều khiển, để tác chiến chống tăng-thiết giáp đối phương, nên buộc phải dùng bom không điều khiển, do đó buộc phải bay vào vùng sát thương hiệu quả của tên lửa phòng không mang vác đối phương. Điều rất bức thiết đối với cường kích Su-25 là hệ thống avionics tồi tệ. Trên Su-25SM, tình hình khá hơn nhiều về mặt này.

Rõ ràng là cuộc chiến tranh 5 ngày năm 2008 chống Gruzia đã bộc lộ nhiều nhược điểm của Không quân Nga và cho thấy rằng, Không quân Nga vẫn là lực lượng đáng gờm và có khả năng hoàn thành rất hiệu quả các nhiệm vụ đặt ra.
Theo VND