Không phải số tiền trong tài khoản, đây mới là thước đo thành công của Warren Buffett

VietTimes – Tỷ phú Warren Buffet cho rằng, đến cuối đời mà một cá nhân không được ai yêu quý thì có bao nhiêu tiền cũng không có ý nghĩa, thậm chí là một sự thảm hại. 
Tỉ phú Mỹ Warren Buffet (Ảnh: Reuters)

Tỷ phú Warren Buffett rõ ràng là một trong số ít những biểu tượng trong giới doanh nhân, người có thể gửi đi món quà về sự thông thái và những lời khuyên mỗi khi người khác cần đến nó nhất. Và những lời khuyên đó, khi bạn thực sự ngừng lại và suy nghĩ về chúng, đều luôn chính xác.

Trong cuốn tiểu sử về Buffet có tên “Snowball: Warren Buffett and the Business of Life” - tác giả Alice Schroeder đã viết về thời điểm mà Buffett thực hiện bài phát biểu tại trường Đại học Georgia. Các sinh viên đã hỏi ông về định nghĩa của sự thành công.

Vị tỷ phú đã trả lời rằng, khi sắp đến hồi cuối của đời, thước đo duy nhất cho sự thành công của một cá nhân chính là 'số người thực sự yêu thương bạn'.

“Tôi biết những người có rất nhiều tiền, họ tạo cảm hứng cho nhiều người và họ có nhiều nhánh bệnh viện được đặt tên theo họ. Nhưng thực tế là không ai trên thế giới yêu quý họ”, Buffett nói. “Nếu bạn đến tuổi của tôi và không ai nghĩ tốt về bạn, tôi không quan tâm là tài khoản ngân hàng của bạn lớn cỡ nào, nhưng như vậy thì cuộc sống của bạn là một thảm họa".

Đúng vậy, vị tỉ phú tự thân nói rằng việc một cá nhân được yêu thương bao nhiêu – chứ không phải tiền tài hay thành tựu – mới là thước đo thành công trong cuộc sống.

Cho đi và nhận lại

Warren Buffet cho rằng, tình yêu là một trong số những cảm xúc mạnh mẽ nhất mà một con người có thể cảm nhận, thế nhưng nhiều người vẫn đang trong một xã hội mang đậm chủ nghĩa cá nhân.

Họ lao vào những hành trình kinh doanh rủi ro và vạch ra con đường sự nghiệp với hy vọng sẽ có được danh tiếng và tiền tài. Họ cảm thấy ở trên đỉnh cao khi đủ khả năng để đi nghỉ dưỡng 2 lần/năm trên những hòn đảo tuyệt đẹp và sở hữu một chiếc xe sang của châu Âu. Họ mơ về tất cả những thứ như vậy trong khi bỏ mặc tình yêu thương.

“Tình yêu không phải thứ để bán,” Buffett nói với các sinh viên. “Cách duy nhất có được tình yêu là trở nên xứng đáng được yêu. Điều này rất khó nếu bạn có rất nhiều tiền. Bạn có thể nghĩ rằng mình chỉ việc viết một tờ séc: Tôi sẽ mua tình yêu trị giá 1 triệu USD. Nhưng sự việc không như mong muốn. Bạn càng cho đi bao nhiêu tình yêu, bạn càng nhận lại được nhiều".

Vậy làm thế nào chúng ta có thể thực hiện được nguyên tắc về sự thành công của Buffett theo cách mà chúng ta thực sự để lại được một di sản? Đặt tình yêu vào bên trong cảm xúc là một điều thách thức và dũng cảm, nhưng sau đây là một vài cách để thực hiện nó:

1. Vị tha và đừng kỳ vọng người khác trả ơn

Quy luật về tình yêu là sự có đi có lại. Khi chúng ta lựa chọn yêu quý ai đó một cách vô điều kiện bằng cách khuyến khích và tin tưởng ở họ, tình yêu sẽ trở lại với chúng ta thông qua sự tôn trọng, ngưỡng mộ, tin tưởng và trung thành.

Thêm nữa, khi chúng ta nhận được những thứ đó, chúng ta sẽ trở nên tự trắc ẩn hơn. Một nghiên cứu được ĐH California công bố năm 2011 chỉ ra rằng, sự tự trắc ẩn có thể làm tăng động lực, sức mạnh lý trí và khả năng phục hồi sau thất bại của con người. Một nghiên cứu khác, được đăng tải trên Tạp chí Nghiên cứu Nhân cách năm 2007, kết luận rằng những người có sự tự trắc ẩn thường sẽ vui vẻ, lạc quan hơn so với những người khác.

2. Hãy đồng cảm

Sự đồng cảm là một trong số những đặc điểm thường thấy của những người được yêu mến. Sự đồng cảm thực sự diễn ra khi bạn có khả năng đặt mình vào vị trí của người khác và hiểu được quan điểm của họ.

Sự đồng cảm cũng đóng vai trò lớn trong khả năng gây ảnh hưởng của một người đối với những người khác. Trong một nghiên cứu mà DDI thực hiện với hơn 15.000 nhà lãnh đạo trên khắp 20 ngành công nghiệp, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khả năng lắng nghe và phản ứng cùng sự đồng cảm là tiêu chí quan trọng nhất đối với hiệu quả làm việc tổng quan của một đội ngũ.

3. Biến công việc thành điều thú vị

Khi bạn yêu thích công việc của mình, bạn cũng yêu thích cuộc sống. Trong tiểu sử về Buffett, “Tap Dancing to Work: Warren Buffett on Practically Everything”, được Carol J. Loomis chắp bút, bà có nhắc tới một câu nói của Buffett: “Tôi yêu thích mọi ngày. Tôi nhảy ở ngay đây và làm việc với toàn những người tôi thích. Không có công việc nào trên thế giới lại vui hơn việc điều hành Berkshire, và tôi tự cho rằng mình may mắn khi được ở đúng chỗ.”

Bài học ở đây rất rõ ràng: Trong một môi trường văn hóa tích cực và có động lực thúc đẩy, nơi mà con người ta chia sẻ cùng những giá trị, niềm tin và tiêu chuẩn giống nhau, bạn sẽ tìm thấy một nhóm người có hiệu suất lao động cao luôn thu hút những người giống như họ.

4. Đối xử với người khác theo đúng cách mà họ muốn

Khi còn là những đứa trẻ, chúng ta thường được dạy về Quy tắc Vàng: “Đối xử với người khác đúng như cách bạn muốn được người khác đối xử.” Nhưng Quy tắc Bạch kim lại nâng nó lên tầm cao mới: “Đối xử với người khác đúng như cách mà họ muốn được đối xử.”

Khi chúng ta tuân theo Quy tắc Bạch kim, chúng ta có thể chắc chắn hơn rằng chúng ta đang tôn trọng điều mà họ muốn, thay vì áp đặt những giá trị của riêng chúng ta vào họ. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phớt lờ Quy tắc Vàng, mà chúng ta nhận ra những hạn chế trong quy tắc này, bởi mỗi cá nhân và mỗi tình huống đều khác nhau.

5. Hãy đi theo sự đam mê

Nếu bạn muốn có được sự nghiệp trong mơ của mình, bạn cần phải đi theo sự đam mê của bản thân. Chỉ đơn giản vậy thôi. Nhiều người trong số chúng ta quan trọng hóa những tấm séc ghi lương và sự đảm bảo việc làm, ngay cả khi chúng ta ghét công việc của mình và thà đi làm việc khác còn hơn – những việc mà chúng ta thực sự yêu thích.

Là con người, được làm điều mình thích chính là yếu tố chính dẫn tới niềm vui thực sự trong cuộc sống. Bởi vậy, nếu bạn không biết niềm đam mê của bạn là gì, đã đến lúc đi tìm hiểu./.

Theo CNBC