Cụ thể, vị tỷ phú này nói rằng: “VinCity không phải mô hình nhà giá rẻ. Đây là phân khúc hướng tới khách hàng có mức thu nhập trung bình cao”.
Ông Vượng nói trên vai trò Chủ tọa đại hôi, giải đáp lại các băn khoăn của cổ đông, rằng Vingroup - vốn có truyền thống phát triển các tổ hợp bất động sản trung cao cấp – tại sao bây giờ lại hướng phân khúc bình dân, nhà ở xã hội, nhà giá rẻ như VinCity.
Giải thích kỹ hơn, Chủ tịch Vingroup cho biết, VinCity là thành phố tương lai với các tòa nhà từ 30 đến 38 tầng, chứ không xây 5 - 7 tầng như các khu nhà ở xã hội hay nhà ở thu nhập thấp khác.
“Đây sẽ là những khu đô thị đại chúng tương lai. Cơ sở hạ tầng và điều kiện sống ở đây sẽ không thua kém gì các dự án hiện tại của Vingroup. Cái khác chỉ là vị trí”, vị doanh nhân trưởng thành từ Đông Âu lý giải và khẳng định Vingroup sẵn sàng chấp nhận biên lợi nhuận thấp hơn cho VinCity.
Ông nói: “Xây VinCity thà chấp nhận lợi nhuận giảm xuống một tí, nhưng 100 năm nữa người ta vẫn chưa có nhu cầu đập đi bởi vì hạ tầng rất tốt, kiến trúc rất đẹp. Tôi có nói, nếu không cẩn thận Vinhomes sẽ “tị” với VinCity. Quả thật, VinCity có hạ tầng tốt hơn, chỉ khác một điều VinCity dành cho những người thích hương đồng gió nội, tỷ lệ ô nhiễm thấp, trong khi Vinhomes lại dành cho những người ưa thích sự tiện lợi từ những dịch vụ nội đô.”
Trước đó, cuối năm 2016, Vingroup đã chính thức giới thiệu ra thị trường dòng căn hộ hướng tới khách hàng đại chúng, với mức giá dự kiến từ 700 triệu đồng một căn. Thương hiệu VinCity dự kiến được triển khai tại 7 tỉnh, thành phố lớn. Riêng tại Hà Nội và TP HCM, dự án sẽ được đầu tư ở các quận huyện ngoại thành, nhằm hình thành các khu đô thị vệ tinh.
Chia sẻ tại cuộc họp sáng 26/4, Chủ tịch Vingroup cho biết việc triển khai mô hình thành phố vệ tinh nêu trên sẽ giúp các đô thị lớn giải tỏa áp lực giao thông nội đô và nhu cầu về nhà ở.
Lấy ví dụ dự án VinCity Gia Lâm (Hà Nội) với diện tích 300 ha và quy mô 100.000 dân, ông Vượng cho rằng hệ số sử dụng đất sẽ thấp hơn đáng kể so với các dự án bất động sản nội thành.
Trước các luồng dư luận cho rằng việc phát triển các khu đô thị cao tầng là nguyên nhân chính dẫn đến tắc đường, ông Vượng cho biết ông không đồng ý. “Về ách tắc giao thông, tôi cho rằng gốc ở đâu phải xử lý vấn đề ở đó. Bài toán giao thông phải giải quyết một cách tổng thể, từ câu chuyện đất cho giao thông, điều phối giao thông, câu chuyện thành phố vệ tinh, các trục chính đường bao, phương tiện xe máy...”.
Chủ tịch Vingroup lấy ví dụ từ thực tiễn trải nghiệm của bản thân để nói sâu hơn về quan điểm: “Tôi đi công tác ở nước ngoài, như Tokyo hay New York. Nhà cao tầng san sát, thậm chí như khách sạn tôi ở - một tòa nhà 60 tầng, kế bên một tòa nhà 40 tầng. Hai tòa nhà chọc trời chỉ cách nhau sải tay, khoảng 1,5 mét. Nhưng tôi ở thấy vẫn rất đẳng cấp, rất thoải mái, không có tắc đường. Họ quy hoạch và có hạ tầng giao thông, hệ thống giao thông công cộng rất tốt.”
Ông Vượng khẳng định các khu đô thị do Vingroup triển khai đều có mật độ xây dựng và hệ số sử dụng thấp hơn hẳn, so với các khu khác. “Thực tế, các dự án trong trung tâm như Times City hay Royal City mật độ xây dựng là khoảng 40%, trong khi hầu hết các dự án ở khu trung tâm khác đều có mật độ 60 - 70%.”
Chủ tịch Vingroup cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số cư dân trong các khu đô thị của Vingroup, từ Bắc chí Nam chỉ có khoảng 70 – 80 nghìn người. Quy mô đó chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong hàng chục triệu người tham gia mạng lưới giao thông đô thị hàng ngày./.