|
Nhà báo |
Ở Mỹ, gần 50 người tham gia vào đường dây bê bối gian lận tuyển sinh đã bị Bộ Tư pháp nước này buộc tội. Nhiều người là những phụ huynh tên tuổi, như sao Hollywood, lãnh đạo doanh nghiệp, huấn luyện viên thể thao, giảng viên đại học danh giá, phải đối mặt với án phạt tù, cao nhất có thể tới 20 năm. Điều này cho thấy, gian lận điểm thi là việc không những cần phải công khai danh tính người vi phạm, mà còn phải xử lý hình sự.
Đáng nói khi câu chuyện gian lận thi cử vào đại học ở Việt Nam diễn ra gần như đồng thời với vụ gian lận thi cử ở Mỹ, nhưng cách xử lý lại khác nhau. Ai cũng nghĩ, việc gian lận thi cử phải được đưa ra ánh sáng và xử lý nghiêm khắc, phụ huynh phải chịu trách nhiệm là không cần bàn cãi. Ấy nhưng mặc dù việc gian lận thi cử diễn ra ở diện rộng, tới ba tỉnh, với số lượng lớn (hơn 220 thí sinh), gây bức xúc mạnh mẽ trong xã hội, nhưng việc công bố danh tính vẫn rất "ngập ngừng", với đủ lý do.
|
Vụ gian lận thi cử ở Sơn La từng gây xôn xao dư luận, nhiều cán bộ dính vào vòng lao lý. |
Những con số gian lận thật là khủng khiếp, chứ không phải chuyện đùa. Có tới 56 thí sinh với 140 bài thi trắc nghiệm ở Hòa Bình đã bị thay đổi từ 0,2 đến 9,25 điểm/môn thi; 44 thí sinh ở Sơn La được sửa nâng điểm, có thí sinh được tăng lên 26,55 điểm. Hà Giang có 114 thí sinh với 330 bài thi được nâng điểm, cao nhất là 8,75 điểm/môn thi. Sự gian dối trắng trợn đến khó tin và tôi gọi đó là tội ác, bởi đã nhẫn tâm tước đoạt tương lai của hàng trăm học sinh đủ điểm, khiến các em bị đẩy ra khỏi cổng trường đại học một cách oan ức.
Một số người cho rằng không nên công bố danh tính các học sinh gian lận điểm thi vì sợ ảnh hưởng đến tương lai các em. Có gì đó mang tính bao biện ở đây, khi các công dân 18 tuổi trở lên đều phải chịu trách nhiệm với từng hành vi của mình. Hơn nữa, Quy chế năm 2017 đã nêu rõ chế tài "tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi trong hai năm tiếp theo đối với những thí sinh vi phạm". Nếu không công bố thì làm sao có thể xử lý những thí sinh vi phạm? Câu danh ngôn "tha thằng kẻ trộm là làm hại người lành" hoàn toàn đúng trong trường hợp này!
Chuyện trở nên hài hước hơn khi không chỉ các học sinh, mà danh tính bố mẹ các em -- những người vi phạm -- cũng được giữ kín. Cứ cho rằng các học sinh có thể không biết, nhưng tại sao lại phải che giấu danh tính cho các phụ huynh? Câu hỏi này được đặt ra suốt nhiều ngày qua mà vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Hay lại bao biện là phụ huynh cũng không vi phạm nốt, còn việc gian lận điểm là do…"oan gia trái chủ"?
Việc hàng trăm thí sinh gian lận thi cử cho thấy đường dây mua bán điểm của “liên minh ma quỷ” đã làm tổn thương không ít các em học sinh và các bậc phụ huynh, đồng thời, tác động xấu đến ngành giáo dục, làm xói mòn lòng tin xã hội. Vì thế, không công khai danh tính phụ huynh trong vụ việc tày đình này khác gì bao che cái ác, cái xấu không bị phơi bày ra ánh sáng, trong khi hậu quả của nó vô cùng nặng nề. Tôi đồng ý với quan điểm của nhà thơ Bùi Hoàng Tám là "nếu việc công khai tên tuổi các cháu cần cân nhắc, thì việc công khai phụ huynh lại là điều cần thiết bởi dù với bất cứ lý do gì, họ cũng là người trực tiếp vi phạm. Công khai, minh bạch chính là biện pháp hữu hiệu trong công cuộc ngăn chặn tham nhũng tiêu cực và ngược lại, sự bao che, mập mờ chính là mảnh đất ươm mầm cho cái xấu, cái ác nảy sinh."
Nếu không công khai danh tính các phụ huynh có con vi phạm, dễ khiến người dân nghi ngờ rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là có "vùng cấm": Liệu có phải vì xuất thân của các học sinh gian lận nên mới dẫn tới sự "ngập ngừng" công bố? Bởi phụ huynh của các thí sinh gian lận không phải là người nghèo, mà đều là những cán bộ có chức quyền, những gia đình giàu có.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng -- Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng nhấn mạnh “Việc không công khai danh sách thí sinh trong vụ gian lận điểm thi là vi phạm Luật Báo chí và Luật Phòng chống tham nhũng, thậm chí là vi hiến”, vậy thì việc công khai danh tính các phụ huynh có con gian lận điểm không còn là mong mỏi, mà là điều phải làm!