Não úng thủy là nỗi ám ảnh của các gia đình, bởi bệnh để lại di chứng nặng nề do gây tích tụ quá nhiều dịch não tủy, khiến trẻ mắc bệnh có não và sọ sưng to bất thường.
Não úng thủy có thể gặp ở mọi lứa tuổi, song phổ biến nhất là não úng thủy trẻ sơ sinh với tỷ lệ khoảng 1:500 thai kỳ.
|
Bệnh nhi mắc não úng thủy (Ảnh minh họa)
|
Cậu bé Nguyễn P.M. (4 tuổi, Hà Nội) là một trong những bệnh nhân mắc não úng tủy. M. rất thông minh lanh lợi, chẳng ai ngờ em mắc căn bệnh nghiêm trọng này từ khi còn trong bụng mẹ. Thế là, từ sau khi chào đời, cuộc sống của M. gắn liền với Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội).
Tương tự, bé Nguyễn B.Q. (30 tháng tuổi) cũng mắc bệnh từ trong bụng mẹ. Song, gia đình quyết tâm giữ bé và cam kết sẽ điều trị cho con. Song, quá trình điều trị không diễn ra suôn sẻ, phương pháp cũ gặp trục trặc khiến cho Q. bị tái phát bệnh.
May mắn, sau đó, cả hai bé đều được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật nội soi điều trị bệnh mới. Đến nay, đã hơn 2 năm, qua 3 lần tái khám, sức khỏe của M. tiến triển rất tốt, bé vận động và nhận thức tốt như những bạn bè cùng trang lứa. Còn bé Q. không còn bị tái phát bệnh và không cần phải phẫu thuật lại lần nữa.
Chia sẻ về phương pháp điều trị nội soi mới này, bác sĩ Trần Văn Sĩ - Khoa Ngoại Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương -– cho biết, phương pháp mới có tên là phương pháp phẫu thuật nội soi phá sàn não thất III (ETV) kết hợp đốt đám rối mạch mạc (CPC) bằng ống mềm.
|
Bác sĩ Trần Văn Sĩ thăm khám cho bệnh nhân
|
Để phẫu thuật nội soi, kíp mổ sẽ mở một lỗ nhỏ trên sọ của bệnh nhân sau đó đưa thiết bị vào cơ thể. Thời gian thực hiện ca mổ ngắn, chỉ từ 30 - 40 phút, tổn thương nhỏ nên ít gây đau đớn, nguy cơ biến chứng, nhiễm trùng thấp hơn song đạt hiệu quả cao hơn so với phương pháp cũ là phẫu thuật đặt dẫn lưu não thất.
Ngoài ra, phương pháp mới còn giúp các bệnh nhi không phải phẫu thuật nhiều lần, kéo dài gây tốn kém, mệt mỏi, ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, đã có 227 bệnh nhi được điều trị bệnh não úng thủy từ phương pháp mới này.
Theo bác sĩ Trần Văn Sĩ , kỹ thuật mới này nằm trong chương trình hợp tác quốc tế giữa tổ chức Cure International và một số bệnh viện như Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM), Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Nhi Trung ương, chương trình hợp tác bắt đầu từ tháng 6 năm 2016 tại Bệnh viện Nhi đồng 2.
Ngoài việc hợp tác phẫu thuật, chương trình hợp tác cũng chú trọng đến điều trị phẫu thuật đóng khối thoát vị, phục hồi chức năng, xử lý đường ruột và bàng quang cho bệnh nhi bị thoát vị màng não tủy, đồng thời, hỗ trợ đào tạo phẫu thuật viên (tại Uganda, châu Phi), chăm sóc tư vấn và hỗ trợ trang thiết bị phẫu thuật.