|
Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, Trần Hùng Huy. |
Theo Báo cáo tình hình quản trị năm 2016 mới được Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX: ACB) công bố, tính đến hết năm 2016, gia đình đương kim Chủ tịch HĐQT Trần Hùng Huy vẫn đang là nhóm cổ đông cá nhân lớn nhất của ngân hàng. Dù khối lượng sở hữu vẫn không có gì thay đổi so với thời điểm đầu năm.
Báo cáo cho thấy, đến thời điểm 31/12/2016, ông Huy đang sở hữu 28.772.070 cổ phiếu ACB, tương đương với tỷ lệ sở hữu 3,07%.
Song thân của vị Chủ tịch trẻ tuổi này (ông Huy sinh năm 1978, hiện là Chủ tịch đương nhiệm trẻ nhất trong giới ngân hàng Việt Nam) là ông Trần Mộng Hùng và bà Đặng Thu Thủy lần lượt sở hữu 16.523.854 (1,76%) và 10.572.256 cổ phiếu ACB (1,17%).
Hai người em của ông Huy, bà Trần Đặng Thu Thảo và ông Trần Minh Hoàng cũng lần lượt nắm giữ thêm 10.572.256 (1,13%) và 11.503.880 cổ phiếu ACB (1,23%).
Chưa kể, các cô chú hai bên nội ngoại của ông Huy cũng đang nắm giữ một khối lượng cổ phần đáng kể khác tại ACB.
Có thể kể đến trường hợp 3 người em của ông Trần Mộng Hùng là Trần Phú Mỹ, Trần Phú Hòa, Trần Tuyết Nga, hiện nắm giữ 8.897.445 cổ phiếu ACB (0,95%).
Hay 4 chị/em của bà Đặng Thu Thủy là Đặng Thu Hà, Đặng Thị Thu Vân, Đặng Văn Phú, Đặng Phú Vinh, hiện cũng đang nắm giữ 16.299.507 cổ phiếu ACB (1,74%)
Như vậy, tính đến hết năm 2016, gia đình Chủ tịch Trần Hùng Huy vẫn nắm giữ tổng cộng 103.141.268 cổ phiếu ACB, tương đương với tỷ lệ sở hữu 11,05%.
Với việc thị giá cổ phiếu ACB chốt phiên gần nhất (3/2/2017) là 24.200 đồng/cổ phần, hiện “Trần gia” đang sở hữu khối tài sản lên đến 2.500 tỷ đồng – tính riêng tại ACB.
Hiện ông Huy và song thân cũng đang nắm giữ 3/9 ghế trong Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB.
Trái ngược với gia đình Chủ tịch Trần Hùng Huy, các lãnh đạo cấp cao khác của ACB và gia đình họ gần như không nắm giữ hoặc chỉ nắm giữ một lượng cổ phiếu ACB không đáng kể.
Trong khi đó, về phía cổ đông tổ chức, 2 cái tên lớn nhất là: Dragon Financial Holdings Limited (63.899.631 cổ phiếu, tương ứng 6,81% VĐL); Standard Chartered Bank Hongkong Limited (58.395.142 cổ phiếu, tương ứng 6,23% vốn điều lệ).
Ngoài ra, theo các công bố trước đây, ACB còn 2 cổ đông lớn khác – cũng có nguồn gốc nước ngoài – là Standard Chartered APR Limited (tính đến 31/12/2015, nắm giữ 82.263.883 cổ phiếu ACB, chiếm 8,77% VĐL), Connaught Investors Limited (tính đến 31/12/2015, nắm giữ 68.114.834 cổ phiếu ACB, chiếm 7,26% VĐL). Vì hai cổ đông này hiện không còn thành viên đại diện trong cơ cấu quản trị hay điều hành cấp cao của ACB, nên báo cáo tình hình quản trị năm 2016 của ACB không đề cập đến biến động sở hữu của hai tổ chức này.
Với lý do tương tự, dữ liệu về sở hữu của nhóm cổ đông liên quan đến vợ chồng ông/bà Nguyễn Đức Kiên (“bầu” Kiên) - Đặng Ngọc Lan tại ACB cũng không được đề cập. Theo công bố gần nhất, “bầu” Kiên sở hữu 3,37% cổ phần ACB, bên cạnh 4,11% do vợ ông – bà Đặng Ngọc Lan – nắm giữ.
Liên quan đến câu chuyện sở hữu tại ACB, cuối năm 2016, mã cổ phiếu này từng khiến thị trường xôn xao khi có tới 50,93 triệu cổ phiếu dồn dập được giao dịch thỏa thuận, chỉ trong 3 ngày (từ ngày 25 đến 28/11).
Trở lại với Báo cáo tình hình quản trị ngân hàng năm 2016 mà ACB vừa công bố, báo cáo đã tiết lộ một thông tin rất đáng chú ý khác. Theo đó, ngày 4/8/2016, HĐQT ACB đã họp và ban hành Quyết định số 3006/TCQĐ-HĐQT.16 về phương án mua lại Công ty tài chính TNHH MTV Bưu điện (PT Finance).
Nếu thành công, đây có thể coi là một bước đi mang tính xu thế của ACB, nhằm cạnh tranh trong lĩnh vực tín dụng dưới chuẩn và cho vay tiêu dùng, trước các bài học thành công của VPBank, Techcombank hay mới đây nhất là SHB.
Được biết, PT Finance là một trong những công ty tài chính đầu tiên của Việt Nam với giấy phép được thành lập vào tháng 10/1998. Vốn điều lệ của công ty tài chính này hiện là 500 tỷ đồng do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Theo báo cáo cập nhật mới nhất, lũy kế 6 tháng đầu năm 2016, PT Finance kinh doanh có lãi dù con số lợi nhuận chỉ khiêm tốn 2,79 tỷ đồng. Tổng tài sản đến cuối quý II/2016 đạt 384 tỷ đồng – thấp hơn giá trị vốn điều lệ (500 tỷ đồng), do kết quả làm ăn bết bát trước đó, khiến công ty bị lỗ lũy kế và âm vốn chủ sở hữu hàng trăm tỷ đồng./.