|
Trong khi Mỹ - siêu cường số 1 thế giới vẫn tiếp tục đòi thực hiện chính sách trừng phạt với Nga thì Nhật Bản và Đức lại nhấn mạnh đến lựa chọn đối thoại với Moscow.
Nhóm 7 cường quốc hàng đầu thế giới đang tất bật chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh sắp tới và vấn đề trừng phạt Nga cũng như cuộc khủng hoảng ở Ukraine được xem là một trong những chủ đề chính trong cuộc họp lần này. Điều đáng chú ý nhất là theo hãng tin Kyodo của Nhật Bản, các cường quốc đang không tìm được tiếng nói chung trong chính sách với Nga. Đây là điều khác biệt hoàn toàn so với năm trước khi các nước này nhất loạt đồng tình loại Nga ra khỏi nhóm nước G8 đồng thời tung ra một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Hãng tin Kyodo dẫn lời một số nguồn tin trong nội bộ G7 (7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Canada và Italia) cho biết, Mỹ đang kêu gọi tiếp tục theo đuổi chính sách trừng phạt với Nga trong khi Nhật Bản và Đức lại nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chính sách đối thoại với Moscow.
Sự bất đồng trên nổi lên ngay tại một cuộc họp hồi đầu tháng 12 giữa các cố vấn đại diện của chính phủ 7 nước công nghiệp.
“Cuộc khủng hoảng ở Ukraine được cho sẽ là một chủ đề chính quan trọng hàng đầu trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 6 tới ở Đức. Trọng tâm của hội nghị lần này sẽ là tìm kiếm một hành động phối hợp giữa 7 nước đối với Nga, đặc biệt vào một thời điểm khi một phần của các biện pháp trừng phạt mà Liên minh Châu Âu (EU) áp đặt với Moscow sẽ hết hạn vào tháng 3 tới”, hãng tin Kyodo cho biết.
Theo nguồn tin từ Kyodo, “Mỹ đã phát biểu tại phiên họp ở thủ đô Berlin của Đức rằng, G7 phải đảm bảo một hành động phối hợp, thống nhất để chuẩn bị sẵn sàng cho việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, kêu gọi EU và G7 tiếp tục trừng phạt Nga”.
Các nguồn tin Kyodo dẫn lời một đại diện của chính phủ Mỹ nói rằng, giới lãnh đạo Nga đang lợi dụng sự chia rẽ và cảnh báo Nga có thể khoét sâu mâu thuẫn trong nội bộ 7 cường quốc. Anh ủng hộ Mỹ trong cách tiếp cận nói trên.
“Ngược lại, Nhật Bản – nước đang háo hức thúc đẩy đàm phán tranh chấp lãnh thổ với Nga, và Đức – một nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn từ Moscow, lại thể hiện một quan điểm, lập trường mềm dẻo hơn” so với Mỹ, Kyodo đưa tin.
Hãng tin của Nhật Bản dẫn lời đại diện của chính phủ Đức cho biết, một số biện pháp trừng phạt cần được duy trì trong khi một số khác nên được dỡ bỏ. Đại diện của Đức cũng nói rằng Moscow sẽ thể hiện sự linh hoạt hơn nếu các biện pháp trừng phạt được nới lỏng. Về phần mình, Nhật Bản bày tỏ sự ủng hộ đối với việc tiếp tục đàm phán với Nga ngoài việc áp đặt các biện pháp trừng phạt.
Đại diện của các nước G7 dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp mới vào tháng 3 để tiếp tục thảo luận về tình hình Ukraine và các vấn đề khác. Hội nghị thượng đỉnh chính thức của G7 diễn ra ở Bavaria của Đức vào ngày 7-8/6.
Mỹ, Anh quyết liệt đòi dồn ép Nga
Không rõ có phải sau khi thấy G7 có dấu hiệu “vỡ trận” sớm trước Nga, Mỹ và Anh nhanh chóng lên tiếng thể hiện sự cứng rắn và quyết liệt trong việc gây sức ép đến cùng với Moscow bằng các biện pháp trừng phạt.
Mỹ và Anh sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách trừng phạt mạnh mẽ vào nền kinh tế của Nga và ủng hộ cho Ukraine, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố như vậy trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Anh David Cameron ngày hôm qua (16/1).
“Chúng tôi nhất trí với sự cần thiết phải tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm vào Nga cho đến khi nước này chấm dứt các hành động gây hấn ở Ukraine và sự cần thiết phải ủng hộ cho Ukraine khi nước này đang thực hiện các cải cách kinh tế và dân chủ quan trọng”, ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh.
Quan hệ giữa Nga và phương Tây đang rơi vào tình trạng xấu chưa từng thấy kể từ thời Chiến tranh Lạnh sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát và sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga hồi tháng 3 năm ngoái.
Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Bản thân nhiều quốc gia Châu Âu cũng đang “ngầm đòn đau” từ chính các biện pháp trừng phạt mà họ áp đặt lên Nga. Đây chính là lý do khiến phương Tây nói chung và G7 nói riêng đang bắt đầu nảy sinh những bất đồng trong chính sách với Nga.
Theo: VnMedia