Theo kế hoạch, Ấn Độ sẽ mua 6 tàu ngầm diesel-điện tiên tiến, trị giá ít nhất là 8 tỷ USD. Các tập đoàn DCNS của Pháp, HDW của Đức, Rosoboronexport của Nga và Navantia của Tây Ban Nha đều đang cạnh tranh để giành được hợp đồng này. Do các tàu ngầm mà Ấn Độ sắp mua sẽ được đóng ở Ấn Độ nên các công ty nước ngoài muốn giành được hợp đồng này sẽ phải thành lập liên doanh với một nhà máy đóng tàu của Ấn Độ.
Đề nghị của Ấn Độ được đưa ra vào thời điểm khi chính phủ của Thủ tướng Modi và chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang mong muốn tăng cường quan hệ. Điều này sẽ tạo cho Nhật Bản một cơ hội nếu biết rằng Pháp, Đức và Nga đều đã từng đóng tàu ngầm cho Ấn Độ trong quá khứ. Đề nghị này cũng được đưa ra vào thời điểm khi Nhật Bản đang tìm cách thâm nhập thị trường vũ khí toàn cầu sau khi dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho nước ngoài - một lệnh cấm do họ tự áp đặt cách đây một thế kỷ. Kể từ khi lệnh cấm này được bãi bỏ, Nhật Bản đã thảo luận với Ấn Độ về việc bán cho Ấn Độ các máy bay chở quân ShinMaywa US-2i.
Tokyo đặc biệt quan tâm đến việc thâm nhập thị trường tàu ngầm toàn cầu vốn đang bị các nước như Nga, Pháp và Đức chi phối. Các nhà phân tích quân sự cho rằng tàu ngầm lớp Soryu của Tokyo có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ với các loại tàu tương tự của Nga, Pháp và Đức. Các nhà phân tích quân sự cho biết: "Với lượng choán nước 4.200 tấn, tàu ngầm lớp Soryu có kích thước lớn hơn nhiều so với tàu Type 214 của Đức, tàu Scorpene của Pháp hoặc tàu Kilo cải tiến của Nga, và có thể mang được nhiều vũ khí hơn. Kích thước này cũng làm cho chúng chạy êm hơn và có tầm hoạt động lớn hơn các loại tàu hiện có trên thị trường. Với giá chào bán khoảng 500 triệu USD, tàu Soryu không đắt hơn nhiều so với các loại tàu khác".
Hiện tại, Nhật Bản đang trong giai đoạn đẩy mạnh đàm phán với Australia để bán cho nước này 12 tàu ngầm diesel-điện. Việc giành được hợp đồng này sẽ có lợi cho Mitsubishi Heavy Industries và Kawasaki Heavy Industries - các tập đoàn chế tạo tàu ngầm lớp Soryu. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc mở thầu lô hàng này chỉ có thể diễn ra sau hai năm nữa, và nếu có thắng thầu thì phía Nhật Bản cũng phải chờ thêm nhiều năm nữa do kế hoạch mua sắm cho nhu cầu quốc phòng của Ấn Độ thường kéo dài nhiều năm.
Theo: Báo Tin tức