Mặt bằng mới của lãi suất liên ngân hàng?
Diễn biến “lạ” của lãi suất liên ngân hàng so với mọi năm được nhiều chuyên gia chỉ ra sau khi tổng hợp lại diễn biến nền kinh tế trong Quý 1/2019.
Theo lẽ thông thường, lãi suất liên ngân hàng sẽ tăng mạnh trước mỗi đợt nghỉ Tết Nguyên đán do nhu cầu thanh khoản của hệ thống gia tăng đột biến. Sau đó, mặt bằng lãi suất sẽ được “trả về” mức bình thường, dao động trong khoảng từ 1 - 2%/năm.
Nửa đầu năm 2019, lãi suất liên ngân hàng không còn giữ quy luật sụt giảm rõ rệt như mọi năm, thay vào đó, mặt bằng lãi suất dù có giảm nhưng vẫn được neo cao trên mức 2%/năm và có xu hướng gia tăng trở lại.
Nguyên nhân trong ngắn hạn có thể xuất phát từ yếu tố mùa vụ khi các ngân hàng đẩy mạnh việc cho vay vốn nhằm “chốt” các chỉ tiêu kinh doanh Quý 2 và 6 tháng đầu năm 2019. Nhưng xét trong giai đoạn nửa đầu năm 2019, việc lãi suất liên ngân hàng vẫn được giữ ở mức cao hàm ý cho thấy có sự căng thẳng thanh khoản trong hệ thống.
Điều này có thể xuất phát từ nhu cầu huy động vốn nhằm cải thiện các hệ số an toàn trong hệ thống ngân hàng.
Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng thời gian qua (Nguồn: VEPR)
|
Tuy nhiên, kênh huy động qua liên ngân hàng có chăng cũng chỉ là giải pháp tạm thời, các ngân hàng cũng rất tích cực tìm đến những kênh huy động khác mang tính dài hạn hơn, trong đó có thị trường trái phiếu.
Theo số liệu tổng hợp của CTCP Chứng khoán MB (MBS), trong số 70 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được phát hành trong 6 tháng đầu năm 2019, nhóm ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất, lên tới 36,8%.
Trong đó, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đang dẫn đầu với 6.850 tỷ đồng trái phiếu phát hành, với mức lãi suất cố định từ 6,7 – 6,8%/năm, kỳ hạn 3 năm, thanh toán 1 năm/lần. Đứng thứ 2 là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã CK: VPB) với 5.900 tỷ đồng trái phiếu phát hành có kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định từ 6,4% - 6,9%.
Cũng theo MBS, nguyên nhân là do nhu cầu tăng vốn cấp II của các ngân hàng để nâng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) lên mức 8% theo quy định của thông tư 41/2016/TT-NHNN.
Thống kê các đợt phát hành trái phiếu của một số ngân hàng trong nửa đầu năm 2019 (Nguồn: MBS)
|
Tìm kiếm nguồn vốn trái phiếu từ nước ngoài
Không chỉ huy động vốn từ thị trường trái phiếu trong nước, các ngân hàng cũng tìm đến nguồn lực từ “khối ngoại”.
Hồi đầu năm 2019, HĐQT VPBank đã thông qua phương án phát hành tối đa 1 tỷ USD trái phiếu trên thị trường quốc tế theo Chương trình Euro Medium Note. Mục đích phát hành nhằm “Tăng quy mô vốn hoạt động của VPBank”.
Tới ngày 12/7/2019, nhà băng này đã chính thức có những bước đi đầu tiên khi HĐQT thông qua phương án phát hành 300 triệu USD trái phiếu ra thị trường quốc tế.
Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không có bảo đảm và không kèm chứng quyền, có kỳ hạn 3 năm. Kỳ thanh toán lãi 6 tháng/lần với mức lãi suất danh nghĩa của trái phiếu là 6,25%/năm.
VPB sẽ phát hành số trái phiếu này theo phương thức dựng sổ, dựa trên cơ sở tư vấn, thu xếp của các đối tác là Standard Chartered Bank, BNP Paribas và J.P. Morgan. Trong đó, đối tượng trái chủ mà VPB hướng tới là các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường trái phiếu quốc tế và ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ.
Được biết, việc phát hành theo phương thức dựng sổ có ưu điểm là sẽ tạo điều kiện cho VPB được lựa chọn những nhà đầu tư phù hợp. Thương vụ phát hành dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 17/7/2019 sắp tới và số trái phiếu này sẽ được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Singapore (SGX-ST).
Không chỉ riêng VPB, một số ngân hàng khác cũng đang có kế hoạch phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế nhưng với quy mô có phần khiêm tốn hơn.
Vào cuối năm 2018, Ngân hàng VIB trình cổ đông thông qua phương án phát hành 200 triệu USD trái phiếu với kỳ hạ từ 5 đến 10 năm. HDBank cũng xin ý kiến cổ đông về việc phát hành 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi với kỳ hạn 5 năm.
Gần đây, TPBank cũng đã công bố kế hoạch phát hành 200 triệu USD trái phiếu, thời gian dự kiến từ ngày 28/6 - 12/7/2019.
Xu hướng phát hành trái phiếu trên thị trường nước ngoài được đẩy mạnh trong thời gian qua một phần nguyên nhân đến từ việc một số ngân hàng trong nước đã cải thiện được xếp hạng tín nhiệm trong kết quả đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín dụng có uy tín.
Điều này giúp chi phí huy động vốn có phần “dễ chịu” hơn trước.
Còn nhớ năm 2012, VietinBank cũng phát hành thành công 250 triệu USD trái phiếu quốc tế nhưng với mức lãi suất lên tới 8%/năm./.